Những người bảo vệ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú

BHG - Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần gần đây, cơ quan tôi tổ chức hành hương về vùng đất được biết đến có “đá nở hoa” nơi địa đầu Tổ quốc, đó là tỉnh Hà Giang. Sau cơn lũ lịch sử hồi đầu tháng 6 khiến một số tuyến đường vẫn còn nham nhở bùn đất; một vài khe suối xơ xác, nước đục và chảy xiết. Dòng sông Lô huyền thoại nước trong xanh là vậy nay cũng đục ngầu cuộn chảy, ven sông vẫn còn ngấn nước, cây cỏ, củi khô bám lại.

Từ thành phố Hà Giang, đoàn chúng tôi di chuyển theo hướng Bắc, trên tuyến Quốc lộ 4C, thêm 150 km mới đến được trung tâm huyện Đồng Văn. Nơi đây không chỉ có dòng sông Nho Quế, núi Đôi, dốc Bắc Sum, đèo Thẩm Mã, đèo Mã Pì Pèng, khu dinh thự nhà Vương, phố cổ Đồng Văn… mà còn có một địa danh mà lâu nay tôi chỉ được biết đến qua thông tin của báo, đài, đó chính là Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Tiếp chúng tôi bên ấm trà nóng thơm nồng, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú hồ hởi hỏi thăm:

- Các anh chị đi đường dài có mệt lắm không ạ. Ở Đồng Văn có hai mùa, mùa mưa và mua khô. Bây giờ đang là mùa mưa, mưa nhiều lắm, nên khu vực Cột cờ luôn có nhiều mây mù bao phủ. Còn mùa khô thì gió rét, sương muối, băng tuyết xuất hiện thường xuyên.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 2 chụp ảnh lưu niệm tại chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 2 chụp ảnh lưu niệm tại chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Rồi Hải chậm rãi kể cho chúng tôi nghe khái quát về chức năng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị hai bên khu vực biên giới, Đồn Biên phòng Lũng Cú còn có một nhiệm vụ rất đặc biệt là ngày đêm bảo vệ an toàn Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

- Các anh, chị đã đến với Hà Giang là phải đến thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng, thuộc thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú. Vì đây là cột mốc chủ quyền rất thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị to lớn, linh thiêng, là biểu tượng cho hào khí Quốc gia và ý chí nguyện vọng cũng như tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày nghỉ, dịp lễ du khách thập phương về đây càng đông, Thiếu tá Hải tiếp lời.

Dẫn chúng tôi đến Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và giới thiệu, Thượng úy Giàng Minh Trung, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lũng Cú như thuộc vanh vách lịch sử hình thành của Cột cờ. Dưới chân Cột cờ, mặc cho gió thổi thông thốc, Giàng Minh Trung vẫn kể cho chúng tôi nghe về quá trình hình thành, gìn giữ, bảo vệ Cột cờ: Theo sử sách ghi lại rằng, Cột cờ Lũng Cú có từ thời Lý. Khi xưa Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta. Ban đầu Cột cờ chỉ làm bằng cây sa mộc. Từ đó, trong suốt chiều dài lịch sử, lá cờ trên mảnh đất biên ải nơi cực Bắc Tổ quốc luôn được giữ gìn và bảo vệ. Năm 1978, Đồn Biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ, cao trên 10 mét bằng gỗ sa mộc, treo lá cờ rộng 1,2 m2. Đến năm 1991, người dân trong xã Lũng Cú đã tìm được 1 cây pơ mu cao gần 13 mét, được sự chỉ đạo của chính quyền, người dân đã vận chuyển cây đó lên đỉnh núi Rồng giao cho Đồn Biên phòng làm Cột cờ. Cột cờ Lũng Cú được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử và Danh thắng quốc gia vào năm 2009. Năm 2010 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, duyệt kinh phí đầu tư và tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Sau 196 ngày thi công, Cột cờ Lũng Cú đã hoàn thành và cắt băng khánh thành vào ngày 25.9.2010. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24 km. Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Để lên được đỉnh Cột cờ, phải đi qua 839 bậc thang. Trên đỉnh là cột cờ làm bằng inox cao 8 mét, treo cờ Tổ quốc có chiều dài 9 mét, chiều rộng 6 mét. Phía dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm, trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang. Ngay phía dưới chân núi Rồng là Đồn Biên phòng Lũng Cú.

Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú sau khi công tác về vội vã đến chân Cột cờ chào và chia sẻ với chúng tôi về việc bảo vệ Cột cờ của đơn vị. Theo anh Giang, để chăm sóc, bảo vệ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú 24/24 giờ, Đồn đã thành lập một tổ từ 8 - 9 đồng chí, do một sỹ quan chỉ huy phụ trách. Bình quân từ 7- 10 ngày phải thay lá cờ một lần, tùy thuộc vào khí hậu, thời tiết của từng mùa trong năm. Với mùa mưa, gió nhiều và mạnh hơn nên có khi chỉ 3 ngày đã phải thay một lá cờ vị bị rách, hư hỏng. Cờ do UBND huyện Đồng Văn cấp và đảm bảo. Đối với những lá cờ cũ, nếu cơ quan, đơn vị nào có nhu cầu xin để ở phòng truyền thống, thư viện phải làm công văn đề nghị và căn cứ vào đó Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ làm tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định tặng Cờ. Đồn làm Lễ Thượng cờ khi có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc trong các ngày lễ, tết, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22.12. Vì vậy, các chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Cột cờ làm việc gần như quanh năm suốt tháng. Vào các ngày nghỉ, ngày lễ càng đông khách thập phương, trong đó có nhiều khách là người nước ngoài đến thăm Cột cờ. Nếu không trông coi, bảo vệ, một số du khách sẽ viết, vẽ lên chân Cột cờ, dán đè vào Quốc huy gây nên những hình ảnh không đẹp. Ai đến đây cũng đều thấy tự hào, khen ngợi đất nước ta có cảnh đẹp hữu tình; đều cảm thấy thiêng liêng, trân trọng những người lính Biên phòng ngày đêm lặng thầm làm nhiệm vụ bảo vệ Cột cờ Lũng Cú. Vì vậy, các chiến sỹ Biên phòng luôn phải dành hết tâm trí, thời gian, sức lực để trông coi, tuần tra, kiểm soát nắm tình hình an ninh trật tự tại khu vực và tổ chức tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm, chụp ảnh, ghi hình những giây phút kỷ niệm quý giá với Quốc kỳ Tổ quốc. Với khối lượng công việc vất vả như vậy, nên có những đồng chí vợ con, gia đình ở dưới xuôi, nhưng khoảng 3, 4 tháng mới được nghỉ ngày cuối tuần về thăm gia đình một lần.

Chia tay cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng và Cột cờ Quốc gia Lũng Cú mà trong tôi trào dâng một niềm vui, niềm hãnh diện thật khó tả. Đoàn chúng tôi cũng đã về đến cơ quan, mọi hoạt động cũng trở lại bình thường như bao ngày trước đó, nhưng hình ảnh Quốc kỳ kiêu hãnh, tung bay trong nắng gió nơi địa đầu Tổ quốc vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi.

Bài, ảnh: Đào Duy Tuấn (Báo Quân khu 2)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202408/nhung-nguoi-bao-ve-cot-co-quoc-gia-lung-cu-0dd5654/