Những người thắng lớn từ 'mỏ vàng' AI

Các công ty thiết kế, sản xuất chip bán dẫn tiên tiến, thiết bị hệ thống mạng của phương Tây và Đài Loan đang hưởng lợi hàng tỷ USD từ làn sóng bùng nổ của trí tuệ nhân tạo.

Bên trong tòa nhà chữ nhật màu xám ở ngoại ô thành phố San Jose, hàng dãy máy móc nhấp nháy đèn đang hoạt động hết công suất. Những sợ dây cáp nhiều màu sắc kết nối chúng với máy chủ cao cấp, thiết bị mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu. Tiếng ồn mà hệ thống máy móc tạo ra vượt quá khả năng chịu đựng của bất cứ ai bước chân vào.

Tòa nhà thuộc sở hữu của Equinix, công ty cho thuê không gian đặt trung tâm dữ liệu. Các thiết bị bên trong tòa nhà thuộc về những công ty thuộc nhiều phân khúc, từ tập đoàn công nghệ khổng lồ cho tới các công ty khởi nghiệp. Tất cả họ có điểm chung là sử dụng máy móc để vận hành hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), theo Economist.

Ngành chip bán dẫn thăng hoa

Cơn sốt AI, bắt nguồn từ sự phổ biến của các hệ thống sáng tạo như ChatGPT, đang hứa hẹn tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những nhà đầu tư đủ khả năng khai thác tiềm năng công nghệ của chúng.

AI giống như mỏ vàng đang chờ các công ty công nghệ khai phá. Và như trong cơn sốt đào vàng, những người bán cuốc và xẻng đang hưởng lợi đầu tiên.

Hôm 24/5, Nvidia - nhà sản xuất chip bán dẫn cho nhiều máy chủ AI - công bố con số doanh thu và lợi nhuận vượt qua mọi dự báo trước đó. Nvidia dự kiến đạt doanh thu 11 tỷ USD trong quý II, cao gấp rưỡi dự đoán trước đó của phố Wall.

Cổ phiếu của Nvidia ngày 25/5 tăng 30%, giúp giá trị thị trường của công ty đạt 1.000 tỷ USD. Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang hôm 29/5 tuyên bố thế giới đang ở "điểm khởi đầu của một kỷ nguyên máy tính mới".

 Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Reuters.

Các công ty chip khác, từ AWD cho tới TSMC, cũng đang bị cuốn vào cơn sốt AI. Điều tương tự xảy ra với các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng máy tính hỗ trợ hoạt động của AI.

Kể từ khi ChatGPT đi vào hoạt động tháng 11/2022, giá trị của các công ty cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ mô hình AI đã tăng 40%. Để so sánh, chỉ số công nghệ NASDAQ chỉ tăng 13%.

"Một nhóm công nghệ mới đang nổi lên", Daniel Jeffries, thành viên nhóm vận động hành lang có tên Liên minh Cơ sở hạ tầng AI, nhận xét.

Bề ngoài, yếu tố máy móc kỹ thuật phía sau các AI dường như ít hấp dẫn hơn so với khả năng tương tác thông minh mà ChatGPT cũng như các đối thủ khác của nó mang lại. Nhưng với những người xây dựng AI và các ứng dụng dựa vào AI, tất cả đều cần sức mạnh tính toán của máy móc ở quy mô ngày một lớn.

Các hệ thống AI càng mới thì càng sử dụng nhiều tài nguyên để làm phép tính Amin Vahhat, giám đốc cơ sở hạ tầng AI tại Google Cloud Platform, cho biết kích thước mô hình AI của Google đã tăng 10 lần trong vòng 6 năm qua.

GPT4, phiên bản mới nhất của mô hình AI đứng sau ChatGPT, phân tích dữ liệu bằng cách sử dụng khoảng 1.000 tỷ tham số, nhiều hơn 5 lần so với các mô hình tiền nhiệm. Khi mô hình càng trở nên phức tạp, nhu cầu tính toán để huấn luyện chúng càng lớn hơn.

Microsoft hiện có hơn 2.500 khách hàng sử dụng dịch vụ có ứng dụng công nghệ từ OpenAI - mô hình tạo ra ChatGPT, con số này tăng gấp 10 lần so với quý IV/2022.

Alphabet, chủ sở hữu Google, hiện có 6 sản phẩm AI với 2 tỷ người sử dụng toàn cầu. Alphabet dự tính mở rộng số khách hàng toàn cầu bằng cách đưa vào thêm các AI tổng hợp.

Khi nhu cầu tính toán lớn hơn, số chip bán dẫn cần trên thiết bị sẽ nhiều hơn. Người thắng cuộc rõ ràng nhất trong cơn sốt sức mạnh tính toán của máy tính hiện nay là các nhà sản xuất và thiết kế chip.

