Những người 'giữ hồn' cho lồng đèn trung thu truyền thống
Người theo đuổi nghề làm lồng đèn trung thu truyền thống ở Bạc Liêu thể hiện sự tâm huyết, tình yêu và kiên trì với nghề.
Nhiều năm trở lại đây, với sự thay đổi của cuộc sống, các hộ còn trụ lại với nghề làm lồng đèn truyền thống từ giấy kiếng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Đằng sau đó là câu chuyện về tình yêu, sự kiên trì, tâm huyết của những người đã dành trọn cuộc đời để giữ gìn nghề truyền thống, đang dần mai một trước thời gian.
Tâm huyết với nghề
Bà Nguyễn Lệ Thu (63 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống với đa dạng sắc màu và hình thù, từ đèn ông sao, bướm, thỏ, đến cả những chiếc đèn mang hình thù máy bay, chiếc tàu…
Bà Thu cho rằng, ngày nay nghề làm lồng đèn truyền thống không còn mang lại nguồn thu nhập ổn định như trước, nhưng gia đình bà vẫn quyết tâm gìn giữ truyền thống của cha ông để lại.
Bà Nguyễn Lệ Thu nhớ lại: "Khoảng chục năm trước, cả xóm có hơn 10 hộ theo nghề. Lúc đó, ai cũng thức đến tận 2 - 3h sáng để cùng nhau làm, không khí như họp chợ. Người ta chạy ra chạy vô lấy hàng nhộn nhịp, vui lắm.
Riêng, gia đình tôi mỗi mùa cũng làm trên ngàn chiếc, các thành viên phải làm hết công suất và mướn thêm thợ mới có thể đáp ứng được số lượng theo đơn đặt hàng".
Đang miệt mài vẽ từng nét màu để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc lồng đèn, bà Nguyễn Thị Nhân (75 tuổi) chia sẻ, để cho ra đời các sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, từ khoảng tháng 3/2024, gia đình bà phải lên tận Sóc Trăng tìm mua vật liệu. Trong đó tre mua về phải mang phơi nắng để tránh bị mọt.
"Đến đầu tháng 4/2024, cả nhà bắt đầu làm khung sẵn bằng cách cắt kẽm cột tre để tạo hình lồng đèn. Đây là một trong những khâu đòi hỏi sự sáng tạo, bởi nó làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn.
Sau đó, các công đoạn tiếp theo như dán giấy kiếng, vẽ hoa văn… sẽ được thực hiện một cách tỉ mỉ. Có thể nói, làm lồng đèn truyền thống không khó nhưng lại tốn thời gian", bà Nhân chia sẻ thêm.
Từ khung sườn thô cứng, người thợ phải rất khéo léo để có thể cho ra các sản phẩm với hình thù, màu sắc hài hòa. Sản phẩm hoàn thành thể hiện sự cần mẫn, niềm đam mê của những người quyết tâm gìn giữ nghề làm lồng đèn truyền thống của đất Bạc Liêu.
Hiện tại, nhiều người làm nghề cũng thôi mặn mà với cây tre, cọ vẽ và bắt đầu chuyển hướng sang làm nghề khác, ít tốn thời gian và có thu nhập cao hơn.
Những năm gần đây, mỗi mùa trung thu, bà Thu chỉ làm vài trăm chiếc và khách hàng chủ yếu là các cơ quan, đơn vị, trường học mua để tổ chức các chương trình tết Trung thu, hay quán cà phê, quán ăn mua để trang trí.
Dẫu vậy, với gia đình bà Thu, ngọn lửa nghề vẫn luôn được âm thầm giữ gìn và mỗi độ trung thu lại được thổi bùng lên.
Cố bám trụ với nghề
Chị Phan Dương Xuân Nguyệt (ngụ phường 7, thành phố Bạc Liêu) - truyền nhân đời thứ ba kế thừa nghề làm lồng đèn truyền thống đã quyết tâm gìn giữ nghề của cha ông để lại.
Chị Nguyệt bộc bạch: "Trước đây khi đèn điện tử chưa xuất hiện, chúng tôi bán lồng đèn thấy ham lắm. Bây giờ, lượng tiêu thụ giảm nhiều, công việc mưu sinh cũng vất vả hơn.
Nghề làm lồng đèn tuy chỉ kéo dài vài tháng và thu nhập không cao, nhưng mang lại niềm vui khó tả. Ngồi uốn từng cây tre, quét hồ, quấn kẽm rồi nhìn thành phẩm của mình lung linh trong ánh nến, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến".
Hiện tại, giá những chiếc lồng đèn phụ thuộc vào độ khó của từng mẫu mã, dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/chiếc.
Với những chiếc đèn tinh xảo, đẹp mắt thì giá thành có thể lên đến gần cả triệu, tùy theo kích cỡ và độ khó mà khách hàng đặt như: mẫu lồng đèn nhà hát ba nón lá, cây đờn kìm hay con rồng…
Có thể nói, so với những chiếc đèn điện tử, lồng đèn truyền thống giá không rẻ. Người thợ có thể duy trì được nghề cũng nhờ sự ủng hộ từ các đơn vị, trường học, nhất là các bậc phụ huynh và những người yêu quý chiếc lồng đèn truyền thống.
"Bên cạnh tình yêu nghề, người thợ phải sáng tạo mẫu mã, nét vẽ mới để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Với những mẫu lạ, tôi phải mày mò từ hình dáng đến cách thực hiện.
Trong đó, khâu ráp sườn và vẽ là phức tạp nhất vì phải ráp sao cho cân đối, còn vẽ thì màu sắc phải hài hòa, có hồn. Có những chiếc lồng đèn quá to, phức tạp, tôi phải mất từ 2 - 3 ngày mới có thể hoàn thành", anh Phạm Lâm Hoài Duy (chồng chị Nguyệt) chia sẻ thêm.
Hiện nay, mỗi mùa trung thu đến, vợ chồng anh Phạm Lâm Hoài Duy chỉ còn làm vài trăm chiếc để bán, thế nhưng bằng tình yêu nghề và khát khao "giữ lửa" cho lồng đèn tuổi thơ, họ vẫn cố gắng bám trụ.
Ngoài việc làm sản phẩm để bán, chị Nguyệt và anh Duy cũng sẵn sàng dạy miễn phí cho những ai có nhu cầu học để người trẻ có thể kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống bao đời nay.