Những người con Việt đón Tết trên đất Lào
Mỗi dịp tết đến, xuân về, những người con Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên mảnh đất Triệu Voi lại được gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau đón xuân mới, chúc cho nhau những điều tốt lành và động viên nhau luôn gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ trong công việc, cuộc sống và ngày càng vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Lào 'mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững'.
Ấm áp Hủa Phăn
Cuộc đời là những chuyến đi dài không nghỉ và hạnh phúc chính là luôn có những người bạn đồng hành, tiếp thêm sức mạnh cùng tiến về phía trước. Khoảng cách địa lý, ngôn ngữ… sẽ không còn là rào cản nếu như mọi người đối đãi với nhau bằng sự nhiệt tình, chân thành. Và chúng tôi đã có những ngày ý nghĩa trên mảnh đất Hủa Phăn và cảm nhận nhiều hơn về tình cảm hữu nghị, đoàn kết, sợi dây gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Những ngày làm việc ở thị xã Sầm Nưa xinh đẹp, chị Súc Ban Chai, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn là hướng dẫn viên tuyệt vời đã kết nối giúp chúng tôi làm việc thuận lợi với các sở, ngành của tỉnh, đưa đi thăm các công trình thắm tình hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn, tìm hiểu về phong tục, văn hóa của người Lào, gặp gỡ những người con Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở Hủa Phăn. Chị Súc Ban Chai còn đưa chúng tôi đến dự lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào. Lễ buộc chỉ cổ tay thường tổ chức vào dịp quan trọng, ở đây chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Văn Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hội người Việt tại tỉnh Hủa Phăn, đồng thời là Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hưng Phát - đơn vị đã và đang xây dựng các công trình thắm tình hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn. Điều tôi xúc động và cảm thấy tự hào bởi hầu hết những người đến dự buổi lễ dù là người bản xứ hay người Việt đều quen biết và dành sự quý mến, ngưỡng mộ vợ chồng ông. Biết chúng tôi có những ngày làm việc ở Viêng Xay, vợ chồng ông Lê Văn Hưng chân tình mời đến thăm gia đình ông. Trong bữa cơm chiều ấm áp cùng vợ chồng ông Hưng và một số đồng chí lãnh đạo huyện Viêng Xay, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về tình cảm của mọi người dành cho những vị khách lần đầu tiên đến cũng như đối với vợ chồng ông Hưng. Và ông cũng là người góp phần gắn kết tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau của những người con Việt Nam trên đất Hủa Phăn. Đặc biệt vào mỗi dịp tết đến, xuân về, Hội người Việt tại tỉnh Hủa Phăn lại tổ chức gặp mặt, giao lưu, chúc mừng năm mới, động viên nhau trong cuộc sống, làm ăn và vun đắp cho tình hữu nghị, đoàn kết hai dân tộc Việt - Lào. Vào dịp tết của người Việt, chính quyền tỉnh Hủa Phăn, các huyện có người Việt sinh sống đã có những hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng năm mới. Cũng theo ông Hưng, hầu hết người Việt trên đất Hủa Phăn đều sang sinh sống, làm ăn, nhiều người lấy chồng, lấy vợ là người Lào thì sẽ ở lại đón Tết Nguyên đán tại nước bạn, còn hầu hết sẽ trở về Việt Nam và sau đó lại quay trở lại làm ăn. Vào những ngày đầu năm mới, mọi người cũng tập trung đi chúc tết các gia đình ở lại, tiếp tục có những hoạt động gặp mặt đầu xuân.
