Những người chữa lành 'vết thương lòng'
Nhà Nhân ái Lào Cai nằm sâu trong con ngõ nhỏ, yên tĩnh thuộc phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Đó là một ngôi nhà đặc biệt, đón hàng trăm nạn nhân mua bán người trở về với những nỗi đau, ám ảnh không nguôi cả về tinh thần, thể xác sau chuỗi ngày sống ở 'địa ngục trần gian' nơi đất khách.
Nhà Nhân ái Lào Cai nằm sâu trong con ngõ nhỏ, yên tĩnh thuộc phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Đó là một ngôi nhà đặc biệt, đón hàng trăm nạn nhân mua bán người trở về với những nỗi đau, ám ảnh không nguôi cả về tinh thần, thể xác sau chuỗi ngày sống ở “địa ngục trần gian” nơi đất khách. Suốt nhiều năm qua các cán bộ, nhân viên đã đồng hành, dùng những “liều thuốc đặc biệt” để xoa dịu nỗi đau tâm hồn, chữa lành “vết thương lòng”, giúp họ tự tin, sớm hòa nhập cuộc sống.
“Hôm trước, mấy cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái vừa lên Bát Xát dự lễ cưới của bạn M. Đám cưới đông vui, ấm cúng lắm. Sau bao sóng gió, ai cũng mừng vì M đã tìm được người yêu thương, gắn bó, cùng chăm lo, xây dựng cuộc sống”, chị Nguyễn Kim Ngân, nhân viên Nhà Nhân ái hồ hởi mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về công việc của bản thân và đồng nghiệp.
M trong câu chuyện chị Ngân vừa kể là nạn nhân mua bán người, em bị lừa bán sang bên kia biên giới, bị ép làm nghề mại dâm trong thời gian dài. Nhiều lần trốn chạy không thành, đến mùa đông năm 2015 M tiếp tục chạy trốn, sau 2 ngày và 1 đêm chạy xuyên rừng, quên cả đói, khát M may mắn gặp được lực lượng chức năng phía bạn hỗ trợ giải cứu và trao trả về nước. Lần đầu gặp M, chị Ngân đã rất ấn tượng bởi em có khuôn mặt ưa nhìn, làn da trắng hồng nhưng đôi mắt luôn thẫn thờ, vô định, ẩn chứa nỗi niềm u uất.
Chị Ngân kể, thời gian đầu tại Nhà nhân ái, M luôn hoang mang, hoảng loạn, sống thu mình, ít tiếp xúc với mọi người. Giúp M, chị Ngân cố gắng gần gũi, tránh nhắc lại chuyện cũ, tạo sự cởi mở, thân tình, nhiều ca trực chị Ngân ngủ cùng M để tiện chăm sóc và trò chuyện.
Kỷ niệm khó quên là một đêm đông mưa phùn, gió bấc, M bị đau bụng dữ dội, dù không phải ca trực nhưng chị Ngân vẫn tức tốc đến Nhà Nhân ái để đưa em đi viện điều trị. Tỉnh dậy sau ca mổ, M òa khóc, ôm chầm lấy chị Ngân, cũng từ đó mà chị Ngân được M coi như chị em ruột thịt. Giờ đây M đã trở thành công nhân may lành nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, quan trọng hơn là có gia đình riêng hạnh phúc.
Câu chuyện của M là một trong rất nhiều hoàn cảnh mà chị Ngân và các đồng nghiệp đã, đang gặp trong nhiều năm qua. Theo chị Ngân, mỗi nạn nhân bị buôn bán trở về là một câu chuyện, một hoàn cảnh éo le. Điều quan quan trọng nhất với cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái là lắng nghe, thấu hiểu sẻ chia để những mảnh đời bất hạnh thấy rằng cuộc sống này còn nhiều ý nghĩa và “đáng sống”.
Đa phần nạn nhân bị buôn bán người ở độ tuổi vị thành niên (từ 14 – 18 tuổi), lứa tuổi chưa hoàn thiện bản thân, diễn biến tâm lý còn có điểm phức tạp. Trong thời gian ở Nhà Nhân ái, nhiều em thường vi phạm nội quy sinh hoạt nhưng các cán bộ, nhân viên vẫn không quát mắng, la rầy mà gặp gỡ, trao đổi riêng để xoa dịu, động viên các em.
Hơn 8 năm công tác tại Nhà Nhân ái với nhiệm vụ là nhân viên công tác xã hội, nhiều lần chị Phạm Hoàng Thanh khó mà cầm lòng trước các câu chuyện về số phận, hoàn cảnh éo le của nạn nhân bị buôn bán.
Chị Thanh kể, nạn nhân bị mua bán người trở về thường có tâm lý không ổn định, luôn e ngại, sợ hãi do ám ảnh về quá khứ.
Để có thể chia sẻ được với nạn nhân, mỗi cán bộ, nhân viên Nhà nhân ái phải thật sự là người thân, người bạn đồng hành. Thông thường, khi nạn nhân được đưa về Nhà Nhân ái sẽ được tham vấn về tâm lý, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ học tập hoặc học nghề.
Ngoài ra, các nạn nhân cũng được tham gia nhiều hoạt động tập thể để tạo tinh thần đoàn kết, không khí phấn khởi. Trong đó, việc tham vấn tâm lý cho nạn nhân là bước quan trọng nhất bởi chỉ khi nạn nhân có tâm lý ổn định thì mới sẵn sàng tham gia và tham gia có hiệu quả vào những hoạt động hỗ trợ tiếp theo.
Rất nhiều nạn nhân ban đầu không hợp tác đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái phải thật kiên trì tiếp cận để nạn nhân nguôi ngoai, tự nguyện chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
Bất đồng ngôn ngữ cũng là một khó khăn mà cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái thường gặp trong quá trình làm nhiệm vụ bởi nhiều nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa thạo tiếng phổ thông. Nhiều nạn nhân bị lưu lạc nơi xứ người nhiều năm mà quên cả tiếng mẹ đẻ, không nhớ thông tin về gia đình, quê hương bản quán… Một số cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái chủ động học thêm tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để trò chuyện, tiếp cận và hỗ trợ nạn nhân một cách tốt nhất.
Cùng với hỗ trợ về sức khỏe, tâm lý, cán bộ, nhân viên Nhà Nhân ái quan tâm, dành nhiều thời gian để tư vấn, định hướng học tập, học nghề để nạn nhân sớm tự tin hòa nhập cuộc sống. Như những người bạn, người thân, cùng sinh hoạt, sẻ chia với nạn nhân bằng tấm lòng nhân ái, bao dung, những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại Nhà Nhân ái Lào Cai đang góp sức xoa dịu nỗi đau, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người làm lại cuộc đời và hòa nhập cuộc sống.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-nguoi-chua-lanh-vet-thuong-long-post368407.html