'Những người phất cờ hồng' của quá khứ và hôm nay
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đặt hàng vừa xuất bản tập bút ký 'Những người phất cờ hồng' của Thiếu tá Biên phòng, nhà văn Phạm Vân Anh. Chị cho biết, toàn bộ tiền nhuận bút đã được chuyển vào phía Nam, giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19.
Sống lại mùa Thu Cách mạng
Đọc “Những người phất cờ hồng”, khó có ai không hồi tưởng, tự hào và suy ngẫm. Mở trang sách, bạn đọc gặp lại nhân chứng sống của những ngày mùa Thu cách mạng, cách đây 76 năm. Đó là Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân; là Thượng tướng Song Hào, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; là Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; là Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội; là bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh...
Nhà văn Phạm Vân Anh và Đại tướng Nguyễn Quyết.
Cuốn sách đã phần nào tái hiện không khí cách mạng “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, hừng hực khí thế trong cả nước. Từ Cao Bằng, Lạng Sơn, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân như ông Hoàng Long Xuyên đã giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật. Xa xôi như ở Bạc Liêu, sáng 25-8-1945, bà Bảy Huệ cùng các đồng chí của mình tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động tỉnh lỵ ra mắt Ủy ban Dân tộc giải phóng và Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Bạc Liêu. Hay ông Đặng Văn Việt từng được gọi là “Hùm xám đường số 4”, người từng cắm Cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Kinh thành Huế trong những ngày giành chính quyền. Đó là ông Đặng Nam với hào khí “Tiếng trống Kim Sơn” sôi sục miền duyên hải Bắc Bộ từ tháng 3 đến tháng 8-1945 và nhà văn Hoàng Công Khanh từ nhà tù Sơn La đã vượt ngục trở về lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy ở Kiến An…
Bước vào tuổi “bách niên”, Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn đọc lại được rành rọt từng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3-1945. Ngày 19-8-1945, Nguyễn Quyết cùng với các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trong ngày 19-8 ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô cùng toàn bộ ngoại thành Hà Nội mà không phải nổ một phát súng. Kinh nghiệm của Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Hà Nội đã được nhiều nơi áp dụng để vừa cướp được chính quyền vừa tránh đổ máu.
Đọc tập bút ký, những người nâng niu lịch sử đất nước sẽ gặp những trang viết về những Mẹ Việt Nam anh hùng người dân tộc thiểu số. Đó là mẹ Mùi Thị Dậu dân tộc Mường ở Sơn La; mẹ Sùng Thị Blây, dân tộc Mông ở Pù Nhung (Lai Châu), mẫu thân của anh hùng, liệt sỹ Vừ A Dính; mẹ Lý Khờ Pờ, ở Mường Tè (Lai Châu)... để rưng rưng xúc động trước sự hi sinh thầm lặng của các mẹ. Hay câu chuyện về đồng chí Hoàng Văn Nhung ở Cao Bằng– liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, anh hy sinh trong trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiêu diệt 2 đồn nhỏ là đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần; hiểu thêm về liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bok Wừu ở Đắk Đoa (Gia Lai), tham gia phong trào “Đất nước đứng lên” từ năm 1939.
Ngày 19-8, mùa Thu Cách mạng năm 1945 cũng là Ngày truyền thống của lực lượng CAND. Trung tướng Phạm Kiệt (1910 – 1975), nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy CAND vũ trang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Đặng Nam, nguyên cán bộ Ty Liêm phóng Hải Kiến (Hải Phòng) – tổ chức tiền thân của ngành Công an; Anh hùng, liệt sỹ an ninh miền Nguyễn Kim Vang xả thân “diệt ác, phá kìm”; Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng; Đại tá Nguyễn Xuân Phòng, nguyên Giám thị Trại giam Thanh Lâm... xuất hiện trong “Những người phất cờ hồng” chính là những người đã góp phần viết lên truyền thống ngành CAND, những ngày đầu cách mạng.
Hiếm có đất nước nào lại có hai mùa thu như đất nước Việt Nam. Mùa thu thiên nhiên và mùa thu cách mạng “Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới” - (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi). “Những người phất cờ hồng” mùa thu năm xưa có nhiều người đã mất. Những người còn sống đều cao niên như Đại tá Hoàng Long Xuyên (Cao Bằng) 104 tuổi, Đại tướng Nguyễn Quyết 100 tuổi, cụ Đặng Văn Việt 101 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng Lý Khờ Pừ (Lai Châu) 97 tuổi; nguyên chiến sỹ Đại đội tự vệ ngoại thành Hà Nội Nguyễn Hữu Hào cũng đã 92 tuổi... nhưng họ như đều trẻ lại khi nhớ lại mùa thu “bình minh” của dân tộc.