Vun đắp tình hữu nghị đoàn kết, gắn bó
Ở thị xã Sầm Nưa, nếu muốn thưởng thức món cơm Việt ngon, rẻ mọi người tìm đến quán Huế thương - là nhà hàng do bà chủ người Huế đến sinh sống và gây dựng nên; hay muốn đi ăn bún chả mang hương vị Hà Nội hoặc bánh cuốn Thanh Hóa, mọi người tìm đến nhà hàng anh chị Phin Thanh. Chị Thanh là người con quê hương Thọ Xuân, còn anh Phin là người con Sầm Nưa. Chị Thanh sang sinh sống và làm ăn, lập gia đình tại Sầm Nưa đã gần 10 năm nay. Nhà hàng của chị phục vụ các món ăn Việt - Lào theo yêu cầu. Mỗi sáng cả gia đình anh chị Phin Thanh đều dậy sớm để làm bún chả và tráng bánh cuốn. Gần 10 năm theo chồng và gắn bó với mảnh đất Sầm Nưa, chị Thanh xem nơi đây là quê hương thứ hai. Vì khoảng cách địa lý, vì công việc bận rộn nên vợ chồng chị ít có dịp về thăm quê, nhưng với chị quê hương Việt Nam thiêng liêng, đặc biệt hơn bởi đó là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nhưng dịp tết đến, xuân sang, không có dịp về quê, chị Thanh lại đi chợ, mua sắm thực phẩm, trang trí nhà cửa theo phong cách đón tết của người Việt. Anh Phin - chồng chị Thanh hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ quê của vợ nên cũng phụ giúp vợ trang trí nhà cửa, cùng sắm tết, chuẩn bị món ăn của người Việt vào dịp tết như bánh chưng, giò, hoa quả… Ngày đầu năm, mọi người cũng tập trung đi chúc tết các gia đình ở lại, tổ chức gặp mặt đầu xuân. Vào những ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngôi nhà của vợ chồng anh chị Phin - Thanh cũng rộn vang lời thăm hỏi, hàng xóm là người Lào, những người Việt quen biết đang sinh sống tại Sầm Nưa đến chúc mừng năm mới.
Ở thị xã Sầm Nưa, chúng tôi còn có dịp đến thăm gia đình chị Bích Quý, hiện là chủ nhà hàng sinh thái Lào - Việt. Chị Bích Quý là người con quê hương Thiệu Hóa sang Sầm Nưa lập nghiệp, sinh sống đã hơn 23 năm. Khi biết chúng tôi từ Thanh Hóa sang Hủa Phăn, chị Quý nhiệt tình tiếp đón khi gặp gỡ những người đồng hương. Chị Quý cho biết, năm 2001 chị bắt đầu sang Sầm Nưa làm ăn. Đường sá đi lại từ Việt Nam qua Lào ngày ấy còn khó khăn, những con đường đất dốc núi heo hút, gập ghềnh. Bắt đầu từ công việc bán quần áo, thu mua phế liệu rồi bán các loại thực phẩm Việt trên đất Lào. Năm 2021, chị bắt tay vào kinh doanh nhà hàng với mong muốn đem các món ăn Việt sang đất Lào cũng như chế biến các món Lào mà chị đã học hỏi, tìm tòi nền văn hóa ẩm thực của mảnh đất con người nơi đây. Khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bước vào thời điểm phức tạp nhất khiến cho công việc bị ảnh hưởng. Việc đi lại khó khăn, nỗi nhớ cố hương luôn cồn cào, da diết trong tâm khảm của những người con xa xứ mỗi độ tết đến, xuân sang. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chị Quý luôn tâm niệm mình nỗ lực cố gắng bởi chị nhận thấy con người Sầm Nưa chân thành, hiền lành, khí hậu mát mẻ, dễ chịu và môi trường làm ăn kinh doanh thân thiện. Và không chỉ riêng chị mà những người Việt Nam làm ăn, sinh sống tại Hủa Phăn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền sở tại, đó cũng là điều mà chị tin tưởng, yên tâm gắn bó, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nơi mình xem là quê hương thứ hai, tiếp tục vun đắp thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Khi làm việc với ông Bun Luôi Súc Thi Vông, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Lào - Việt (Hủa Phăn - Thanh Hóa), ông cho biết, dân số tỉnh Hủa Phăn có khoảng 316.000 người, hiện nay có hơn 2.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Những năm qua, những người con Việt Nam sinh sống tại Hủa Phăn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và sự giúp đỡ của Nhân dân các dân tộc Lào, giúp cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn thuận lợi. Từ đó, đã và đang chung tay xây dựng tỉnh Hủa Phăn ngày một phát triển, là cầu nối vun đắp thêm truyền thống đoàn kết hữu nghị Lào - Việt nói chung và tình cảm thân thiết, gắn bó gia đình Hủa Phăn - Thanh Hóa nói riêng.
Những ngày làm việc ở Hủa Phăn, chúng tôi cảm nhận sự chân thành, ấm áp của mọi người dành cho những vị khách lần đầu tiên đến thăm cũng như tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa người dân nước bạn Lào với cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc nơi đây. Trong giấc ngủ, rượu men lá thoang thoảng, lâng lâng, tôi mơ màng nghĩ về vườn hoa anh đào khoe sắc trong nắng xuân ở Viêng Xay…