Những người đứng sau bục giảng

Phía sau bục giảng là đội ngũ nhân viên không trực tiếp đứng lớp, công việc của họ chẳng có tên nhưng góp phần không nhỏ trong thành tích GD chung.

Cô Võ Thị Bé - nhân viên thư viện Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Cô Võ Thị Bé - nhân viên thư viện Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Áp lực sau bục giảng

5 giờ 30 phút, không khí làm việc tại khu nhà ăn Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đã nhộn nhịp. Để phục vụ cho gần 900 học sinh và giáo viên bán trú, 11 cấp dưỡng ở đây phải làm việc luôn chân, luôn tay. Một ngày, các cô bắt đầu bằng việc nhận, kiểm tra số và chất lượng, độ tươi ngon của thực phẩm từ nhà cung cấp. Sau đó mỗi người một việc, từ vệ sinh dụng cụ, khu vực bếp nấu đến sơ chế, chế biến thức ăn. Do có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, công việc diễn ra thật nhịp nhàng.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm học 2024 - 2025, Hà Tĩnh có 25.017 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trong đó đội ngũ nhân viên có 3.320 người.

“Thời gian của nhân viên cấp dưỡng ở trường hơn 10 tiếng, cả ngày gắn bó với bếp núc. Không chỉ nấu ăn, đến giờ ăn, chúng tôi còn hướng dẫn học sinh kỹ năng tự phục vụ, nhắc nhở lấy đủ thức ăn. Buổi chiều, sau khi hoàn tất công việc ở bếp, chúng tôi tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh dụng cụ từ khay ăn, xoong chảo đến toàn bộ khu vực phòng ăn của học sinh. Công việc cứ như vậy suốt ngày”, cô nuôi Văn Thị Thảo - “bếp trưởng” Trường Tiểu học Nam Hà chia sẻ.

Gắn bó với nghề “cô nuôi” đã hơn 14 năm nhưng vấn đề làm sao để đủ lượng, chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là điều cô Thảo nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Bởi chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 900 học sinh và giáo viên tại trường. “Dù không đứng trên bục giảng nhưng áp lực của chúng tôi không thua kém gì. Bởi vậy, từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế và chế biến, chúng tôi luôn chỉn chu từng bước. Để học sinh ăn ngon, đảm bảo chất lượng đó không chỉ là trình độ nghiệp vụ mà bộ phận cấp dưỡng còn làm bằng cái tâm của một cô nuôi”, cô Thảo tâm sự.

Đối với cô nuôi Nguyễn Thị Bình - Tổ trưởng tổ Cấp dưỡng, Trường Mầm non Bắc Hà, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), việc đáp ứng hết yêu cầu bữa ăn của trẻ mầm non đối với tổ nuôi dưỡng không đơn giản. Trường Mầm non Bắc Hà có 8 nhân viên phụ trách cấp dưỡng cho 438 trẻ tại 15 lớp học. Mỗi ngày tổ cấp dưỡng phục vụ 2 bữa ăn chính và 1 bữa ăn chiều.

“Mỗi trẻ ăn với mức khoảng 40 nghìn đồng/ngày bao gồm buổi sáng, trưa và bữa chiều. Để có những bữa ăn ngon miệng, chúng tôi thường xuyên tìm tòi, không ngừng nâng cao tay nghề nhằm đa dạng cách chế biến bữa ăn. Mỗi khi thấy khay hết thức ăn, chúng tôi rất vui”, cô Bình chia sẻ.

 Một bữa buffet của trẻ tại Trường Mầm non Bắc Hà, TP Hà Tĩnh.

Một bữa buffet của trẻ tại Trường Mầm non Bắc Hà, TP Hà Tĩnh.

Để làm tốt hơn công việc, cô Bình và các thành viên trong tổ còn tăng cường tương tác, lắng nghe trao đổi từ giáo viên phụ trách lớp về đặc điểm của trẻ. Những đóng góp của phụ huynh về suất ăn thông qua các cuộc họp cũng được các cô ghi nhận để làm tốt hơn công việc.

Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, cô Nguyễn Thị Nguyệt bắt đầu công việc cô nuôi tại điểm trung tâm Trường Mầm non Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Trường Mầm non Sơn Hồng hiện hợp đồng với 3 cô nuôi phục vụ 165 trẻ ăn bán trú tại 2 điểm trường cách nhau hơn 4km.

