Những người lính trở về từ chiến trường

Trở về từ khói lửa chiến tranh, với nhiều tổn thương trên cơ thể cũng như tinh thần, nhưng những cựu chiến binh, thương binh tại Thái Nguyên luôn nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương như lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế.

Trở về từ khói lửa chiến tranh, với nhiều tổn thương trên cơ thể cũng như tinh thần, nhưng những cựu chiến binh (CCB), thương binh tại Thái Nguyên luôn nỗ lực vượt khó, xây dựng quê hương như lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế. Và thật nghĩa tình, ấm áp biết bao khi hành trình vươn lên trong gian khó của họ luôn có sự chia sẻ, đồng hành của đồng đội, cộng đồng.

Ở bất cứ đâu trên xứ Trà, ta cũng có thể bắt gặp những tấm gương CCB, thương binh làm kinh tế giỏi. Họ không chỉ đưa kinh tế gia đình đi lên mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và đóng góp vào sự thay đổi diện mạo quê hương.

CCB, thương binh Nguyễn Hải Âu (ở xã Cổ Lũng, Phú Lương) là một trong những tấm gương điển hình như thế. Năm 1970 ông nhập ngũ, đóng quân tại Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong một trận đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, ông vấp vào bom định hướng của địch, khiến hai chân gãy dập.

Rời quân ngũ về quê với tỷ lệ thương tật 80% và là nạn nhân chất độc da cam, cuộc sống của ông Nguyễn Hải Âu gặp nhiều khó khăn. Không chấp nhận để vợ con khổ sở, thiếu cái ăn, cái mặc, ông trăn trở tìm cách phát triển kinh tế. Nhận thấy làm bánh chưng là nghề gia truyền ở địa phương nhưng ngày càng mai một, năm 2013, ông thành lập Công ty TNHH Hảo Âu, chuyên sản xuất, kinh doanh bánh chưng và các loại bánh dân tộc truyền thống khác. Đến nay, Công ty liên kết với 70 thành viên, tạo việc làm cho trên 10 lao động, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn bánh chưng, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông cũng từng là Trưởng Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, có những đóng góp nhất định trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Phú Lương. Hàng năm vào dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10-8), ông đều tổ chức các hoạt động nghĩa tình đồng đội, như gặp mặt, tặng quà, hỗ trợ hội viên xây nhà tình nghĩa, mua sắm xe lăn, ti vi, bàn ghế... cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Trong những ngày tháng 7 đầy ân tình này, tôi được gặp lại thương binh Vũ Thành Ninh, ở thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Năm nay ông Ninh 70 tuổi, là thương binh hạng 2/4 và nạn nhân chất độc da cam mức 3. Ông kể: Năm 1985, sau 15 năm phục vụ trong Quân đội và trực tiếp chiến đấu, tôi trở về gia đình với những vết thương trên cơ thể. Khi trái gió trở trời, “chúng” khiến tôi đau đớn, mỏi mệt, song tôi không cho phép mình bỏ cuộc.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông chịu khó lao động, tích lũy và đến nay đã sở hữu gần 4.000m2 đất trồng trên 500 gốc cây ăn quả, cấy lúa. Dưới tán cây ăn quả, ông đặt nuôi 90 thùng ong. Tổng lợi nhuận mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.

Cuộc sống nay đã đủ đầy, 5 người con ông đều trưởng thành, yên bề gia thất, nhưng người thương binh ấy vẫn chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi. Ông là tấm gương trong cộng đồng, là động lực để thế hệ trẻ noi theo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 14.000 CCB là thương binh. Cùng với phát triển kinh tế, vượt khó làm giàu như ông Nguyễn Hải Âu và ông Vũ Thành Ninh, nhiều CCB, thương binh, bệnh binh còn là những tấm gương trong thực hiện các phong trào, tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Họ là bí thư chi bộ, trưởng xóm, chủ tịch hội CCB, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trong không khí tri ân của những ngày tháng 7, gia đình thương binh Quách Văn Nghiệp (ở tổ dân phố Tràng Học, thị trấn Đu, Phú Lương) tràn ngập niềm vui, khi tuyến đường ngõ dài 140m, rộng 3m mới được đổ bê tông.

Trước đây, tuyến đường vào nhà ông Nghiệp và 4 hộ dân cụm dân cư rất nhỏ hẹp và trơn trượt vào mùa mưa. Nhiều lần bản thân ông Nghiệp đề xuất và tổ dân phố đã có kế hoạch xây dựng, song chưa triển khai được.

Ông Nguyễn Văn Toán, Tổ trưởng tổ dân phố Tràng Học, chia sẻ: Nhận thấy không thể chậm chễ hơn nữa và cũng để tri ân với thương binh, gia đình chính sách vào dịp 27-7, tổ dân phố Tràng Học đã phối hợp với cấp ủy, Ban Công tác mặt trận, các chi hội, đoàn thể và hộ dân trong cụm dân cư họp bàn, thống nhất triển khai phương án thi công tuyến đường. Đồng thời huy động các hộ dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền và vận động ủng hộ từ nguồn xã hội hóa.

Sau 3 tháng triển khai, tổ dân phố đã vận động các hộ dân hiến hơn 100m2 đất và giải phóng mặt bằng. Tổng kinh phí xây dựng tuyến đường là 91 triệu đồng, trong đó, Hội Doanh nghiệp huyện Phú Lương hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Nghiệp và nhân dân trong cụm đối ứng phần còn lại.

Các doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, ngày công lao động để làm tuyến đường vào nhà ông Quách Văn Nghiệp.

Ông Nghiệp là thương binh, nạn nhân chất độc da cam. Ông nhập ngũ năm 1969, biên chế tại Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Trong quá trình chiến đấu, hành quân cùng đơn vị, ông 2 lần bị thương, tay phải bị liệt.

Ông sinh được 3 người con thì 2 người bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chế độ của Nhà nước. Mang trong mình nhiều vết thương, cuộc sống chật vật khi con cái không trọn vẹn, thế nhưng với ý chí của người lính, ông luôn lạc quan, động viên gia đình cùng nhau cố gắng phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội. Ông từng công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện, làm Chủ tịch Hội CCB xã Phấn Mễ, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Tràng Học (khi đó thuộc xã Phấn Mễ).

Tuyến đường vào nhà ông Quách Văn Nghiệp mới hoàn thành.

Cùng với ông Nghiệp, tại tổ dân phố Tràng Học có gia đình cựu chiến binh Lục Viết Nháu, năm nay 88 tuổi. Khi đất nước cần, ông và các con đều sẵn sàng nhập ngũ, lên đường ra trận. 3 trong số 8 người con trai của ông Nháu từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó, người con thứ 2 là ông Lục Viết Hải tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, hiện là thương binh, tỷ lệ thương tật 22%.

Để tri ân với những công lao, đóng góp của gia đình với quê hương, đất nước, mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Lương đã hỗ trợ ông 50 triệu đồng, Hội CCB huyện và thị trấn Đu hỗ trợ 10 triệu đồng để giúp gia đình xây dựng ngôi nhà mới...

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thời gian qua công tác chăm lo cho các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên quan tâm với sự trân trọng, tri ân và trách nhiệm cao cả. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.

Bởi vậy, mỗi chúng ta “Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202407/nhung-nguoi-linh-tro-ve-tu-chien-truong-3ca1463/