Những người cuối cùng ủ cát làm giá bên sông Trà

Từng nổi tiếng với hàng trăm hộ dân làm nghề ủ giá đậu (đỗ) xanh bằng cát, đến nay vùng đất ven sông Trà này chỉ còn vỏn vẹn 3 nhà giữ nghề.

66 tuổi, bà Nguyễn Thị Phước (thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã gắn bó với nghề ủ giá bằng cát hơn 40 năm. Hiện bà là một trong số vài hộ cuối cùng ở đây còn giữ nghề vốn có truyền thống lâu đời bên sông Trà.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phước là một trong số 3 hộ ở ven sông Trà còn giữ nghề ủ cát làm giá.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phước là một trong số 3 hộ ở ven sông Trà còn giữ nghề ủ cát làm giá.

Theo bà Phước, để có những mẻ giá tươi ngon, trước tiên phải chọn đậu xanh đạt chất lượng, sau đó mang ngâm nước. Cát dùng ủ đậu phải là loại cát sạch được mua từ ven sông Trà Khúc và được sàng kỹ để loại bỏ rác, sỏi, chỉ giữ lại phần mịn nhất. Đặc biệt, cát chỉ dùng 2 - 3 lần cho mỗi mẻ ủ; nếu dùng nhiều lần hơn, đậu sẽ không nảy mầm.

Phủ một lớp cát lên thùng phuy làm giá, sau đó rải đậu xanh đã ngâm nước lên trên. Mỗi lớp cát rải một lớp đậu, mỗi thùng rải 6-7 lớp đậu xanh. Trong quá trình ủ giá, người dân dùng nước bơm từ giếng khoan tưới vào thùng phuy. Cát ẩm giúp hạt đậu nảy mầm. Sau khoảng 4 ngày, giá có thể thu hoạch. Trung bình, 1kg đậu xanh cho khoảng 6kg giá thành phẩm và được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng/kg.

Mỗi thùng phuy rải 6-7 lớp đậu xanh.

Mỗi thùng phuy rải 6-7 lớp đậu xanh.

“Mỗi ngày, nhà tôi ủ chừng 20kg. Nghề này cực, thu nhập thấp, trong khi tiền mua cát lại cao, tốn nhiều công sức. Vì vậy, phần lớn bà con trong xóm đều bỏ nghề, giờ chỉ còn 3 hộ theo"- bà Phước cho hay.

Theo lời kể của người dân trong làng, thời trước, xóm Vạn từng là một trong những nơi cung cấp giá đỗ lớn nhất cho Quảng Ngãi với hàng trăm hộ dân sống bằng nghề ủ cát làm giá.

Từ xa xưa, bãi cát rộng và mịn màng của con sông Trà đã trở thành điều kiện lý tưởng cho người dân xóm Vạn ủ giá đỗ. Những hạt đậu xanh được bà con gieo xuống ngay trên những bãi cát mịn và trắng phau uốn lượn bên dòng sông Trà, cứ thế sau vài ngày chúng trở thành những sợi giá.

Trước kia, giá được làm ngay trên bãi cát ven sông Trà. Ảnh: MT

Trước kia, giá được làm ngay trên bãi cát ven sông Trà. Ảnh: MT

Trước khi gieo giá, phải chọn một chỗ cát sạch. Không được chọn những chỗ vừa gom giá vì chúng còn chứa chất bẩn, chưa được nước sông gội rửa. Không cẩn thận giá sẽ không mọc hoặc mọc không đẹp.

Sau khi chuẩn bị nguyên liệu và chọn ổ cát xong, người dân dùng cuốc đào hố cát sâu khoảng nửa mét rồi gieo đậu xanh xuống và dùng cát lấp kín những hạt đậu vừa gieo. Công việc này được lặp đi lặp lại cho tới khi ổ giá được lấp đầy.

Bây giờ, vì bị khai thác quá mức nên cát bãi bồi lẫn nhiều sỏi đá, người dân phải sàng cát rồi cho vào thùng làm giá, tốn thêm công sức và thời gian. Đó cũng là một trong những lý do người xóm Vạn dần rời bỏ nghề cũ. Dẫu vậy, cây giá được ủ từ cát sông vẫn có giá trị riêng về hương vị và độ an toàn.

"Cây giá trồng trên cát dài, rễ nhiều và giòn hơn không dùng cát. Giá trồng trên cát có vị ngọt, đậm đà. Làm giá bằng cát không sử dụng hóa chất nên rất sạch, an toàn cho người sử dụng"- bà Nguyễn Thị Đoàn Viên (61 tuổi, ở thị trấn Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) - một trong số những hộ còn giữ nghề làm giá bằng cát chia sẻ.

Giá được ủ từ cát sông có hương vị riêng.

Giá được ủ từ cát sông có hương vị riêng.

Hiện có nhiều cơ sở sử dụng vải, lưới, thùng nhựa để làm giá. Cách này rút ngắn thời gian thu hoạch, ít tốn công, cây giá cũng có giá thành rẻ so với cách làm truyền thống.

Trong thời kỳ giá đỗ công nghiệp tràn ngập thị trường, làng làm giá từ ủ cát năm nào phải chật vật giữ nghề. Cuộc mưu sinh của những người cuối cùng bám giữ nghề này càng trở nên nhọc nhằn.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-nguoi-cuoi-cung-u-cat-lam-gia-ben-song-tra.667310.html