'Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ'?
Có một thi sĩ lớn ở cuối đời Trần, sang cả đời Hồ và thuộc Minh, chưa được nghiên cứu đầy đủ và xứng tầm, đó chính là ông Phạm Nhữ Dực. Các nhà biên soạn sách THƠ VĂN LÝ TRẦN (Viện Văn Học) cũng phán đoán sai về danh nhân Phạm Nhữ Dực, khi 'đoán' rằng Phạm Nhữ Dực có thể chỉ đỗ Cử Nhân và làm nghề dạy học.
Chức quan cao nhất của ông là chức Huấn Đạo phủ Tân An. Điều đó cho thấy rằng các nhà biên soạn chỉ tập hợp thơ của Phạm Nhữ Dực ở một số sách xưa, mà chưa nghiên cứu kỹ càng nội dung các bài thơ của thi nhân từng trải qua ít nhất là 3 đời vua, như thơ ông đã “khai” rõ. Lý do căn bản là sử sách thất lạc. Hành trạng, công tích của Phạm Nhữ Dực không thấy còn nữa. Ông sống ở giai đoạn lịch sử đất nước có rất nhiều biến động. Cuối đời Trần, sang đời Hồ (1400-1407), rồi giặc Minh xâm lược tàn phá nước ta. Thân phận con người rất long đong, vất vả mưu sinh.
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.
Nhưng thơ ca của Phạm Nhữ Dực đã cho ta thấy được nét chủ yếu về hành trạng, công tích của ông. Nhà thơ độc đáo này hiện còn 61 bài được chép trong sách TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn và một vài tuyển thơ khác. Viện Văn Học bảo rằng họ đã tìm thêm được 4 bài nữa. Cộng lại là 65 bài.
Chúng tôi đã giải mã toàn bộ mấy chục bài thơ của Phạm Nhữ Dực tiên sinh. Hóa ra, ông từng đỗ Tiến Sĩ, làm quan nhiều năm ở HÀN LÂM VIỆN cùng ông Nguyễn Vận Đồng. Thời thế đổi thay, cuối cùng thì ông mới phải làm nghề dạy học ở Tân An.
Bình giải thơ Phạm Nhữ Dực, mới thấy ông là một thi sĩ tài hoa. Ông từng giữ chức quan lớn trong triều và được cử đi sứ sang Tàu. Người như thế, không phải chỉ đỗ Cử Nhân được.
Qua thơ Phạm Nhữ Dực, chúng ta biết thêm một danh nhân cỡ lớn, mà sử sách không chép một câu nào. Các nhà biên soạn sách THƠ VĂN LÝ TRẦN cũng bế tắc. Người ấy là ông Nguyễn Vận Đồng, từng 3 lần đỗ đầu (tức Tam Nguyên). Ông Nguyễn Vận Đồng nhiều năm làm việc ở HÀN LÂM VIỆN cùng Phạm Nhữ Dực, sau được chuyển ra làm quan Tri Phủ Tân An. Phạm Nhữ Dực có tới 11 bài thơ viết về Nguyễn Vận Đồng, “khai” rất rõ về công đức, chính tích của ông Nguyễn Vận Đồng. Phải chăng, khi giặc Minh tràn sang cướp phá, ông Nguyên Vận Đồng đã khởi binh chống giặc, bị giặc giết cả gia tộc. Mọi thứ đều bị tiêu hủy hết. Thế nên, một danh sĩ ở thời loạn như vậy, chưa được đời sau tìm hiểu, nghiên cứu?
Hãy xem một trong hơn sáu chục bài thơ của Phạm Nhữ Dực tiên sinh, để biết vị thế của ông như thế nào!
Dịch nghĩa:
NGƯỚC TRÔNG NĂM MÂY
Bốn ngựa rong ruổi trong mây mù lam chướng,
Ngoảnh đầu trông lại cửa trời, mịt mùng năm thức mây.
Mưa tới cửa cung cấm, giật mình nghe đôi vòng kêu rộn,
Trông vời trên điện Thông Minh thấy một đóa hồng.
Từ trong hang núi bay ra đượm nhuần muôn vật,
Tấm lòng (ta) tha thiết được theo xe rồng.
Sớm chiều mong được vời gọi đến bên nhà vua,
Làm trận mưa rào của nhà Thương dội xuống tưới khắp cho dân gian bốn biển.
Dịch thơ
Bốn ngựa ruổi rong màn lam chướng,
Ngoảnh đầu trông ngũ sắc bên trời.
Cửa cung vòng réo liên hồi,
Điện Thông Minh, một đóa ngời sắc xuân.
Từ hang núi tươi nhuần muôn vật,
Theo xe rồng, lòng ước thiết tha.
Sớm chiều mong ở bên vua,
Mưa Thương tưới khắp bốn mùa nhân gian.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Cứ như tình ý của bài thơ này, đủ thấy tác giả của nó phải là một vị quan rất to, có tài thao lược, giữ trọng trách lớn của triều đình. Ông được ngồi xe bốn ngựa kéo, từ biệt nhà vua để lên đường công cán. Hình như đây là chuyển khởi hành đi sứ phương Bắc. Phạm Nhữ Dực từng làm việc quan dưới ba triều vua như ông viết trong thơ, nhưng chưa thể đoan chắc đây là năm nào, ở triều vua nào.
Qua thơ, thấy tác giả rất tự tin vào tài năng của chính mình. Ông mong muốn được ở bên cạnh nhà vua, để giúp vua điều hành chính sự, để có thể làm “muối mơ”, “điều canh” như Tể Tướng Phó Duyệt đời Thương, để làm trận mưa nhuần tưới mát cho nhân gian bốn bể.
Trong số hơn sáu chục bài thơ còn lại của Phạm Nhữ Dực, chúng tôi thấy có khoảng 5 hay 6 bài ghi lại chuyến hành trình đi sứ phương Bắc của ông. Rõ ràng, đây chính là một danh nhân chưa mấy ai biết đến. Quê ông ở làng Đa Dực, huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình.
Qua thơ của Phạm Nhữ Dực, chúng ta được biết một danh nhân vào hàng kiệt xuất, tên Nguyễn Vận Đồng. Người này không còn thông tin gì để lại. Ông từng 3 lần đỗ đầu (Tam Nguyên), từng làm quan ở Hàn Lâm Viện, rồi Tri Phủ phủ Tân An. Phủ Tân An thời ấy rộng lớn, bao gồm cả Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay.
Vậy ai là hậu duệ của danh nhân Phạm Nhữ Dực và Nguyễn Vận Đồng? Xin được bạn đọc gần xa và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để tâm suy nghĩ, tìm kiếm thêm để làm sáng tỏ chân dung còn nhiều bí ẩn của hai vị cao nhân tiền bối này.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nguoi-muon-nam-cu-hon-o-dau-bay-gio-a18083.html