Những người ngóng chờ ngày Luật Căn cước có hiệu lực

Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực. Với hàng loạt thay đổi so với Luật Căn cước công dân năm 2014, nhiều người dân không có giấy tờ tùy thân đang đếm từng ngày để được cầm trên tay tấm thẻ giúp họ tiếp cận đầy đủ các quyền như mọi công dân khác.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sống "vô hình" vì không có giấy tờ tùy thân

Căn gác rộng vỏn vẹn 6,6m2 nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội) từ gần 30 năm nay là nơi sinh sống của ông Nguyễn Đình Thêm (61 tuổi) cùng 5 thành viên khác trong gia đình. Do không đủ diện tích sinh hoạt theo quy định mà ông Thêm không thể làm được sổ hộ khẩu. Điều này khiến ông không làm được các giấy tờ tùy thân khác dù vẫn có nơi đi, chốn về đàng hoàng.

Ông Thêm sinh ra và lớn lên tại con phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bố mẹ ông trước đây sở hữu một hiệu may có tiếng. Sau biến cố gia đình ly tán, bố mẹ ông vào Nam dạy may. Ông Thêm là con út, không được học hành đến nơi đến chốn, lại bơ vơ giữa phố thị trong những năm tháng tuổi mới lớn nên đã phạm phải nhiều sai lầm. Suốt 19 năm tuổi trẻ, ông vướng vào vòng lao lý. Năm 1999, sau khi ra tù, ông Thêm được biết căn nhà của bố mẹ trên phố Hàng Trống đã được mua bán và sang tên cho người chị của ông từ năm 1997. Trớ trêu thay, cuốn sổ hộ khẩu cũ mà cha của ông đứng tên, trong đó có ông Thêm, đã không còn, bản thân ông đi tù đã bị cắt hộ khẩu treo. Kể từ đó, ông Thêm trở thành "người vô hình" khi không sở hữu bất cứ thứ giấy tờ gì chứng minh lai lịch của mình.

Không có giấy tờ tùy thân khiến cuộc sống của ông Thêm gặp nhiều khó khăn

Không có giấy tờ tùy thân khiến cuộc sống của ông Thêm gặp nhiều khó khăn

Từ đó đến nay, ông Thêm đã nhiều lần đi làm thủ tục nhập hộ khẩu về căn nhà trên phố Hàng Trống nhưng không được giải quyết. "Tôi sinh sống từ nhỏ ở đây nhưng không được công nhận là một công dân do không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào chứng minh thân phận. Nhiều lần đi đăng ký hộ khẩu tại Công an quận Hoàn Kiếm, tôi được họ trả lời rằng không giải quyết được vì nhà không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích nên không nhập được hộ khẩu về nhà tôi tại phố Hàng Thiếc", ông Thêm ngậm ngùi. Không thể nhập khẩu, ông Thêm không thể làm được căn cước công dân, sổ bảo hiểm… dẫn tới nhiều chuyện trớ trêu xảy ra trong cuộc sống của người đàn ông này. "Tôi không thể sang tên giấy tờ hợp đồng mua bán nhà. Các con, các cháu cũng đều phải nhập khẩu về bên vợ tôi để có giấy tờ đi học. Giấy tờ xe thì con đứng tên, trong khi hóa đơn tiền điện, nước tôi đều phải nhờ vợ làm vì những thứ đó đều yêu cầu phải có căn cước công dân", ông Thêm chia sẻ.

Không có việc làm ổn định, để mưu sinh, ông Thêm đang làm xe ôm. Thời buổi công nghệ phát triển, xe ôm truyền thống "đói" khách, nhiều lần ông muốn chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nhưng không thể do không có giấy tờ tùy thân. Mới đây, ông đã phải từ chối công việc làm nhân viên giao hàng với mức lương khá cũng bởi không có giấy tờ tùy thân. "Cách đây khoảng 2 năm, tôi ốm một trận khá nặng. Vợ chồng bìu díu nhau vào bệnh viện, bác sĩ chỉ định điều trị nội trú nhưng tôi phải viết giấy cam kết để được ra ngoại trú vì không có sổ bảo hiểm y tế", ông Thêm buồn bã nói.

Chưa kể, dù đã 30 năm bên nhau nhưng vì ông Thêm không có giấy tờ tùy thân nên vợ chồng ông chưa thể đăng ký kết hôn. Do đó, mong muốn của người đàn ông 61 tuổi này là sớm được làm các giấy tờ tùy thân, đảm bảo các quyền công dân của mình…

Là một trong những trường hợp mong chờ được cầm trên tay tấm thẻ Căn cước, ông Hà Công Lâm (trú tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết, vào năm 1996, ông rời quê, theo bạn bè đi làm ăn ở An Giang rồi gặp biến cố dẫn đến phải lưu lạc sang Campuchia. Trong thời gian này, ông kết hôn với 1 người phụ nữ Campuchia và có với nhau 4 người con. Tuy nhiên, vì không có giấy tờ tùy thân nên ở Campuchia, ông Lâm được liệt vào diện cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất bất cứ khi nào. Thế nên, mong muốn của ông là trở về quê nhà ở Việt Nam để làm lại giấy tờ tùy thân, từ đó có thể làm thủ tục và đường hoàng sinh sống cùng vợ con ở Campuchia. Đầu năm 2024, thông qua sự giúp đỡ của 1 người quen, ông Lâm trở về quê hương sau gần 30 năm lưu lạc. "Tôi có đến chính quyền địa phương để làm thủ tục cấp căn cước công dân nhưng hiện vẫn còn vướng mắc một số vấn đề như tôi bị xóa khẩu do đã không lưu trú ở địa phương từ lâu", ông Lâm chia sẻ.

Hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 9/2023, nước ta có khoảng hơn 31.000 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, thực tế gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, với nhóm người hiện nay không có giấy tờ tùy thân, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật Căn cước năm 2023 là luật đầu tiên quy định chi tiết về đối tượng này. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 3 Luật Căn cước quy định, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

"Như vậy, những trường hợp như ông Thêm, ông Lâm không có giấy tờ tùy thân như nêu trên thì được xác định là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch", luật sư Hùng cho biết.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Về giấy chứng nhận căn cước, luật sư Hùng cho biết, đây là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước 2023. Đây sẽ là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện quyền công dân trên những khía cạnh nhất định mà chưa có tiền lệ. Qua đó, nhóm người hiện nay không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào đang sinh sống tại Việt Nam có thể tham gia vào đời sống xã hội và phát triển một cách toàn diện hơn.

Trả lời câu hỏi về người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước, thay vì được cấp thẻ căn cước như công dân Việt Nam, thì quyền của họ về căn cước và các cơ sở dữ liệu số hóa có sự khác biệt nào không, luật sư Nguyễn Thu Hằng (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình) cho biết, căn cứ Điều 5 Luật Căn cước, công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đều có quyền và nghĩa vụ đối với căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước. Đối với công dân Việt Nam, họ sẽ có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử; được xác lập số định danh cá nhân, được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp; khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước.

Trong khi đó, người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch thay vì có quyền về thẻ căn cước thì họ có quyền với giấy chứng nhận căn cước. Đồng thời, họ không có quyền về căn cước điện tử và xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-ngong-cho-ngay-luat-can-cuoc-co-hieu-luc-20240327102929107.htm