Tự hào tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có nhiều đóng góp đa dạng và bền bỉ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam thông qua những hành động cụ thể như vận động dư luận, tổ chức biểu tình, hội thảo hay tuần hành phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do chủ nghĩa đế quốc Mỹ gây ra.

Sự đoàn kết là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nhất là bà con sinh sống ở nước ngoài. (Ảnh: MINH DUY)

Sự đoàn kết là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nhất là bà con sinh sống ở nước ngoài. (Ảnh: MINH DUY)

Ngày 26/4 tại Paris (Cộng hòa Pháp), Hội người Việt Nam tại Pháp phối hợp Hội lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa cùng Hội hữu nghị Pháp-Việt tổ chức hội thảo kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tham dự hội thảo có đông đảo các thế hệ kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Pháp, cùng nhiều bạn bè Pháp yêu mến Việt Nam.

Mở đầu hội thảo, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, đại diện Hội lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa, giới thiệu tổng quan về lịch sử của Việt Nam kể từ thời chủ nghĩa thực dân Pháp chính thức xâm chiếm thuộc địa cho tới khi đất nước Việt Nam hoàn toàn được thống nhất.

Ông Alain Ruscio điểm lại những sự kiện vĩ đại của Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, cùng những thắng lợi của nhân dân Việt Nam tại Hiệp định Geneva năm 1954, Hiệp định Paris năm 1973 và giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Nhà sử học Alain Ruscio cho biết: Chiến thắng 30/4 là một trong những sự kiện vĩ đại của thế kỷ 20 và có tầm vóc toàn cầu. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Nhà sử học Alain Ruscio cho biết: Chiến thắng 30/4 là một trong những sự kiện vĩ đại của thế kỷ 20 và có tầm vóc toàn cầu. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại Hội người Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Pháp, đó là lòng yêu nước mãnh liệt, bền bỉ đồng hành với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Với tinh thần đoàn kết và gắn bó với quê hương, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn thể hiện vai trò không thể tách rời của mình trong việc ủng hộ và tiếp sức cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20, đến ngày đất nước thống nhất và cho tới tận ngày nay khi bước trên con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình.

Ông Nguyễn Văn Bổn chia sẻ, ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước, có khoảng 20 nghìn công nhân Việt Nam bị cưỡng bức sang làm việc tại các đồn điền ở miền nam nước Pháp. Dù phần lớn là những người không biết mặt chữ, cũng chẳng thành thạo tiếng Pháp, nhưng ẩn sâu trong tim mỗi người đều thấm đẫm hai chữ “dân tộc”.

Đó cũng chính là lý do vì sao Tổng hội những người Đông Dương chính thức ra đời vào tháng 12/1944, đặt nền móng cho những phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ về sau.

Phong trào ủng hộ Việt Nam tại Pháp nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tiến bộ và cá nhân yêu chuộng hòa bình tại Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Phong trào ủng hộ Việt Nam tại Pháp nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tiến bộ và cá nhân yêu chuộng hòa bình tại Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Đặc biệt, phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức cấp tiến tại Pháp như Tổng Liên đoàn Lao động (CGT), Đảng Cộng sản Pháp, Phong trào Hòa bình và sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân yêu chuộng tự do, hòa bình.

Bên cạnh đó, bà con kiều bào cũng có những đóng góp hỗ trợ vật chất như quyên góp và gửi thuốc men về trong nước.

Bác sĩ người Pháp Henri Carpentier là cái tên được cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhắc tới nhiều, từ tình cảm chân thành và sự hỗ trợ nhiệt tình dành cho nhân dân Việt Nam. Bác sĩ Henri Carpentier là người tiên phong cho nhiều hoạt động nhân đạo nhằm hỗ trợ cho những người dân đang gặp khó khăn trong cuộc chiến tranh tại khu vực Đông Dương trong giai đoạn 1962 và 1975.

Cùng với đó, trong khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Paris, bà con Việt kiều trở thành những người tình nguyện viên tích cực hỗ trợ các phái đoàn đàm phán ở những vai trò khác nhau, từ biên phiên dịch, thông tin báo chí, in ấn tài liệu cho tới hậu cần, góp phần vào thắng lợi ngoại giao của Việt Nam.

Nhiều người trong số đó, vốn là những trí thức, kỹ sư, bác sĩ, đã không ngần ngại từ bỏ cuộc sống ổn định tại nước Pháp xa xôi để trở về quê hương, tham gia chiến đấu trong các mặt trận giải phóng dân tộc.

Cộng đồng người Việt ở Pháp vẫn rất gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp Việt Nam vượt qua nhiều thử thách lịch sử. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Cộng đồng người Việt ở Pháp vẫn rất gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp Việt Nam vượt qua nhiều thử thách lịch sử. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Tin đại thắng ngày 30/4/1975 mang tới nhiều cảm xúc không thể nói lên thành lời, vui mừng khôn xiết vì miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất và sắp tới sẽ được về quê hương.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, bà Thérèse Nguyễn Văn Ký cho biết, ngày hôm đó bà vẫn phải đến phòng khám tư nhân như thường lệ. Thật cảm động khi những người bệnh nhân Pháp yêu mến Việt Nam đã bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng tới nhân dân Việt Nam ngay khi thông tin chiến thắng lan truyền đến Pháp.

Ngay trong sáng ngày hôm sau, 1/5/1975, đúng vào dịp Ngày Quốc tế Lao động, bà con kiều bào tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố ở thủ đô Paris để ăn mừng Chiến thắng 30/4. Đông đảo nhân dân lao động Pháp đã gửi lời chúc mừng đến nhân dân Việt Nam.

Bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt-Pháp, kể về những kỷ niệm của cuộc diễu hành tại Pháp thể hiện niềm hân hoan chung nhân dịp đại thắng 30/4/1975. (Ảnh: MINH DUY)

Bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt-Pháp, kể về những kỷ niệm của cuộc diễu hành tại Pháp thể hiện niềm hân hoan chung nhân dịp đại thắng 30/4/1975. (Ảnh: MINH DUY)

Tại hội thảo, nhiều câu chuyện trong quá khứ đã được chia sẻ từ phía bà con và bạn bè quốc tế, trong đó có những sự kiện lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1922, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham gia thành lập Hội liên hiệp Liên thuộc địa tại Paris, với mục đích hướng dẫn các dân tộc thuộc địa thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đến ngày nay vẫn thể hiện được ý nghĩa và tầm vóc toàn cầu.

Cộng đồng trí thức, kỹ sư, bác sĩ Việt Nam tại Pháp có nhiều đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. (Ảnh: MINH DUY)

Cộng đồng trí thức, kỹ sư, bác sĩ Việt Nam tại Pháp có nhiều đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. (Ảnh: MINH DUY)

Sau năm 1975, cộng đồng người Việt Nam lấy tên chính thức là Hội người Việt Nam tại Pháp với mục tiêu hỗ trợ quê hương trong công cuộc tái thiết, phát triển đất nước trên mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, ngoại giao, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ... Bên cạnh đó, cộng đồng bà con kiều bào cũng luôn đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc đấu tranh đòi quyền công lý.

Trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, ý thức dân tộc và tinh thần đoàn kết luôn là nguồn sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nói riêng và tại nước ngoài nói chung.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-hao-tinh-than-yeu-nuoc-cua-cong-dong-nguoi-viet-nam-tai-phap-post875659.html