Những người làm du lịch vào dịp Tết

Tết đến, xuân về là thời điểm người người trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân, tận hưởng không khí sum vầy, ấm cúng. Thế nhưng, với những người làm du lịch, nhất là những hướng dẫn viên hay lễ tân khách sạn, Tết lại là thời điểm họ bận rộn nhất.

Vui buồn với nghề

Tết là thời điểm được mong đợi nhất trong năm, sau một năm với nhiều bận bịu lo toan lại được trở về quê hương bên những người thân yêu. Ý nghĩa của Tết Nguyên đán vẫn là sự đoàn viên sum họp. Tuy vậy, có những người vẫn làm việc miệt mài cả trong kì nghỉ này. Câu chuyện của những người làm nghề du lịch sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về một ngành nghề dịch vụ này.

Xu hướng du lịch Tết ngày càng trở nên phổ biến, quy luật là “có cầu ắt có cung”, nên Tết Nguyên đán lại là thời gian bận rộn với những người làm nghề du lịch. Phải ở trong nghề mới biết được hết cảm giác của những người mà trong khi ai nấy đều được trở về sum họp thì mình vẫn phải xách balo lên cùng du khách đi khắp đó đây. Phải đón năm mới xa quê, làm việc không nghỉ từ trước đến sau Tết, không được chung vui với gia đình đêm Giao thừa, bị người yêu dỗi vì cả Tết không thấy mặt, phải ngủ trong nhà kho khách sạn… Đó chính là những cái Tết của các anh chị em hướng dẫn viên, cái nghề mà nhiều người vẫn tưởng là thoải mái, lương cao, được đi đó đi đây. Đúng là phải trải qua những cái Tết như vậy thì mới có thể thấu được hết những buồn vui, tâm tư trong nghề.

Anh Thái Thành Tâm, hướng dẫn viên của Công ty Viet Travel chia sẻ: “Lúc thấy pháo hoa bắn sáng rực trời, mình thấy nhớ nhà lắm”. Nhiều nỗi niềm là vậy, nên không phải ai cũng đảm nhận những tour vào thời gian đặc biệt này. Tết là thời điểm nhu cầu du lịch tăng mạnh trong khi nhiều hướng dẫn viên lại không muốn đi làm vào những ngày này, vì thế các công ty lữ hành phải cố gắng sắp xếp, thỏa thuận với hướng dẫn viên để không bị hủy tour, nhưng cũng có người lại vì đam mê với nghề nên chấp nhận một cái Tết xa gia đình. Có những hướng dẫn viên vừa chia tay khách đoàn trước đã phải tiếp nhận đoàn khách mới ngay tại sân bay. Những lúc như vậy, họ phải nhờ người nhà mang quần áo đến để thay cho quần áo đã mặc mà chưa kịp giặt, tranh thủ thăm hỏi vài câu, gửi ít quà rồi lại tiếp tục đến điểm hẹn để dẫn đoàn khách mới. Khi kết thúc hành trình du lịch cùng du khách thì cũng là lúc những ngày cuối cùng của Tết đã hết. Vậy mới nói, để trở thành hướng dẫn viên du lịch lâu năm cần có niềm đam mê rất lớn với nghề, nhất là khi trải qua nhiều chuyến du lịch năm mới như thế này.

Tết là thời điểm bận rộn của chị Đạt

Tết là thời điểm bận rộn của chị Đạt

Nỗ lực hoàn thành tốt công việc

Có người lại vì đam mê với nghề nên chấp nhận một cái Tết không trọn vẹn. Hướng dẫn viên mùa Tết vất vả không sao kể xiết, hàng quán thì nhiều nơi đóng cửa, nhà nghỉ khách sạn luôn trong tình trạng cháy phòng, các điểm vui chơi danh thắng thì đông nghịt người nên quản lý khách rất khó khăn, đặc biệt với các đoàn đông người. Chị Nguyễn Thị Thúy Đạt, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Tam Chúc cho hay, mùa Tết là mùa kiếm tiền cho nên phải cố gắng thu xếp, nhưng đi mới thấy nghẹn lòng những lúc Tết đến xuân về, gia đình thiếu vắng người phụ nữ với vai trò giữ lửa mâm cơm Tết. Với những hướng dẫn viên trong nước, dẫn khách dịp Tết còn gặp vô vàn khó khăn bởi đây là lúc nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi đóng cửa, các tụ điểm giải trí lại đông người nên công tác quản lý khách phức tạp hơn. Chị Thúy Đạt nói, có những thuật ngữ về các tour đi Tết mà chỉ dân hướng dẫn mới biết. Đó là tour xuyên Táo, tức những tua kéo dài từ trước ngày tiễn ông Công, ông Táo chầu trời cho đến những ngày Tết sau đó; tour xuyên mồng là những tour thường kéo dài từ mồng 1 Tết đến hết Tết…

Nếu như hướng dẫn viên hiếm có cái Tết trọn vẹn, thì với lễ tân khách sạn hẳn là không có nghỉ Tết. Đây là chia sẻ của rất nhiều nhân viên lễ tân khi được hỏi về những ngày nghỉ này. Lễ tân không trực tiếp đồng hành cùng những chuyến du lịch nhưng lại đóng vai trò không thể thiếu trong quy trình phục vụ của khách sạn là nơi lưu trú của du khách. Nhân viên lễ tân là người tiếp xúc với khách nhiều nhất, thực hiện các yêu cầu của khách trực tiếp hay gián tiếp, là cầu nối khách hàng với các bộ phận phục vụ, giúp tư vấn và liên hệ các dịch vụ như đặt vé xem phim, tham quan, tàu xe, nhà hàng… chỉ sơ qua cũng thấy sự quan trọng của nhân viên lễ tân. Lễ tân luôn phải túc trực, có mặt đầy đủ nên với họ thường là không có nghỉ lễ.

Công việc lễ tân bận rộn là thế, cũng nhiều áp lực nên đòi hỏi kĩ năng tốt, sự bền bỉ, linh hoạt và nhất là luôn giữ thái độ niềm nở. Do đặc thù công việc nên Tết cũng như bao ngày khác, lịch làm việc cũng chẳng thay đổi mấy, thậm chí còn tất bật hơn mọi ngày vì khách nước ngoài đến đông hơn, mà nhân viên tại khách sạn lại được nghỉ nhiều. Tuy công việc có nhiều khó khăn là thế nhưng những bạn trẻ này vẫn luôn tươi cười, lạc quan, chào đón khách bằng câu “Chúc mừng năm mới” thật vui và đầy tinh thần năm mới.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-nguoi-lam-du-lich-vao-dip-tet-227666.html