Những công ty thiết kế như Nvidia, AMD nhận được phí giấy phép mỗi khi bản thiết kế của họ được các nhà sản xuất như TSMC sử dụng để tạo ra sản phẩm cho khách hàng cuối cùng, thường là những nhà cung cấp dịch vụ đám mây hỗ trợ các ứng dụng AI.

Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ dự báo trong 1-2 năm tới, AI sẽ làm tăng nhu cầu chip chuyên dụng cho xử lý đồ họa (GPU) thêm 10-15 tỷ USD. Nhờ xu thế này, doanh thu hàng năm trong mảng trung tâm dữ liệu của Nvidia có thể tăng gấp đôi, giúp tổng doanh thu của tập đoàn tăng 25%.

AMD dự kiến ra mắt sản phẩm GPU mới trong năm nay. Dù chiếm thị phần nhỏ hơn nhiều so với Nvidia, quy mô của làn sóng AI bùng nổ hiện nay sẽ giúp AMD phát tài ngay cả khi chỉ chiếm được những "mẩu vụn" của thị trường.

Các nhà sản xuất chip là người hưởng lợi tiếp theo. Trong tháng 4, ông chủ TSMC C.C. Wei cho biết đang có sự gia tăng nhu cầu với các sản phẩm liên quan AI. Cổ phiếu của TSMC đã tăng 10% sau báo cáo doanh thu của Nvidia, giúp giá thị trường của TSMC tăng 20 tỷ USD.

UBS ước tính chip xử lý chiếm khoảng 50% chi phí máy chủ AI chuyên dụng, so với 10% trên máy chủ thông thường. Nhưng chúng không phải thiết bị cần thiết duy nhất.

Nhu cầu bùng nổ

Trong làn sóng AI lúc này, các thiết bị mạng tiên tiến cũng đang ngày càng được săn đón, như bộ chuyển đổi, bộ định tuyến, chip chuyên dụng. Thị trường cho các sản phẩm này dự kiến tăng trưởng 40% hàng năm, có thể đạt 9 tỷ USD vào năm 2027. Một lần nữa, Nvidia lại hưởng lợi khi chiếm 78% doanh số toàn cầu.

Cơn sốt AI cũng là tin tức tốt lành cho các công ty lắp ráp máy chủ cho các trung tâm dữ liệu. Dự báo, các trung tâm dữ liệu khắp thế giới sẽ tăng gấp đôi dung lượng máy chủ cho AI trong vòng 5 năm, tỷ lệ vốn chi tiêu cho máy chủ AI tăng từ 20% lên 45%.

Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất máy chủ của Đài Loan hưởng lợi như Wistron hay Inventec - hai công ty chuyên sản xuất máy chủ cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon Web Services và Azure.

 Trung tâm dữ liệu ở Arizona. Ảnh: Reuters.

Trung tâm dữ liệu ở Arizona. Ảnh: Reuters.

Wiwynn, một nhà sản xuất máy chủ Đài Loan, cho biết các dự án liên quan AI chiếm hơn 50% đơn đặt hàng hiện nay của họ. Trong khi đó, công ty Mỹ là Super Micro cho biết các sản phẩm AI trong 3 tháng qua chiếm 29% doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả phần cứng của AI sẽ yêu cầu phần mềm chuyên dụng để vận hành. Một số phần mềm đến từ các nhà sản xuất phần cứng như Nvidia. Các công ty khác tạo ra ứng dụng cho phép công ty AI quản lý dữ liệu như Datagen, Pinceone, hoặc lưu trữ các mô hình ngôn ngữ lớn như HuggingFace và Replicate. Tất cả công ty này đều kêu gọi được những nguồn vốn mới trong năm nay.

Với phần cứng, khách hàng chủ yếu là các gã khổng lồ dịch vụ đám mây. Amazon, Alphabet và Microsoft đã lên kế hoạch chi tiêu tổng cộng 120 tỷ USD về phần ứng, tăng gấp rưỡi so với con số 78 tỷ USD của năm 2022. Phần lớn trong số này sẽ được dùng để mở rộng dung lượng đám mây.

Cuối cùng, người hưởng lợi là chủ các tòa nhà cho thuê đặt máy chủ, trung tâm dữ liệu. Khi nhu cầu về điện toán đám mây tăng lên, các tòa nhà của họ cũng dần hết chỗ trống.

Trong nửa cuối năm 2022, tỷ lệ trung tâm dữ liệu chưa có khách chỉ là 3%, thấp kỷ lục. Trung tâm dữ liệu giờ là một các sản phẩm trong danh mục đầu tư của các quỹ quản lý tài sản lớn tại Mỹ và châu Âu.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-thang-lon-tu-mo-vang-ai-post1435604.html