Những người thầy đặc biệt

Không qua trường lớp sư phạm, không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ, những lớp học không có bụi phấn, không có ngày lễ 20/11... nhưng những thầy giáo ấy vẫn đang ngày đêm gieo mầm xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những mảnh đời lầm lỡ. Ðó là câu chuyện về những người truyền nghề, dạy nghề ở Cơ sở Cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

Cơ sở Cai nghiện ma túy hiện có 317 học viên (12 nữ), trong đó cai nghiện tự nguyện 33 học viên; cai nghiện bắt buột 284 học viên. Trong tổng số 317 học viên thì có 16 học viên dưới 18 tuổi. Trong thời gian cai nghiện và điều trị, học viên sẽ được đào tạo nghề. Ðây là một trong những hoạt động giúp học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, sớm tìm được việc làm, có cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy, cho biết: “Hiện tại, tại cơ sở chỉ có một số học viên sinh năm 1968, còn lại ở độ tuổi 20-30. Khi vào cơ sở các học viên sẽ được cắt cơn, sau khi cắt cơn khoảng 15 ngày sẽ cho các em ra lao động trị liệu, để các em nhận thấy giá trị của thành quả lao động. Từ đó, sẽ theo ý nguyện của các em mà bố trí các lớp dạy nghề, truyền nghề. Những nghề này được đào tạo sát với nhu cầu thực tế, tạo cho các em có nghề ổn định, khi hoàn thành thời gian cai nghiện sẽ tìm được công việc, tránh xa ma túy”.

Ghé thăm lớp làm mi của Cơ sở Cai nghiện ma túy, hơn 30 học viên đang cặm cụi chia từng sợi tóc để kết mi. Lớp học này được khai giảng từ đầu năm 2023, qua thời gian hơn 10 tháng học và làm, hiện các em đã thành thạo mỗi công đoạn. Mỗi ngày 30 học viên có thể tạo ra được 10 ngàn sản phẩm.

Anh Trần Văn Trạng đang hướng dẫn các em làm mi.

Anh Trần Văn Trạng đang hướng dẫn các em làm mi.

Một điều bất ngờ là, với nghề cần phải khéo tay, tỉ mỉ này là do anh Trần Văn Trạng hướng dẫn. Anh Trạng chia sẻ: “Trước đây, tôi làm công tác quản lý học viên, đầu năm đơn vị giao cho tôi nhận lớp dạy làm mi cho học viên, từ đó tôi có thêm nghề tay trái. Nghề này nói dễ không dễ, khó thì cũng không quá khó, quan trọng là phải tỉ mỉ, chú tâm, nếu trong lúc làm mà không nghiêm túc thì dễ bị sai sót”.

Khi được phân công nhiệm vụ quản lý và dạy nghề cho học viên, anh Trạng cũng chưa biết gì về làm mi. Anh liên hệ bên xưởng cung cấp để được học nghề, rồi về dạy lại cho các em.

Ngoài lớp làm mi, hiện cơ sở còn 2 lớp truyền nghề khác, điện dân dụng và đan giỏ bằng lục bình.

Anh Võ Văn Nhơn, giáo viên đứng lớp đan giỏ, chia sẻ: “Phía bên công ty chỉ gửi mẫu thành phẩm và các khung sườn có sẵn, chứ họ không xuống đây trực tiếp dạy cho mình. Tự tìm tòi rồi dạy lại cho các em. Có những loại giỏ đan 2 dây, 4 dây, 6 dây... mình phải tìm hiểu. Chưa hết, mình còn phải biết nối dây, dấu mối. Tất cả đều tự học”.

Hơn 18 năm công tác tại cơ sở, dạy nghề cho biết bao lớp học viên, niềm vui của anh Nhơn là: "Mình đã làm tròn sứ mệnh của người thầy, đã truyền thụ được kinh nghiệm về nghề đan, để các em có thể tìm được việc làm ổn định khi về lại địa phương, hòa nhập được với cộng đồng".

Anh Võ Văn Nhơn (áo sọc đỏ) truyền nghề cho biết bao lớp học viên, chỉ với mong muốn các em về lại địa phương có việc làm ổn định.

Anh Võ Văn Nhơn (áo sọc đỏ) truyền nghề cho biết bao lớp học viên, chỉ với mong muốn các em về lại địa phương có việc làm ổn định.

Còn anh Lý Văn Thắng thì tâm tư hơn rất nhiều. 19 năm công tác, anh quản lý rất nhiều lớp học viên. Anh luôn đặt mình vào vị trí của học viên, mỗi khi học viên phạm lỗi, thay vì trách phạt thì anh lại nhẹ nhàng động viên, khuyên bảo. Anh Thắng bộc bạch: “Trước tiên mình hãy xem các em như người nhà, động viên, an ủi, đặc biệt là không được dùng lời lẽ hay hành động kỳ thị. Tránh để các em tổn thương và mặc cảm”.

Ở mỗi học viên đều mang trong lòng một nỗi buồn riêng, một số phận riêng biệt, nên tính cách của các em cũng không hề giống nhau, nên công tác quản lý và đào tạo nghề, truyền nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhân viên ở cơ sở phải linh hoạt trong giáo dục, luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm lý để có biện pháp tiếp cận giáo dục phù hợp. Bởi vậy, không có giáo án chung nào cho một lớp học, mà mỗi học viên cần có cách tiếp cận riêng. Và, việc quản lý, đào tạo dạy nghề cho học viên không chỉ trong khuôn khổ quy định mà cần có lòng bao dung và vị tha.

Các anh chỉ mong rằng sau khi bước ra khỏi cánh cổng của Cở sở cai nghiện các học viên không quay trở lại nơi này vì một lần lầm lỡ nào nữa.

Các anh chỉ mong rằng sau khi bước ra khỏi cánh cổng của Cở sở cai nghiện các học viên không quay trở lại nơi này vì một lần lầm lỡ nào nữa.

Các học viên gặp các anh gọi thầy, vì ngoài truyền dạy nghề, các anh còn dạy cho các em cách sống. Trong những buổi sinh hoạt, các anh nói nhiều về "cái chết trắng", sự quyến rũ của "nàng tiên nâu" và bi kịch của những người lầm đường lạc lối, với mong muốn các em quyết tâm làm lại cuộc đời. Những bài giảng không giáo án, không có đề cương soạn sẵn mà các anh giảng bằng cái tâm, bằng kinh nghiệm sống và bằng trách nhiệm của mình. Gặp gỡ với những người thầy đặc biệt, được tiếp xúc với những học trò đặc biệt, hơn lúc nào hết, chúng ta cảm nhận được tình người nơi đây chan chứa đến nhường nào.

Công việc của nhân viên nơi đây là sát cánh với học viên, động viên học viên thắp sáng niềm tin, hy vọng cho những con người lầm lỡ để sớm trở về với gia đình, với cộng đồng xã hội. Họ chỉ mong rằng, sau khi bước ra khỏi cánh cổng của cơ sở cai nghiện, các học viên không quay trở lại nơi này vì một lần lầm lỡ nữa.

Khi nói những giải pháp thiết thực, tiếp thêm niềm tin cho người sau cai nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, không thể không kể đến những đóng góp của các anh - những thầy giáo đặc biệt./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhung-nguoi-thay-dac-biet-a30119.html