Những người 'giải cứu' cuộc đời trẻ em đường phố

Không phải cứ cho các em một khóa học nghề, một cái học bổng, rồi để mặc chúng học được thì học, không thì thôi.

Anh Đỗ Duy Vị - đồng Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh, người có 10 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với trẻ em đường phố

Anh Đỗ Duy Vị - đồng Giám đốc điều hành tổ chức Rồng Xanh, người có 10 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với trẻ em đường phố

Với kinh nghiệm 10 năm lăn lộn trên những con phố Hà Nội để tìm kiếm trẻ em lang thang, anh Đỗ Duy Vị chia sẻ, nhiều người theo bản năng tò mò hay hỏi bọn trẻ những câu kiểu như “tại sao mà con phải ra đây?”, “gia đình con làm sao?”… Nhưng cũng từng là một đứa trẻ đánh giày trên phố cách đây 19 năm, anh không làm như thế. “Đừng cố hỏi chúng quá nhiều thứ” - anh nói.

Tiếp cận và tạo được lòng tin với những đứa trẻ này là một quá trình dài và cần nhiều sự kiên trì, đồng Giám đốc điều hành của tổ chức Blue Dragon (Rồng Xanh) chia sẻ.

“Những đứa trẻ này rất cảnh giác và luôn bật chế độ phòng vệ cao. Chúng sợ người lạ, sợ ai đó đưa ra một lời mời nào đấy. Bởi vì các em từng bị lừa rất nhiều, hoặc từng bị tổn thương. Chúng không có nhiều niềm tin vào con người nữa”.

Từng là một nhân viên uy tín của Rồng Xanh trong việc “chinh phục” các ca khó, anh Vị nói, anh chỉ đơn giản là đưa cho chúng quyền lựa chọn. “Tôi sẽ nói rằng tôi lo cho sự an toàn khi các em ăn ngủ ở những nơi này. Nếu các em chưa cần sự giúp đỡ của tôi thì cũng không sao, nhưng bất cứ khi nào cần, hãy gọi. Hoặc sau một thời gian tiếp cận, tôi sẽ mời các em ghé qua tham quan, nếu các em không thích, tôi sẽ lại chở các em về chỗ cũ”.

“Có những đứa trẻ tôi phải mất tới cả năm để xây dựng mối quan hệ, còn các trường hợp thông thường sẽ mất 3-5 lần gặp”.

Nơi tiếp cận được trẻ em đường phố có thể là gầm cầu, bến xe, công viên...

Nơi tiếp cận được trẻ em đường phố có thể là gầm cầu, bến xe, công viên...

Khi đã rủ được bọn trẻ về nơi sinh hoạt của tổ chức, các nhân viên ở đây sẽ giới thiệu các em tới các lớp học tiếng Anh, học vẽ, học bơi, học võ, tham gia câu lạc bộ bóng đá, học kỹ năng sống, học cách viết CV xin việc…

Đội ngũ của Rồng Xanh còn rủ các em tham gia vào các hoạt động cộng đồng như đi thiện nguyện ở các khu vực miền núi, đi nhặt rác, hỗ trợ nhân viên tìm kiếm trẻ lang thang…

Những hoạt động này giúp trẻ nhận ra chúng có những giá trị riêng, phát lộ ra những đam mê, thế mạnh mà trước giờ ít người nói cho các em biết.

“Không có một công thức chung nào cho việc hỗ trợ những đứa trẻ. Mỗi đứa sẽ có một nhu cầu, một hoàn cảnh và những vấn đề khác nhau. Vì thế, chúng tôi phải có những giải pháp toàn diện”.

“Không phải cứ cho các em một khóa học nghề, một cái học bổng, rồi để mặc chúng học được thì học, không thì thôi”.

Với những đứa trẻ có thể trở về với gia đình, các nhân viên ở đội tìm kiếm sẽ hỗ trợ đưa các em về quê, xin cho các em đi học lại, làm việc với gia đình, tổ chức địa phương để cùng phối hợp, đảm bảo cho các em sự phát triển an toàn.

Với những đứa trẻ có gia đình phức tạp, các nhân viên xã hội sẽ đánh giá xem vấn đề của các em là gì, có nhu cầu gì để xây dựng kế hoạch dài hạn cho các em. Tổ chức có thể hỗ trợ xây nhà, cung cấp con giống, hạt giống, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… để gia đình các em vực dậy về kinh tế. Trẻ đủ tuổi học nghề sẽ được kết nối với các trung tâm hướng nghiệp.

