Những người 'lấy mật' thốt nốt
Là những người làm công đoạn đầu trong quá trình sản xuất đường thốt nốt, họ phải vất vả đêm ngày để 'lấy mật' từ loại cây đặc sản. Nghề của họ không được xem là thợ, mà cũng chẳng có tên, chỉ được gọi nôm na, dễ hiểu là nghề leo cây thốt nốt.
Trong chuyến về thăm cánh đồng thốt nốt ở phường An Phú (TX. Tịnh Biên), chúng tôi có dịp gặp gỡ những người leo thốt nốt. Họ hài hước tự nhận mình đang kiếm sống với cái nghề “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên… cây”. Mà ngẫm cũng đúng thật! Bởi, từ sáng sớm, những người leo thốt nốt đã mang đồ nghề lên xe, rong ruổi trên những cánh đồng xa. Vì công việc buộc họ cứ vắt vẻo trên cây từ sáng đến chiều tối, chỉ có lúc ăn cơm mới xuống mặt đất.
Hì hục lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, ông Nguyễn Văn Kéo (ngụ phường An Phú, TX. Tịnh Biên) vui vẻ trả lời câu hỏi của những người khách mới quen. Leo thốt nốt từ khi 15 tuổi, đến nay cũng hơn 40 năm nghề, ông Kéo thuộc hàng “kỳ cựu” trong số người còn theo cái nghề vất vả này. “Tôi leo thốt nốt từ hồi “còn trai”, giờ cũng ngoài 50 tuổi. Sức khỏe dù không còn như trước, nhưng tôi cũng leo được 30 cây thốt nốt mỗi ngày, kiếm được 200 lít nước. Nếu tính theo số lượng nước thốt nốt thu được, tôi cũng kiếm vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Dù cực khổ nhưng nguồn thu khá nên bản thân phải gắng. Nghề này đã nuôi sống gia đình tôi mấy chục năm ròng, nên mình không phụ nó” - ông Kéo thật tình.
Theo lời ông Kéo, mùa làm ăn của những người leo thốt nốt tương ứng với “mùa kết mật” của loài cây này, từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng 5 năm sau. Trong thời gian này, họ phải quần quật mỗi ngày từ sáng đến tối. Có người còn đủ sức khỏe, cộng với nhu cầu của thị trường tăng còn sẵn sàng chong đèn leo cả ban đêm. Vì nghề này vừa cực, lại có phần nguy hiểm nên số người chấp nhận gắn bó với nó ngày càng ít đi. “Để làm được nghề leo thốt nốt, trước hết mình phải đủ gan. Vì thân cây thốt nốt không có nhánh, muốn leo lên phải có cây đài bằng tre. Chưa kể, việc ngồi vắt vẻo trên đọt thốt nốt trong thời điểm có gió lớn cũng không dễ dàng” - ông Kéo bộc bạch.
Ngoài sự vất vả, nghề leo cây thốt nốt lấy nước còn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Để lấy được “loại mật” kết tinh từ nắng gió vùng Bảy Núi, người ta phải dùng kẹp tre để kẹp vào bông thốt nốt trước đó vài ngày, rồi mới bắt đầu lấy nước. Do đó, người leo phải để ý từng cây thốt nốt, xem nó có bông cái hay bông đực. Với bông cái, phẩm chất nước ngon hơn, nhưng phải kẹp khoảng 6 ngày mới bắt đầu khai thác được. Với bông đực, chỉ khoảng 2 ngày sẽ cho mẻ nước đầu tiên.
Đi cùng nhóm với ông Kéo còn có nhiều anh em khác. Họ trẻ hơn ông, nhưng bề ngoài cũng đượm vẻ phong trần nắng gió. Anh Lê Văn Tấn (ngụ phường An Phú) xởi lởi: “Tôi sống bằng nghề này nên phải chịu cực khổ. Có những ngày leo nhiều cây, anh em mệt lã, bỏ cả cơm. Có người còn phải đi bác sĩ vì bị hạ can-xi, chóng mặt liên tục. Ấy vậy mà không ai bỏ nghề, cứ cặm cụi, gắn bó hết mùa này đến mùa khác. Vì cùng nghề, hiểu được nỗi khổ của nhau nên anh em cũng đỡ đần qua lại. Người nào mệt thì nghỉ ở nhà, anh em sẽ leo dùm họ ít hôm, tới khi khỏe thì trở lại với cây thốt nốt”.
Anh Tấn cũng cho hay, trước đây, có rất nhiều người làm nghề leo thốt nốt. Theo thời gian, những người còn trẻ chuyển sang làm công nhân cho đỡ nhọc thân. Riêng các anh vì đã lớn tuổi, lại còn “nặng tình” với nghề nên cứ dãi nắng dầm sương cùng cây thốt nốt. Mặt khác, vì số tiền bỏ ra để thuê cây thốt nốt theo năm cũng khá “dễ thở”, nên anh em ráng đeo nghề. “Tôi mướn 20 cây thốt nốt với số tiền 3 triệu đồng/năm. Phần còn lại, mình lấy công làm lời. Đời mình đã lỡ leo thốt nốt, chỉ mong con cháu sau này không phải leo nữa. Tôi ráng lo cho con ăn học, để con có cuộc sống an nhàn hơn” - anh Tấn trải lòng.
Đưa mắt hướng về những cây thốt nốt già cỗi, khẳng khiu, anh Tấn cho biết chúng gần trăm tuổi. Có thể, mỗi cây đã đi qua 2 - 3 thế hệ trong gia đình của người trồng nó và cũng đi qua nhiều thế hệ người leo nó để lấy nước. Bây giờ, anh Tấn và những người cùng nghề chỉ muốn nhìn thấy cây thốt nốt xanh tươi giữa vùng đất Bảy Núi bạt ngàn như một nét văn hóa đặc trưng, chứ không muốn thế hệ tiếp theo phải sống với cái nghề cơ cực này.
“Tôi hay khuyên các con cố gắng học hành để sau này có công việc ổn định, không phải cực khổ như mình. Với tôi, chắc sẽ còn gắn bó với nghề leo thốt nốt cho đến khi không làm nỗi nữa. Tôi chỉ mong đường thốt nốt ngày càng được nhiều người biết đến, để đời sống anh em trong nghề khấm khá hơn, có điều kiện chăm lo chu đáo cho thế hệ sau này” - anh Lê Văn Tấn mong ước.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhung-nguoi-lay-mat-thot-not-a410627.html