“Nhà trường có 2 cô nuôi phục vụ cố định tại 2 điểm, 1 cô nuôi còn lại phục vụ lưu động luân phiên giữa 2 điểm trường. Nếu tuần này làm ở điểm chính thì tuần tới phục vụ tại điểm lẻ. Nhà trường chỉ phục vụ các cháu bữa trưa và buổi xế chiều, nhưng từ khi đến trường đến lúc về, chúng tôi luôn tay chân. Mệt nhất vẫn là mùa nắng nóng, gió Lào cũng với nhiệt độ cao từ hệ thống bếp thổi hơi nóng làm chúng tôi lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi”, cô Nguyệt chia sẻ về công việc của mình.

Theo cô Nguyệt, nấu ăn cho trẻ mầm non có những yêu cầu khắt khe hơn so với các cấp học khác. Thức ăn được làm mềm, xé nhỏ, cá phải lọc xương thật kỹ… thì trẻ mới ăn được. Ngoài việc không được phép để xảy ra mất an toàn thực phẩm, các cô nuôi phải tính toán làm sao từng bữa ăn cung cấp đủ chất, năng lượng cho mỗi trẻ ở lứa tuổi khác nhau. Trong mỗi bữa ăn, phải có đủ bốn nhóm thực phẩm. Thậm chí tính đến màu, mùi của thực phẩm trong từng bữa ăn để kích thích trẻ ăn ngon miệng.

“Dù công tác hơn 10 năm nhưng trước mỗi bữa ăn chúng tôi đều cảm thấy áp lực. Mỗi ngày kết thúc công việc thấy trẻ ăn ngon, an toàn, chúng tôi mới thở phào”, cô Nguyệt chia sẻ.

 Cô Dương Thị Tuyến Anh (giữa) hướng dẫn giáo viên Trường Tiểu học Thạch Châu quét mã QR tra cứu tài liệu thư viện.

Cô Dương Thị Tuyến Anh (giữa) hướng dẫn giáo viên Trường Tiểu học Thạch Châu quét mã QR tra cứu tài liệu thư viện.

Thắp đam mê đọc sách cho trò

Thư viện luôn là “trái tim” của trường học, đóng vai trò cầu nối trung tâm của các hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, dù không đứng lớp giảng dạy nhưng đội ngũ nhân viên thư viện trường học đóng vai trò không nhỏ trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Phụ trách công tác thư viện trường học với 1.068 học sinh, nhưng hơn 15 năm qua, cô Võ Thị Bé - nhân viên thư viện Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo cô Bé, bên cạnh cung cấp nguồn tài liệu đa dạng, thư viện có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích học sinh đọc sách. Chính vì vậy, từ đầu năm học, cô Bé đã tham mưu cùng ban giám hiệu xây dựng các kế hoạch nhằm hình thành thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

“Tôi thường phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách và thư viện. Đặc biệt, các tiết đọc tại thư viện được đảm bảo diễn ra đều đặn và chất lượng, tạo cơ hội cho học sinh khám phá thế giới tri thức rộng lớn. Dù học sinh đông nhưng mỗi tuần, tôi luôn sắp xếp thời khóa biểu đảm bảo từng lớp được đến đọc sách tại thư viện”, cô Bé chia sẻ.

Để có thêm nguồn sách phong phú cho thư viện, cô Bé đã kêu gọi nhiều nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tháng 3/2024, thư viện Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà đã tiếp nhận 31 tủ sách trên lớp, trong đó 85% từ nguồn hỗ trợ và 15% từ vốn đối ứng của nhà trường.

Nhờ sự phối hợp này, thư viện của Trường Tiểu học thị trấn Lộc Hà trở thành một trung tâm học tập sôi động và hấp dẫn, góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa đọc và kỹ năng học tập cho học sinh; nhiều năm liền là thư viện nổi bật của ngành Giáo dục huyện Lộc Hà.

Không chỉ phụ trách việc đọc sách của học sinh, cô Dương Thị Tuyến Anh - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn sẵn sàng chia sẻ những cuốn sách hữu ích cho tất cả giáo viên trong trường.

Đặc biệt, cô Tuyến Anh đã mạnh dạn đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động thư viện giúp Trường Tiểu học Thạch Châu có thư viện số đầu tiên của ngành Giáo dục huyện Lộc Hà.

Hiện thư viện trường có trên 4.000 đầu sách, tài liệu tham khảo dành cho học sinh, giáo viên. Nhà trường đã xây dựng trang thư viện số có kho dữ liệu tiện lợi cho việc tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu. Phòng đọc thư viện rộng rãi, với nhiều đầu sách phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thêm tri thức của cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường.