Những đứa trẻ đến với tổ chức thuộc đủ các loại đối tượng: trẻ bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, bị mua bán, ép buộc lao động bất hợp pháp, bố mẹ không hạnh phúc, liên quan đến các tệ nạn như ma túy, trộm cắp…

Những đứa trẻ bị tổn thương sâu

Hai đứa trẻ không có sự chăm sóc của mẹ, phải theo bố lăn lộn trên đường mưu sinh.

Hai đứa trẻ không có sự chăm sóc của mẹ, phải theo bố lăn lộn trên đường mưu sinh.

Đào Hoàng Anh (SN 1994), tốt nghiệp chuyên ngành Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - là một trong số những thành viên dày dặn kinh nghiệm của đội tìm kiếm và làm việc với trẻ em đường phố của tổ chức.

Theo quan sát của Hoàng Anh, vài năm trở lại đây, trẻ lang thang kiếm ăn trên đường phố Hà Nội thường tới từ các khu vực miền núi phía Bắc. Hầu hết các em đều sinh ra trong những gia đình “có vấn đề”. Có đứa bố mẹ đi tù, có đứa bị bạo hành, bị bỏ rơi. Có đứa sẵn sàng ra gầm cầu ngủ vì không nhận được tình yêu thương ở gia đình mặc dù gia đình không phải quá khó khăn. Nhiều đứa trẻ lăn lộn ngoài đường một thời gian dài đã quen với sự tự do, không bị ai kiểm soát nên rất khó để thuyết phục các em gắn bó với một nơi nào đó.

N. là một cậu bé như thế. Hoàng Anh gặp N. và K. khi các em đang theo một người đàn ông đi bán kẹo. Chúng gọi người đàn ông kia là bố và tuyệt đối tin vào ông ta. Khi nhân viên tìm cách bắt chuyện, các em từ chối và rất cảnh giác.

Sau một thời gian, dù đã mất rất nhiều công sức, Hoàng Anh cũng chỉ đưa được K. về trong khi N. vẫn kiên quyết không theo. Hoàng Anh vẫn kiên trì mang đồ ăn, thuốc uống tới mỗi khi em ốm. Dần dần, anh đã rủ được N. đi đá bóng. N. cũng đồng ý nhận sự giúp đỡ của tổ chức.

Đưa N. về quê để tìm hiểu hoàn cảnh thì Hoàng Anh được biết bố mẹ N. chia tay nhau. Cậu bé phải sống với dì. Ban đầu, N. chỉ đi lang thang ở gần. Càng lớn, cậu càng đi xa hơn, rồi lên Hà Nội sống ở gầm cầu. N. có lòng tự trọng rất lớn - không lấy của ai cái gì bao giờ.

Mặc dù Hoàng Anh đã cố gắng hết sức giúp N. ổn định cuộc sống nhưng đôi khi em vẫn thích ra gầm cầu ngủ. Vì ở đó, cậu bé có cảm giác tự do, không phải nghe theo lời ai cả.

Bây giờ, N. đã vào quân ngũ. Được ăn ngủ điều độ, cậu khoe với Hoàng Anh là đã tăng 6kg. N. được phân công làm việc ở bộ phận bếp vì nấu ăn rất ngon.

Nhưng khi hỏi về tương lai của N., Hoàng Anh cũng không dám chắc. Anh nói, N. đi bộ đội cũng chỉ là bắt buộc, chứ tư tưởng của em vẫn không thich môi trường bó buộc và chưa định hướng được sau này sẽ làm gì, đi đâu.

Hoàng Anh (trái) đang trò chuyện với một trẻ em đường phố.

Hoàng Anh (trái) đang trò chuyện với một trẻ em đường phố.

Hoàng Anh nói, làm việc với những đứa trẻ này không nên đặt ra điều kiện gì cả. “Mình phải giúp các em một cách vô điều kiện, chứ không phải là em ngoan thì anh chị mới giúp. Khi nào trẻ tự nhận thức được và sẵn sàng thay đổi thì chúng sẽ hợp tác để thay đổi”.

Chia sẻ về một hoàn cảnh khác, Hoàng Anh cho rằng cậu bé này cũng tạm ổn sau khi được giúp đỡ. Đó là A. - một cậu bé người dân tộc thiểu số, năm nay 20 tuổi nhưng tuổi trên giấy tờ của cậu mới chỉ 17.

