Những người mẹ Việt giữ cội rễ Tết Việt cho con

'Alo, Hiền ơi, nhà chị Hậu có chỗ để đun bánh chưng đúng không? Vậy để nhắc anh Hùng mang nồi to đến luộc tất cả bánh cùng lúc!'- chị Thủy cúp điện thoại, cùng chồng con lên đường tới địa điểm tổ chức đón Tết Ất Tỵ.

 Gói và luộc bánh chưng khiến mọi người đều có cảm giác như đang được ở Việt Nam những ngày giáp Tết.

Gói và luộc bánh chưng khiến mọi người đều có cảm giác như đang được ở Việt Nam những ngày giáp Tết.

Chị Thủy tâm sự: "Tết ở nước ngoài là vậy đó. Ở Việt Nam, Tết là khoảng thời gian để sum họp gia đình, họ hàng. Còn ở đây, chúng tôi không có nhiều họ hàng, người thân xung quanh nên Tết là dịp để tụ họp bạn bè, cộng đồng gắn kết, giữ gìn hương vị truyền thống cho các thế hệ con cháu. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, bánh tét cùng nhau, tổ chức các trò chơi dân gian, nói chuyện với các con về Tết. Các con chứng kiến chúng tôi tổ chức các hoạt động này, thấy bố mẹ vui như thế nào, các con tự cảm nhận được Tết là dịp ý nghĩa, thiêng liêng với người Việt và tinh thần ngày Tết sẽ ngấm vào tâm hồn các con. Các con cũng sẽ háo hức đón Tết và tự hào về truyền thống của quê hương."

15 gia đình tập trung tổ chức đón Tết cổ truyền

15 gia đình tập trung tổ chức đón Tết cổ truyền

Nghĩ là làm, chị Hoàng Thị Thu Thủy, hiện đang sinh sống tại Úc lại cùng các chị em lên kế hoạch và tổ chức Tết thật vui cho các con. Năm nay cả nhóm 15 gia đình hẹn nhau tổ chức ở nhà chị Hậu, căn nhà rộng khoảng 1.000 m2, đủ sức chứa hơn 60 người cả người lớn và trẻ em với một không gian để gói bánh, một không gian để chơi các trò chơi dân gian, một không gian bày cỗ và một không gian làm sân khấu ca nhạc đón Tết.

Trước đó, chị Hiền đã đi chợ mua thịt, gạo, đỗ, lá chuối, và chia về các gia đình để chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng. Các con cũng tham gia hỗ trợ bố mẹ ngâm gạo, đồ đỗ, ướp thịt. Hôm nay các nhà mang nguyên liệu đã chuẩn bị đến và cùng gói bánh chưng, bánh tét với nhau. Người gói thạo thì hướng dẫn người chưa biết, cha mẹ dạy con cái, tất cả vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả, cười vang cả nhà.

Trong khi đó, ở phía sau nhà, khoảng hiên rộng có mái che là địa điểm lí tưởng để lắp đặt sân khấu ca nhạc. Các ông chồng hì hục căng phông bạt, lắp đặt bàn mixer, loa míc, âm thanh và treo đồ trang trí… Các đồ trang trí này được bạn bè đóng góp, tích trữ qua nhiều năm và cũng mới được chị Mai Thanh mua bổ sung trong chuyến về Việt Nam gần đây.

Ở một bên, chị Thủy đang tranh thủ trao đổi, thống nhất lại chương trình với 2 MC trẻ chính là Hào Hiệp, con trai chị, năm nay vào lớp 11 và Ngọc Lam, con gái chị Hậu, năm nay vào đại học. Chị Thủy nói: "Năm nay, các con đã lớn rồi nên chúng tôi muốn các con tham gia vào tất cả các khâu tổ chức. Làm chủ các hoạt động này sẽ giúp các con thấm hơn những cảm xúc ngày Tết, cũng là dịp để các con trưởng thành hơn. Chúng tôi rất mừng là các con vui vẻ đồng ý, không phải thuyết phục nhiều."