“Bản thân tôi luôn tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Những giờ nghỉ, tôi thường chủ động học hỏi, tìm tòi và bắt tay vào tìm hiểu các phần mềm để đưa vào phục vụ cho nhà trường. Hoặc qua đồng nghiệp biết có phần mềm nào hay, thuận lợi cho công tác thư viện, tôi đều nhờ tư vấn để áp dụng cho đơn vị mình”, cô Tuyến Anh chia sẻ.

Từ năm học 2023 - 2024, cô Tuyến Anh sử dụng mã QR để tra cứu thông tin và mượn sách, tìm tài liệu tham khảo, giáo án cho giáo viên. Chỉ cần có điện thoại thông minh, giáo viên quét mã QR Code được dán lên tường có thể tra cứu sách trên danh mục thư viện thay vì mất thời gian tìm trên giá sách.

“Do số lượng sách lớn, nhân viên thư viện không thể nắm hết được số sách đã được mượn. Nhiều khi sách được mượn nhưng giáo viên không biết tìm trên giá nên rất mất thời gian. Giờ chỉ cần quét mã, thông tin về tình trạng sách đều được cập nhật trên điện thoại. Ngoài ra, các bài giảng, tài liệu tham khảo được tích hợp thuận tiện cho giáo viên tra cứu”, cô Nguyễn Thị Nhàn - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học thị trấn Thạch Châu chia sẻ.

 Mỗi ngày các cô nuôi tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ 30 phút.

Mỗi ngày các cô nuôi tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ 30 phút.

Nỗi niềm người đứng sau

Thời gian gần như dành trọn vẹn cho công việc ở trường học, nhưng hiện nay mức lương của đội ngũ cô nuôi vẫn là trăn trở của nhiều đơn vị trường học.

Cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà cho biết, theo quy định vị trí việc làm nấu ăn trong các cơ sở giáo dục thuộc nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo hình thức hợp đồng lao động, không bố trí định mức biên chế.

Căn cứ vào tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Sau khi cân đối ngân sách theo quy định, nhà trường hợp đồng 11 cô nuôi với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng/cô. Đối với bếp trưởng là 5,5 triệu đồng/tháng còn bếp phó là 5 triệu đồng/tháng. “Mức lương như vậy, các cô gặp khó khăn để trang trải cuộc sống. Trong khi đó thời gian phần lớn ở trường nên để kiếm thêm nghề phụ tăng thu nhập cũng rất vất vả”, cô Bình bày tỏ.

Để bớt đi phần nào khó khăn cho các cô nuôi, nhà trường đã thực hiện chế độ đóng bảo hiểm cho các cô với mức gần 1,3 triệu đồng/tháng trong 9 tháng theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, những ngày lễ Tết, ban giám hiệu nhà trường cũng động viên các cô bằng những món quà nhỏ.

Đối với những cô nuôi ở miền núi, đồng lương eo hẹp hơn khi chỉ ở mức 4 - 4,5 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền đóng bảo hiểm. “Hằng ngày, nhân viên nuôi dưỡng làm việc ở bếp ăn với mức nhiệt rất cao. Vất vả nhất là mùa Hè, gió Lào cùng thời tiết nắng nóng và do hệ thống bếp thổi hơi nóng quanh người. Tuy nhiên, hiện đồng lương chúng tôi rất thấp.

Ngoài ra, cô nuôi phải tự đóng bảo hiểm chứ trường miền núi chưa có nguồn để hỗ trợ thêm. Chúng tôi mong sớm nhận được sự quan tâm của các ngành; hưởng lương theo bằng cấp và chuyển sang ngạch viên chức để đời sống đảm bảo hơn”, cô Nguyễn Thị Hoàn - cô nuôi Trường Mầm non Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ.

Theo cô Nguyễn Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Hồng, vai trò, vị trí của cô nuôi trong các trường mầm non hết sức quan trọng. Bởi môi trường giáo dục mầm non không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, trong nhiệm vụ chăm sóc không thể thiếu vai trò của đội ngũ những cô nuôi.

“Mặc dù đời sống và thu nhập còn khó khăn song đa số các cô nuôi vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết mình đảm bảo dưỡng chất giúp trẻ phát triển toàn diện. Tôi mong rằng để động viên, giữ chân các cô nuôi gắn bó, tâm huyết với nghề, thì thu nhập và các chế độ đãi ngộ dành cho họ cần phải được quan tâm hơn nữa”, cô Sự trăn trở.

Phương Hồ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-dung-sau-buc-giang-post705249.html