Đến giờ, A. chỉ còn nhớ mang máng đường về nhà mình sau lần bỏ đi vì bị đánh ngày nhỏ. Vì thế, A. không biết cha mẹ, ruột thịt của mình là ai. Sau khi được người dân bắt gặp và đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, A. được một gia đình nhận nuôi. Mẹ nuôi của A. thực ra muốn nhận một đứa trẻ nhỏ hơn. Còn A. lúc ấy đã 10 tuổi rồi.

Khi về nhà, A. được làm giấy khai sinh nhỏ tuổi hơn để đi học. Nhưng tuổi thơ có quá nhiều biến cố đã khiến A. trở thành một học sinh cá biệt, khó bảo. Người mẹ nuôi cảm thấy bất lực nên đã gửi trả A. lại cho trung tâm bảo trợ. Trung tâm này sau đó lại gửi A. vào chùa. Cậu bé bị chuyển từ ngôi chùa này sang ngôi chùa khác nhưng không ở đâu chấp nhận tính cách ngỗ ngược của A.

A. bỏ chùa đi lang thang ngoài đường, đêm đến được người ta cho ngủ nhờ ở một phòng bảo vệ chung cư. Ban ngày, A. làm cho một quán bánh khoai, bánh chuối, được nuôi ăn. Đây là thời điểm Hoàng Anh gặp cậu.

Sau một thời gian có người chia sẻ, A. đã nối lại mối quan hệ với người mẹ nuôi – không thắm thiết nhưng cũng không còn nặng nề như ngày xưa nữa. Hiện tại, A. chuyển sang làm việc cho một quán cà phê ở Hà Nội và được tổ chức hỗ trợ chỗ ở miễn phí.

Giúp đỡ vô điều kiện là tiêu chí mà Hoàng Anh đặt ra cho chính mình khi làm việc với những đứa trẻ bị tổn thương.

Giúp đỡ vô điều kiện là tiêu chí mà Hoàng Anh đặt ra cho chính mình khi làm việc với những đứa trẻ bị tổn thương.

Hoàng Anh nói, khó khăn nhất trong công việc của anh là sự kiên trì và thời gian dành cho trẻ, đặc biệt là với những đứa trẻ đã bị tổn thương sâu như A. Các thành viên trong nhóm cũng chấp nhận những trường hợp thất bại, hoặc giúp được rất ít. Một là do vấn đề của gia đình vượt quá khả năng của tổ chức, ví dụ như nợ nần quá nhiều. Hai là có những trường hợp, dù hỗ trợ đến đâu cũng không thể bù đắp được khoảng trống hay những tổn thương có từ gia đình.

“Làm việc với gia đình để thay đổi những hành vi không phù hợp của họ với trẻ cũng cực kỳ khó. Bởi nó còn phụ thuộc vào trình độ, nhận thức của phụ huynh, không thể thay đổi chỉ bằng 1, 2 cuộc trò chuyện”.

Tuy nhiên, việc giúp những đứa trẻ nhận biết được giá trị bản thân, điểm mạnh của mình luôn là một mục tiêu không bao giờ thừa.

Được thành lập vào năm 2004, đến nay, sau 18 năm Rồng Xanh đã giúp cho hơn 5.200 trẻ em được đi học văn hóa hoặc học nghề; hơn 1.100 em có nơi tạm trú an toàn; xây sửa 110 ngôi nhà; giải cứu hơn 1.000 nạn nhân của mua bán người và lao động trẻ em; đưa hơn 2.200 trẻ em trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhiều đứa trẻ được tổ chức giúp đỡ đã trưởng thành, thậm chí lại quay trở lại làm nhân viên của tổ chức, tiếp tục con đường “trả ơn cuộc đời” như vị đồng Giám đốc điều hành Đỗ Duy Vị đã từng đi qua.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Cuộc gặp với anh Tây giúp cậu bé đánh giày trở thành CEO của hàng trăm nhân viên

16 tuổi, Đỗ Duy Vị bước vào ngôi nhà chung của Blue Dragon (Rồng Xanh) với vị trí một đứa trẻ đánh giày. Anh không ngờ rằng 19 năm sau, mình trở thành đồng Giám đốc điều hành tổ chức ấy.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-giai-cuu-cuoc-doi-tre-em-duong-pho-827434.html