Màn gói bánh chưng thu hút được rất nhiều các thành viên tham gia

Màn gói bánh chưng thu hút được rất nhiều các thành viên tham gia

Sau khi hơn 50 chiếc bánh chưng đã được gói xong, các con cùng bố mẹ cho hết bánh vào chiếc nồi lớn và đặt lên bếp củi. Chỉ một chốc, khi nồi bánh bắt đầu sôi, mùi bánh cùng mùi khói củi thoang thoảng trong không khí làm mọi người đều có cảm giác như đang được ở Việt Nam những ngày giáp Tết.

Tất cả các gia đình đã thay trang phục sang áo dài, áo the khăn xếp, veston lịch lãm để cùng chụp ảnh Tết. Chị Hải Thơ hôm nay làm nhiếp ảnh gia cho cả nhóm. Gia đình nào cũng có được bức ảnh tươi tắn, rực rỡ và đậm không khí Tết. Những bức ảnh này sẽ lưu giữ kỉ niệm cho gia đình và trở thành phần kí ức ấm áp trong lòng các con.

Chương trình nghệ thuật Yêu Tết diễn ra rộn ràng và cảm động với rất nhiều tiết mục đặc sắc và bất ngờ của các con. Hào Hiệp mở màn với "Xin chào Việt Nam" bằng cả ba ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt đầy thương nhớ quê hương. Hai anh em bé Quốc Bảo và Minh Khôi tiếp nối với tinh thần dân tộc sục sôi qua ca khúc "Hào khí Việt Nam" hào hùng, mạnh mẽ. Tứ tấu đàn dây 4A lại mềm mại, du dương với làn điệu dân ca "Bèo dạt mây trôi", còn Sophia Tường An thì mang không khí rộn ràng của Tết đến với màn độc tấu cello "Xuân đã về"… Các bố mẹ cũng không kém phần sôi động với hàng loạt các tiết mục ngẫu hứng chào Tết.

Kết thúc chương trình văn nghệ, tất cả các gia đình lại quây quần cùng ăn cỗ Tết. Mỗi gia đình mang đến một món ăn truyền thống như nem rán, gà luộc, xôi, miến trộn, gỏi bò đu đủ, canh hầm… Mọi người cùng thưởng thức các món ngon và trầm trồ về tài nấu nướng của nhau.

Chị Hiền chia sẻ: "Chúng tôi ăn cỗ Tết với các món Việt truyền thống nhưng cách làm cỗ thì theo kiểu Úc, đó là mỗi nhà góp một món nên vừa ngon vừa phong phú và không ai bị mệt vì phải làm cỗ. Các con lại có cơ hội được ăn đa dạng các món của Việt Nam. Bạn nào cũng thích!".

Cuối cùng, được mong đợi nhất là màn vớt bánh. Trong đêm mưa, mùi thơm của bánh, mùi khói của củi bốc lên ấm sực, bố mẹ và các con đều háo hức. Chị Hậu phải thốt lên: "Ăn Tết ở Úc còn to hơn ăn Tết ở Việt Nam. Ở Việt Nam, nhà tôi cũng chưa bao giờ luộc nồi bánh to như vậy! Lâu lắm rồi mới được tận hưởng không khí vớt bánh trong đêm thế này."

Chị Thủy chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì các hoạt động đón Tết Việt cùng nhau lâu dài và mong càng ngày càng mở rộng được quy mô để thật nhiều gia đình ở Queensland có thể cùng tham dự. Chúng tôi mong muốn giữ Tết Việt cho con cháu, nhưng có lẽ, trước hết, đó là cho chúng tôi được giữ một phần cội rễ ấm áp, thiêng liêng trong tâm hồn mình. Dù có ở đâu trên thế giới, chúng tôi vẫn mãi giữ tinh thần Việt, cội nguồn Việt và gửi gắm vào các thế hệ kế tiếp".

H.L - Ảnh: NVCC

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-me-viet-giu-coi-re-tet-viet-cho-con-20250127122155328.htm