Những người thầy tâm huyết, sáng tạo bên dòng sông Lô

Mỗi thế hệ giáo viên của huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đều để lại những dấu ấn về sự tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục và ngày nay, truyền thống ấy đang được kế tục một cách vẻ vang.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Hương trao giải cho các thí sinh tại Hội thi tiếng hát giáo viên.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Hương trao giải cho các thí sinh tại Hội thi tiếng hát giáo viên.

Đến với các trường của huyện Sông Lô, dù là mầm non, tiểu học hay trung học cơ sở, đâu đâu cũng thấy vẻ trong sáng, ấm áp của tình thầy trò. Vùng đất này vẫn giữ được nét dung dị, mộc mạc của người nông dân chân lấm tay bùn. Vì Sông Lô là huyện nghèo nhất tỉnh, nên thật khó khi đem so sánh thứ hạng của Giáo dục Sông Lô với các địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu không có nỗ lực lớn lao của các thầy, cô giáo trên vùng đất này, làm sao Giáo dục Vĩnh Phúc có thể đứng trong tốp đầu cả nước những năm qua!

Thực tế cho thấy, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tại Sông Lô được triển khai ráo riết với rất nhiều giải pháp, từ tập huấn, bồi dưỡng, sử dụng giáo viên cốt cán, cho đến đổi mới phương pháp quản trị, đánh giá, xếp loại cơ sở giáo dục.

Phong trào thi đua dạy tốt được thực hiện rất nghiêm túc ngay ở bậc học mầm non, được triển khai từ chi bộ đến các đoàn thể, từ ban giám hiệu đến tổ chuyên môn. Các hoạt động, phong trào thi đua của khối mầm non đều được nhận xét, đánh giá ưu, nhược điểm, chứ không làm cho qua quýt.

Cô trò Trường mầm non Hải Lựu thi gói bánh chưng.

Cô trò Trường mầm non Hải Lựu thi gói bánh chưng.

Tại Trường mầm non Hải Lựu, sau dự giờ chuyên môn, đồng nghiệp thẳng thắn góp ý, chỉ ra những hạn chế của nhau. Ban giám hiệu cùng với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thảo luận về hạn chế của từng giáo viên, mỗi buổi dạy để đề ra biện pháp bồi dưỡng. Giáo viên lớn tuổi được phân công đứng lớp cùng với giáo viên trẻ, giáo viên có nhiều thành tích để bù đắp kinh nghiệm và sức trẻ cho nhau. Nhiều cô giáo không chỉ dạy giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của trường và địa phương, như cô Đào Thị Hằng, Tổ trưởng chuyên môn, Bí thư Chi đoàn trường.

Để trẻ được vui chơi và trải nghiệm, các cô giáo Trường mầm non Phương Khoan sử dụng những nguyên, vật liệu sẵn có ở địa phương như tre, trúc, gỗ, lá cọ xây dựng nên góc chợ quê sinh động. Những trò chơi ô ăn quan, kéo mo cau, cắp cua bỏ giỏ từ ngày xửa ngày xưa được tái hiện vui nhộn. Không gian mở ngoài lớp học trở thành địa điểm ưa thích của học sinh.

Các trường tiểu học của Sông Lô tạo thế đứng vững chắc với nhiều cách làm hiệu quả. Riêng môn tiếng Anh, tỷ lệ học sinh lớp 3, 4, 5 hoàn thành tốt và hoàn thành môn học ở mức cao. Hơn 78% học sinh lớp 1 và hơn 79% học sinh lớp 2 được học tiếng Anh, trong đó 3 trường có đủ giáo viên dạy và 11 trường thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Sơn, thầy Hoàng Văn Huy nêu kinh nghiệm: Nhà trường phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phù hợp với năng lực, sở trường từng người, đồng thời quản lý chất lượng chặt chẽ thông qua các kỳ khảo sát. Khí thế làm việc của các thầy, cô giáo rất cao, một phần nhờ cảm hứng từ đội ngũ giáo viên trẻ giàu năng lượng.

Trung học cơ sở Sông Lô - trường chất lượng cao của huyện, đã phát huy ưu thế là cơ sở có nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Hoạt động dạy học của trường không ngừng đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại, khai thác các nguồn học liệu tạo nên những bài giảng sinh động.

Các trường trên địa bàn huyện đều trọng dụng giáo viên giỏi, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên phát huy cao nhất năng lực chuyên môn. Thế mạnh của Trường trung học cơ sở Đức Bác là các môn: sinh học, hóa học, toán, địa lý, lịch sử. Cô Trần Thị Hằng, giáo viên của trường có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng thành công, như sáng kiến “Một số giải pháp tạo hứng thú học tập môn sinh học cho học sinh trung học cơ sở” được thiết kế dựa trên khảo sát mức độ hứng thú của học sinh. Từ sáng kiến này, học sinh thích thú với những nội dung mới, phát biểu nhiều hơn, nhớ bài lâu hơn.

Sau 18 năm công tác, cô Hằng có 11 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3 lần được tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh và 1 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cô cho biết: Hoạt động giao lưu chuyên đề do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức giúp ích rất nhiều cho giáo viên. Bản thân tôi luôn học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của giáo viên khối trung học phổ thông và giáo viên môn sinh học các trường khác, huyện khác để làm giàu kiến thức cho mình.

Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Lô tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng chuyên môn thiết thực, nhất là với những giáo viên cốt cán. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đều tham gia tập huấn các mô-đun bồi dưỡng thường xuyên. Lãnh đạo Phòng tích cực nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục, cả về nguồn lực vật chất và cơ chế, chính sách.

Cô Trần Thị Hằng, giáo viên giỏi nhiều năm liền của Trường trung học cơ sở Đức Bác.

Cô Trần Thị Hằng, giáo viên giỏi nhiều năm liền của Trường trung học cơ sở Đức Bác.

Hoạt động dạy học tiếng Anh theo hình thức xã hội hóa được triển khai tích cực hơn. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động giảng dạy và công tác quản lý. Tất cả các trường trung học cơ sở sử dụng hệ thống sổ điểm điện tử ...

Tự hào về đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, yêu nghề, song, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Hương vẫn trăn trở với vị trí của Giáo dục Sông Lô hiện nay, mong muốn toàn ngành có phát triển đột phá trong những năm học tới.

Để làm được điều đó, theo cô Hương, các lực lượng xã hội cần chung vai, sát cánh với ngành Giáo dục, các nhà trường cần phát huy truyền thống tôn sư, trọng đạo, duy trì kỷ cương học đường. Cần sớm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, bổ sung số giáo viên còn thiếu để bảo đảm tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Còn nhiều điều có thể làm để Giáo dục Sông Lô tiến xa hơn, như giải pháp đột phá đối với cán bộ quản lý giáo dục; cơ chế, chính sách phát triển giáo dục; đổi mới công tác quản trị, điều hành; bảo vệ danh dự nghề nghiệp và uy tín của ngành. Với tâm huyết và ước mơ lớn, thế hệ nhà giáo hôm nay đang biến điều đó thành hiện thực.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-thay-tam-huyet-sang-tao-ben-dong-song-lo-post783077.html