76 năm đã qua, đọc lại “Những người phất cờ hồng” của nhà văn Phạm Vân Anh, cứ ngỡ như đang được sống lại những ngày sôi nổi tưng bừng ấy. Mùa thu Cách mạng Tháng Tám như một dấu ấn mốc son lịch sử chói lọi, một bản hòa ca âm vang...
Chuyển tiếp “cờ hồng tháng Tám”
Quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi đất nước, dân tộc là một “dòng chảy” liên tục. Bàn chân của nhà văn, Thiếu tá Phạm Vân Anh đã có mặt khắp mọi miền đất nước để dựng nên “dòng chảy” ấy trong “Những người phất cờ hồng”. Chị khắc họa vẻ đẹp đa dạng của người Việt Nam hôm nay đang có mặt nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo và dành nhiều trang viết xúc động về các già làng, trưởng bản và cán bộ đang sinh sống, làm việc ở những vùng khó khăn, gian khổ để tôn vinh và động viên họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo với tinh thần người cộng sản chân chính.
Là tác giả của trường ca “Sa mộc” rất ấn tượng, có thể nói “Tinh thần sa mộc” thấm đẫm, xuyên suốt từ tư tưởng đến kết cấu, lựa chọn nhân vật trong “Những người phất cờ hồng” của Phạm Vân Anh. Giữ gìn văn hóa, bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng biên giới cũng là bảo vệ “sa mộc” phi vật thể tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam cho thấy sự chung sức đồng lòng của bà con các dân tộc sát cánh cùng người lính biên phòng chính là “Bức thành đồng” bảo vệ biên ải. Nhà văn Phạm Vân Anh ý thức và giới thiệu về chân dung nhiều già làng như Lâu Văn Hự, Phàn Định Xiết ở miền Tây Thanh Hóa, nhà thơ Hùng Đình Quý ở Hà Giang, “ông Tà” Nguyễn Văn Nghĩa ở Tây Ninh… Họ đại diện cho nhiều già làng, trưởng bản vùng dân tộc đang là những “cột mốc” sống giữ gìn từng tấc đất cha ông và Mùa thu Tháng Tám để lại.
Rồi những người bác sĩ, cán bộ người miền xuôi đã lên với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc để làm nên một cuộc cách mạng mới “miền núi tiến kịp miền xuôi” như thầy giáo Nguyễn Văn Nhạn, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng, Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình. Mỗi nhân vật là một câu chuyện đời khác nhau, sự thành công của họ cũng khác nhau, song đều sáng lên tinh thần dấn thân vì sự bình yên của Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Họ chính là “những người đã đem ngọn cờ của Đảng để cắm trên những đỉnh núi cao nhất” (thơ Tố Hữu).
Cuốn sách còn có một số bài viết về những văn nghệ sĩ đã mang ánh sáng văn hóa đến mọi miền. Có thể kể đến NSND. Y Brơm, biểu tượng của “không gian văn hóa” Tây Nguyên với những tác phẩm múa nổi tiếng trong và ngoài nước. Những con người một đời bền chí với văn chương như các nhà văn Công an Lương Sỹ Cầm, Trần Hữu Tòng với hàng vạn trang văn luôn tươi mới tình yêu đất nước và khối lượng tác phẩm đồ sộ, được trao nhiều giải thưởng văn học uy tín của đất nước. Đó còn là NSƯT Phùng Bá Gia, người có những thước phim quý hiếm về Bác Hồ; nghệ nhân dân gian Nguyễn Hãn – một trong “tứ hổ” bảo vệ tướng quân Nguyễn Bình tại “đệ tứ chiến khu” Đông Triều nổi danh với tiếng trống chầu ca trù tài tử, hay Đại tá, Anh hùng Đinh Thế Văn, người sáng tạo phương pháp bắn B52 bằng tên lửa “vượt nửa góc”, khi về hưu trở thành người nghệ nhân múa rối nức tiếng xa gần.
“Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia, tìm đến các nhân chứng lịch sử về giai đoạn cách mạng đó. Và tôi hiểu rằng, các đồng chí lão thành cách mạng trực tiếp tham gia sự kiện này đều đã trên dưới 100 tuổi, nếu không làm phim hoặc viết một loạt ký sự chân dung nhân vật sẽ muộn bởi các cụ chính là ký ức sống về một giai đoạn lịch sử của dân tộc” - ấp ủ của Phạm Vân Anh từ năm 2020 về “Những người phất cờ hồng” đã được chị thực hiện trọn vẹn. Chính chị cùng với thế hệ hôm nay đang được “trao lại” ngọn cờ hồng của dân tộc.