Những người trẻ 'bỏ phố' về quê làm nông nghiệp

Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường với tấm bằng loại khá, có nhiều cơ hội để phát triển ở thành phố, nhưng An Văn Tuấn, dân tộc Tày (sinh năm 1991), thôn Ken 1, xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) lại chọn cách trở về quê hương để phát triển mô hình kinh tế từ nông nghiệp.

Giữa lúc đang trăn trở tìm con đường khởi nghiệp thì chàng trai trẻ người dân tộc Tày biết đến Chương trình “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” với nhiều chính sách ưu đãi. Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Vậy nên, chàng kỹ sư trẻ đã tập hợp 6 đoàn viên, thanh niên trong thôn vay vốn, thành lập Hợp tác xã (HTX) Thế Tuấn, chuyên thu gom cây dược liệu để sản xuất, kinh doanh tinh dầu.

Cuối năm 2019, HTX xây dựng xong nhà xưởng, lò đốt và nồi ép để chưng cất tinh dầu. Đầu năm 2020, HTX ra mắt 3 sản phẩm là tinh dầu sả java, tinh dầu đại từ bi và tinh dầu màng tang. Đến nay, HTX có 27 sản phẩm chế biến từ cây sả, đại từ bi, tía tô, màng tang… mang về thu nhập trung bình 60 đến 100 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.

Sinh ra ở vùng đất Tả Củ Tỷ đầy khó khăn của huyện Bắc Hà, ngay từ khi còn nhỏ, Lý Văn Minh (sinh năm 1998), dân tộc Dao đã khát khao học tập để thoát ly khỏi “lũy tre làng”. Thế nhưng, sau khi kết thúc 4 năm học đại học, Minh lại quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với mong muốn mang màu sắc tươi mới hơn cho bức tranh nông nghiệp vùng cao.

Quyết định đi sâu vào chế biến chè nhưng kiến thức, kinh nghiệm gần như bằng không, chàng trai trẻ người Dao đã lên mạng internet học hỏi và tự mày mò, nghiên cứu cách chế biến chè cổ thụ. Minh và các thành viên HTX đầu tư dây chuyền sao sấy chè; hướng dẫn bà con chăm sóc chè cổ thụ theo hướng hữu cơ. “Từ một người không biết uống trà, tôi đã trở thành người “nghiện” trà vì thử sản phẩm quá nhiều lần”, Minh bộc bạch.

Sau khoảng 1 năm nghiên cứu, sản xuất, HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ đã tung ra thị trường một số sản phẩm chè chất lượng cao như trà Shan tuyết cổ thụ, hoa trà Shan tuyết cổ thụ, bạch trà Shan tuyết cổ thụ… HTX cũng khai thác và bán một số loại cây dược liệu (giảo cổ lam, chè dây) và mật ong ra thị trường.

Nhờ chế biến theo phương pháp mới, giữ được hương vị tự nhiên, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ do HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ sản xuất được bán ra thị trường với giá dao động từ 500 đến 600 nghìn đồng/kg, loại đặc biệt có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Nhờ đó, giá thu mua chè búp tươi tại xã Tả Củ Tỷ cũng tăng từ 10 nghìn đồng/kg lên đến 35 nghìn đồng/kg, giúp nâng cao thu nhập và thay đổi nhận thức của người dân về cây chè.

Lý Văn Minh chia sẻ: HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ đang tiếp tục mở rộng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu, dự kiến đạt khoảng 80 ha vào năm 2025, trong đó có 50 ha chè trồng mới và 30 ha trồng dặm. HTX đang tiếp tục nghiên cứu để đa dạng sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao; tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để khai thác tối đa lợi thế cây chè cổ thụ của địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phấn đấu hoàn thiện quy trình sản xuất để đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP và đạt chứng chỉ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Không chỉ An Văn Tuấn, Lý Văn Minh, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng xuất hiện nhiều bạn trẻ thích “bỏ phố về làng” để phát triển mô hình sản xuất từ nông nghiệp. Những mô hình nông nghiệp do giới trẻ làm chủ từng bước chứng minh tính ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực nông nghiệp.

Thế hệ trẻ có tư duy tiến bộ, giàu kiến thức, năng động, sáng tạo đang tạo ra “luồng gió mới”, lan tỏa tinh thần tích cực, góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng hơn cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360807-nhung-nguoi-tre-bo-pho-ve-que-lam-nong-nghiep