Những người thợ dệt U70 của đồng bào M'nông
Nói đến nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những người phụ nữ S'tiêng với hàm răng đen nhánh, bỏm bẻm nhai trầu, tay mân mê từng sợi chỉ màu thoăn thoắt luồn qua khung dệt. Vậy nhưng ít ai biết rằng, lâu nay cũng có nhiều phụ nữ U70 của đồng bào M'nông vẫn đang ngày đêm giữ và truyền lửa để nghề dệt của dân tộc mình không bị mai một.
Trong hành trình giữ lửa ấy, có một dấu ấn đặc biệt vừa được khắc ghi. Đó là mới đây, ngày 4-8-2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và các xã Đắk Nhau, Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là vinh dự, là điểm tựa tinh thần và là động lực để chính quyền cũng như bà con M’nông bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Nghề của sự tỉ mỉ
Đồng bào M’nông là một trong những tộc người có thời gian sinh sống lâu đời ở Bình Phước, hiện có hơn 10 ngàn người, chiếm khoảng 1,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào M’nông cũng như nhiều dân tộc khác, trong quá trình sinh sống đã sáng tạo và tích lũy qua nhiều thế hệ một số loại hình nghề thủ công truyền thống mang sắc thái đặc trưng của cộng đồng. Trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Những người M’nông lớn tuổi ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cũng không biết nghề dệt của dân tộc mình bắt đầu từ khi nào. Họ chỉ biết rằng khi sinh ra, trong nhà đã có khung dệt. Bà Thị Rai (64 tuổi) ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn cho biết: Lúc nhỏ, tôi thấy các mẹ, các chị dệt nhưng mà tỉ mỉ lắm mới làm ra được sản phẩm. Tôi nhìn hoài thấy hay hay, nhất là lúc dệt xong có thể làm váy, làm khố để mặc, tôi cũng muốn dệt và khi dệt được rồi thì lại mê. Những lúc có việc thì không dệt nhưng cũng nhớ, rồi tôi duy trì nghề dệt cho đến bây giờ!
Để làm ra được một tấm thổ cẩm thông thường, người nhanh thì 1 đến 2 tuần, còn người chậm có khi cả tháng. Đối với những tấm thổ cẩm nhiều hoa văn đặc sắc, kích thước lớn, với tay nghề của một nghệ nhân cũng phải mất 1 năm mới hoàn thành.
Ngày trước, nghề dệt của đồng bào là để làm ra váy, khố phục vụ nhu cầu mặc ấm. Ngày nay, do sự giao thoa văn hóa và tiện ích trong sử dụng nên phần đông thanh niên đồng bào M’nông tìm mua áo quần may sẵn để sử dụng nên những sản phẩm từ nghề dệt cũng bị thu hẹp dần…
Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc bản
Có thể nói, mỗi tấm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật, bởi nó được hoàn thiện qua sự khéo léo và sáng tạo của những người nông dân quen cầm cuốc, có khi không rành con chữ. Và sản phẩm thủ công này có thể coi là tác phẩm độc bản, bởi mỗi tấm thổ cẩm là một sản phẩm duy nhất có kích thước và màu sắc, hoa văn riêng biệt. Chỉ khi có yêu cầu thì các mẹ, các chị mới làm ra tấm thứ hai theo mẫu nhưng cũng không thể trùng khớp hoàn toàn.
Nghệ nhân Thị An Đê đã kiên trì truyền nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình cho các thế hệ phụ nữ trong thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn hơn 15 năm nay. Bà An Đê chia sẻ: “Muốn theo nghề phải kiên trì và đam mê. Nhiều học trò của mình nay có người theo chồng đi xứ khác, có người đi làm ăn xa… nên không biết họ thế nào, chỉ còn một số ít ở lại thôn vẫn duy trì nghề dệt”.
Ngoài dệt để phục vụ nhu cầu của những thành viên trong gia đình, một vài người có tay nghề khéo, tiếng lành đồn xa cũng thường xuyên được đặt hàng để cung cấp cho một số địa chỉ đang làm du lịch ở các địa phương hoặc tỉnh khác. Tuy số lượng không nhiều nhưng đó cũng là niềm vui để họ giữ nghề. Bà Thị Mai, một người thuộc thế hệ U70 ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn chia sẻ: “Tui dệt lâu lắm mới xong một tấm thổ cẩm, vì lớn tuổi rồi, cái chân ngồi lâu nó đau nhức. Khi nào rảnh mới ngồi dệt. Dệt xong có ai hỏi mua thì mình cũng bán”.
“Giá thổ cẩm thường từ 200 đến 800 ngàn đồng tùy tấm. Đặc biệt tấm lớn, đẹp như của bà An Đê làm ra thì 2 triệu một tấm” - bà Thị Rai, người thường xuyên có sản phẩm thổ cẩm được hỏi mua nói thêm.
Gìn giữ nghề truyền thống
Việc đầu tư khá nhiều thời gian mới có một sản phẩm cũng là lý do mà ít người trẻ đủ kiên nhẫn để ngồi vào khung dệt. Thế nên, những người lớn tuổi trong thôn vừa là người giữ nghề vừa động viên con cháu ít nhất biết dệt để lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, để làm được điều này không thể thiếu sự chung tay hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng cho biết: Từ năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đề án truyền dạy nghề truyền thống của dân tộc M’nông, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Lúc đó, bà con mừng lắm, nghề của họ lại được truyền dạy và chính giáo viên là những người lớn tuổi trong làng, trong sóc của họ. Từ cơ sở đó, năm 2015, 2016, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát và lập danh mục những truyền thống tốt đẹp để lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa, trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người M’nông.
Hiện toàn huyện Bù Đăng có hơn 100 hộ gia đình đồng bào M’nông có phụ nữ trong các độ tuổi biết dệt thổ cẩm và đang duy trì nghề. Và những phụ nữ U70 ở đây vẫn là những nhân tố tích cực trong việc giữ gìn, truyền lại nghề dệt thủ công cho con cháu. Họ cũng đang rất hạnh phúc, vinh dự với điều đó, bởi với họ dệt thổ cẩm không chỉ giúp tạo ra sản phẩm mà còn để được ngồi lại gần nhau, chuyện trò, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, gắn kết tình làng nghĩa xóm, cộng đồng bên những khung dệt đầy sắc màu.