Những người lính Biên phòng thắp sáng ngọn lửa tri ân

Gặp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình có công với cách mạng là chuỗi hoạt động xuyên suốt của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng trong hành trình tri ân tháng 7. Những việc làm đó tựa như thắp lên ngọn lửa để tri ân người đã khuất và sưởi ấm tâm hồn người đang sống.

Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng (thứ 4, từ phải sang) thăm, tặng quà tại Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng (thứ 4, từ phải sang) thăm, tặng quà tại Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

Trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé ở xã Tam Anh, thành phố Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Mai (vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hà Lân) năm nay đã tròn 100 tuổi, sống một mình, lặng lẽ cùng những kỷ vật xưa. Không con cháu, không người thân bên cạnh, bà Huỳnh Thị Mai gìn giữ căn nhà như gìn giữ một miền ký ức - nơi từng chứng kiến cuộc đời của người chồng đã cống hiến cả tuổi xuân cho cách mạng, cho đất nước.

Đại tá Hà Lân sinh năm 1926, tham gia cách mạng từ năm 1945, giữ nhiều vị trí chủ chốt trong lực lượng Công an nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một trong những cán bộ tiên phong xây dựng cơ sở cách mạng ở Trà My - vùng chiến lược quan trọng thuộc Khu ủy Khu V. Những cống hiến ấy của ông đã được Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1985, một niềm tự hào không chỉ của ngành công an, mà còn của quê hương Tam Hòa, của lực lượng vũ trang Khu 5. Đại tá Hà Lân từ trần năm 2013, từ đó đến nay, bà Huỳnh Thị Mai sống một mình trong căn nhà nhỏ. Những bức ảnh cũ, tấm huân chương nhuốm màu thời gian vẫn được gìn giữ trang trọng như chứng tích của một cuộc đời vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh đã có một việc làm chan chứa yêu thương là đến nhà của bà Huỳnh Thị Mai để sơn sửa lại gian phòng thờ tưởng niệm, chỉnh trang từng tấm bằng khen, từng khung huân, huy chương. 15 tấm chứng nhận danh hiệu được lồng lại trong khung kính mới, sáng bóng, thể hiện sự trân trọng và biết ơn của thế hệ hôm nay với người đã khuất. "Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh chúng tôi còn phục dựng ảnh liệt sĩ, trao tận tay thân nhân tại phường Quảng Phú. Trong năm nay, Đồn Biên phòng Tam Thanh đã phối hợp với nhà hảo tâm, tổ chức 2 đợt phục dựng gần 50 ảnh liệt sĩ. Chúng tôi cũng hỗ trợ một thương binh ở xã Tam Xuân cải tạo khu nhà ở, sinh hoạt. Chúng tôi mong rằng, những việc làm này mang lại niềm vui, dù là nhỏ cho những gia đình có công với cách mạng trên địa bàn" - Trung tá Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh chia sẻ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu căn cứ K20 (Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường và bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và của Ngũ Hành Sơn nói riêng. Nhắc đến K20, người ta nghĩ ngay đến khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng, là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ - ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo nhiều tiếng vang lớn trên chiến trường Khu 5. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), căn cứ K20 là nơi cơ quan Quận ủy quận III và Thành ủy Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Những chiến công của vùng lõm K20 đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước cắm hoa, dọn dẹp tại phần mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hải. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước cắm hoa, dọn dẹp tại phần mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hải. Ảnh: Trúc Hà

Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây (phường Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là một trong những người con ưu tú của căn cứ K20. Những năm chiến tranh, chồng thoát ly theo cách mạng, một mình mẹ ở nhà gồng gánh đàn con thơ. Mặc dù khó khăn, nhưng mẹ Mai Thị Sây vẫn dành dụm để nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Rồi người con trai cũng theo cha làm cách mạng, mẹ Sây ở nhà lấy việc chạy chợ để hợp thức hóa cho những lần vận chuyển tài liệu, tờ rơi tuyên truyền. Rồi mẹ nhận được tin chồng, con hi sinh. Nhưng nỗi đau mất người thân đã không đánh gục được ý chí của người phụ nữ ấy, mẹ Sây tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng.

Năm 2018, Đồn Biên phòng Non Nước tổ chức lễ nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây. Đó là một ngày vui khó có thể diễn tả. Với mẹ Sây, đây là một sự bù đắp cho những mất mát người thân vì chiến tranh, còn với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước thì đây là một niềm tự hào lớn lao. Từ đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước trở thành người thân của Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây. Việc phụng dưỡng mẹ không chỉ là số tiền hàng tháng, mà còn là sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, tinh thần với việc thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện. Các dịp tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng, tổng kết năm, khánh thành tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng, mẹ Mai Thị Sây đều có mặt, ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Mẹ Sây đến chung vui với các con của mình.

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Chi đoàn Đồn Biên phòng Non Nước phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Công an và các hội, đoàn thể phường Ngũ Hành Sơn vừa tổ chức dọn dẹp, vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hải và chỉnh trang lại nhà ở của Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây. Sau khi dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cùng với các hội, đoàn thể trên địa bàn tiến hành quét dọn, cắt, nhổ cỏ và làm vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp và thông thoáng trong khuôn viên của nghĩa trang và nhà riêng Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Sây. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, sự tri ân và lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Hoạt động còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường cho thế hệ trẻ nói chung, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước nói riêng.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết: “Những năm qua, cùng với thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên của BĐBP thành phố Đà Nẵng. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong BĐBP thành phố tích cực quyên góp, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách khó khăn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Tình nghĩa, nhà Đồng đội... Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm, thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong lực lượng BĐBP thành phố”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-linh-bien-phong-thap-sang-ngon-lua-tri-an-post492672.html