Những người lưu giữ văn hóa Huế bằng hình ảnh

Với thời đại này, chỉ cần một chiếc điện thoại, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể dễ dàng lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Nhưng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa một vùng đất qua ống kính, ưu thế vẫn thuộc về những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

 Triển lãm ảnh “Hương sắc ba miền”

Triển lãm ảnh “Hương sắc ba miền”

Từ ngày đất nước thống nhất, cùng với sự hợp nhất của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, lực lượng văn nghệ sĩ của 3 tỉnh bước đầu được tập hợp lại. Nhiếp ảnh phát triển với sự góp mặt của các nghệ sĩ Đình Liên, Hồ Sĩ Sô, Võ Việt Đức, Nguyễn Khoa Lợi… Tháng 5/1978, Phân hội Mỹ thuật và Nhiếp ảnh chính thức thành lập. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ Văn Kỳ, hội viên Hội NSNA Việt Nam tham gia Ban Thư ký Phân hội, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên khóa I. Sau đại hội năm 2000, Phân hội Nhiếp ảnh chính thức trở thành Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 2025, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hội mang tên Hội Nhiếp ảnh thành phố Huế.

Nhìn lại chặng đường từ sau ngày thống nhất, nhiếp ảnh trải qua ba giai đoạn. Đó là những ngày hậu chiến, Cố đô Huế với vai trò là trung tâm văn hóa quan trọng của Việt Nam, bắt đầu tái thiết và phát triển. Kinh tế khó khăn, trang thiết bị nhiếp ảnh lạc hậu, nguồn nguyên liệu như phim, giấy ảnh khan hiếm, thế nhưng các NSNA vẫn kiên trì, tạo ra những tác phẩm giàu giá trị tư liệu và nghệ thuật. Họ say mê những khoảnh khắc ánh sáng đẹp và theo đuổi dòng thời sự. Nhiếp ảnh gắn với truyền thông, người cầm máy đồng thời là nhà báo, cộng tác viên của các báo, các bộ phận truyền thông của các ban ngành…

Năm 1986, chính sách đổi mới như làn gió mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh tại Huế. Đề tài của các nhiếp ảnh gia được mở rộng, các tác phẩm nghiêng về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, con người và các sự kiện lễ hội. Quần thể di tích Cố đô Huế và các lễ hội đặc sắc trở thành nguồn cảm hứng chính trong giai đoạn này. Nghệ thuật nhiếp ảnh Cố đô phát triển thành cao trào với những cái tên kế cận, như các NSNA: Phạm Bá Thịnh, Lê Quang Hoàng, Đặng Văn Trân, Phạm Văn Tý… với bề bày thành tích, giấy khen, huy chương các loại từ Trung ương ra quốc tế cùng các tổ chức nhiếp ảnh mới: Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thành phố Huế, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Huế…

Sự phát triển của công nghệ số là làn gió mới được giới nhiếp ảnh Cố đô hân hoan đón chào. Nghệ thuật nhiếp ảnh với những thiết bị hiện đại và kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến được cập nhật. Đi kèm với sự phát triển về trang thiết bị hiện đại là môi trường hoạt động trên địa bàn nở rộ. Huế ngày càng nhiều sự kiện lớn là cơ hội cho những NSNA săn tìm tác phẩm rộng mở. Những khoảnh khắc độc đáo, những “phim trường” sân khấu hiện đại, những chương trình lễ hội, nghệ thuật dày dặn phong phú là cơ hội cho nhiếp ảnh gia quảng bá văn hóa Huế đến với người dân và du khách trong, ngoài nước.

Một thế hệ NSNA trẻ tài năng, như NSNA Trương Vững, Ngô Thanh Minh, Văn Đình Huy… xuất hiện. Các triển lãm ảnh liên tục được tổ chức đã tạo môi trường cho các nghệ sĩ Cố đô giao lưu, học hỏi. Tổ chức hội phát huy vai trò để hội viên vươn ra những sân chơi lớn. Bên cạnh các sân chơi địa phương là các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam và quốc tế. Đây là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nhiếp ảnh Cố đô.

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của hội viên Hội nhiếp ảnh, nhưng hơn bao giờ hết lại quy tụ được những người thực sự yêu nghệ thuật ánh sáng. Tác phẩm của họ được chăm chút hơn, thoát khỏi “đời thường” và đáp ứng được nhu cầu cao về việc bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Các NSNA thực hiện tốt công việc của mình với các tác phẩm lưu giữ khoảnh khắc qua lăng kính. Các tác phẩm nhiếp ảnh đóng vai trò như một kho tư liệu sống động, ghi lại những thay đổi của Huế qua thời gian, đồng thời giới thiệu hình ảnh của một xứ Huế mộng mơ với nét đẹp di sản cùng vẻ đẹp thiên nhiên đến với bạn bè quốc tế.

NSNA Phạm Văn Tý, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) tâm sự: “Nhiếp ảnh có đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đất qua các giai đoạn và hiện vẫn bảo toàn được vị trí này ở giai đoạn chuyển đổi số; là phương tiện truyền tải thông điệp nhanh chóng và hiệu quả, khả năng tương tác cao”.

Phạm Phước Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-nguoi-luu-giu-van-hoa-hue-bang-hinh-anh-153128.html