Những người lính của đại thắng mùa xuân năm 1975
Sáng sớm 27/4, hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ về, đứng chật các con đường vẫy chào đoàn diễu binh, diễu hành đang đi qua những tuyến phố chính xung quanh Dinh Độc Lập tại Lễ Tổng duyệt kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Niềm vui của bà con sáng nay có lẽ không kém niềm hân hoan của người dân cả nước vào ngày đón tin giải phóng Sài Gòn 50 năm trước. Sắc áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ tràn ngập các nẻo đường hòa chung màu áo lính của 36 khối lực lượng vũ trang và 12 khối quần chúng nhân dân.
Trong không khí rộn ràng, hùng tráng không thể thiếu những đoàn cựu chiến binh ngực đeo đầy huân - huy chương, gương mặt rạng rỡ, tự hào cùng đồng đội mình về đây chứng kiến Lễ mừng 50 năm chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tình từ Thái Nguyên vào TP Hồ Chí Minh thức suốt đêm chờ xem diễu binh, diễu hành.
Với chiếc ba lô cùng vài bộ quần áo, cựu binh Nguyễn Văn Tình (68 tuổi, quê Thái Nguyên) từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã đi xe khách vào TP Hồ Chí Minh chiều tối 26/4 và ngồi cả đêm ở đường Hai Bà Trưng để sáng nay xem diễu binh, diễu hành. Đây là lần đầu tiên ông Tình vào TP Hồ Chí Minh. Ông bảo 50 năm mới có một lần nên ông quyết tâm đi cho thỏa lòng với miền Nam.
Cái nắng gay gắt của TP Hồ Chí Minh không hề làm cho những cựu binh về dự lễ diễu binh cảm thấy ngột ngạt, thay vào đó, không khí hùng tráng của các cánh quân bước đi trong tiếng nhạc ầm vang đã khơi dậy tinh thần hừng hực khí thế tuổi trẻ năm xưa của những người lính. Có mặt hôm nay, ông Phạm Xuân Tới (71 tuổi, quê Thanh Hóa) và vợ vui mừng dạo bước trên các con đường Sài Gòn năm xưa, nơi ông từng là một người lính giải phóng quân.
Ông Tới tham gia chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thời binh lửa, ông là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7. Trước giải phóng, ông tham gia các trận đánh tại Xuân Lộc, sân bay Biên Hòa. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn 30/4/1975.
Những ngày cuối tháng 4, ông Tới và vợ bàn nhau sẽ vào TP Hồ Chí Minh để được tận hưởng không khí nô nức, hào hùng của Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam. “Mặc dù đã vào thành phố nhiều lần nhưng đây là dịp đặc biệt nhất với tôi, vì mình vẫn còn sống để hưởng ngày hòa bình của đất nước đã 50 năm rồi”, ông Tới chia sẻ.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Xuân Tới vui mừng xuống đường xem diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam.
Là chỉ huy tham gia trận đánh Xuân Lộc, mở “cánh cửa thép” vào Sài Gòn 50 năm trước còn có Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4. Có mặt trong đại lễ 50 năm chiến thắng, Thiếu tướng Doanh bồi hồi xúc động: “Khoảnh khắc chiến thắng, cảm xúc đầu tiên là vui sướng, hạnh phúc vỡ òa. Và thấy mình may mắn vẫn còn sống. Lúc đó chiến tranh ác liệt lắm, không biết sống chết lúc nào. Hôm nay được sống giữa Sài Gòn của 50 năm trước, niềm tự hào trong tôi lại dâng lên, cảm thấy xúc động vô cùng. Chúng tôi như thấy mình trẻ ra giữa đoàn quân trang nghiêm và các khối quần chúng nhân dân đang bước những bước đi hùng dũng qua Dinh Độc Lập, nơi ghi dấu khoảnh khắc lịch sử khi cánh cổng sắt bị xe tăng quân giải phóng húc đổ và lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh vào trưa ngày 30/4/1975".

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (ngoài cùng bên phải) là nhân chứng lịch sử có mặt trong Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã từng tiếp quản Sài Gòn, bảo vệ Dinh Độc Lập ngay sau ngày miền Nam giải phóng. “Nửa thế kỷ trôi qua, được trở lại nơi từng gắn bó máu thịt với đồng đội, được nhìn thấy sự đổi thay, phát triển hôm nay của thành phố, tôi không khỏi nghẹn ngào. Những địa danh xưa như Dinh Độc Lập hay hầm vũ khí biệt động gợi nhớ bao ký ức thiêng liêng của những người lính trận", Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh bồi hồi.
Dinh Độc Lập, nơi từng là biểu tượng của chiến thắng, hôm nay trở thành nơi hội ngộ của những trái tim đã trải qua chiến tranh và trân quý hòa bình. Những người lính năm xưa trở về không chỉ để gặp nhau, mà còn để nhắc nhở thế hệ hôm nay: Hòa bình là điều thiêng liêng và rất nhiều máu xương của bao thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống để có được hòa bình hôm nay.