Những người trẻ mê hát xẩm cổ

Hát xẩm đang được 'hồi sinh' qua những lớp học dành cho các bạn trẻ có niềm đam mê gìn giữ âm nhạc truyền thống. Những hoạt động truyền dạy hát xẩm cho lớp người trẻ đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục lại sức sống, linh hồn cho nghệ thuật hát xẩm- một loại hình nghệ thuật truyền thống vốn đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian.

Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân trong một buổi dạy hát xẩm.

Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân trong một buổi dạy hát xẩm.

Bé Phạm Quỳnh Anh ở xã Yên Từ (huyện Yên Mô) năm nay mới học lớp 2. Vậy nhưng Quỳnh Anh đã có hơn 1 năm theo học hát xẩm từ nghệ nhân Kim Ngân- Chủ nhiệm CLB xẩm Kim Ngân. Khi chưa biết chữ, Quỳnh Anh học lời theo các anh chị. Mỗi tuần, Quỳnh Anh chỉ tham gia học hát xẩm vào tối chủ nhật. Dẫu vậy, chủ nhiệm CLB hát xẩm Kim Ngân vẫn cảm nhận được niềm đam mê, khả năng cảm thụ, khả năng thuộc lời, kỹ thuật hát… rất tốt của cô học trò nhí.

Lý giải về việc cho con gái đi học hát xẩm từ rất sớm, chị Thu Hiền, mẹ bé Quỳnh Anh cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Yên Nhân. Lớn lên bằng những làn điệu chèo, xẩm êm ả mà mẹ đã hát ru từ thuở nằm nôi và tiếng đàn thánh thót, sâu lắng của cha. Những làn điệu đó đã ngấm vào tôi và tôi đã say mê hát chèo, hát văn, hát xẩm từ đó.

Người dân Yên Nhân quê tôi mê hát chèo và xem đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Người lớn, trẻ em quê tôi ít nhiều đều có thể hát được một vài làn điệu chèo cổ. Bản thân rất có năng khiếu trong các môn nghệ thuật truyền thống đó. Tuy nhiên, lớn lên lập gia đình, bận công tác và chăm sóc con nhỏ nên tôi không còn duy trì được niềm đam mê của mình nữa. Quỳnh Anh là con gái lớn của tôi. Tôi muốn con mình cũng được tưới tắm tâm hồn bởi những điệu xẩm cổ. Vì vậy, khi con vừa vào lớp 1, tôi đã cho con đi học hát. Tôi rất hạnh phúc khi thấy con đam mê và miệt mài luyện bài mới.

Lê Thị Thảo My và em gái Lê Thị Xuân Mai là hai thành viên trẻ tuổi của CLB xẩm chợ Lồng đã dành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật hát xẩm các cấp từ khi còn rất nhỏ tuổi. "Cháu được bà nội hướng dẫn hát những làn điệu đơn giản nhất. Sau vài năm học tập nghiêm túc, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân thì hiện tại cháu đã có thể hát được nhiều làn điệu xẩm như: Thập Ân, Huê tình, Phồn Huế, Tàu điện, Ba bậc... Cháu cũng thường tự học hát bằng cách nghe lại băng đĩa để học theo cách hát của cụ Hà Thị Cầu"- Thảo My chia sẻ.

Với niềm say mê hát xẩm, ngay khi mới 7-8 tuổi, Thảo My đã đi biểu diễn ở những sân khấu lớn và dành được nhiều giải thưởng trong các hội thi hát xẩm của các CLB ở khu vực phía Bắc. Nhưng so với Thảo My thì cô em gái nhỏ Xuân Mai đến với xẩm sớm hơn.

Từ khi mới 5 tuổi, còn chưa biết chữ nhưng Xuân Mai đã học hát xẩm. Ở độ tuổi này, Xuân Mai đã được đi biểu diễn cùng chị gái Thảo My ở hội thi hát xẩm các CLB của 16 tỉnh phía Bắc. Ở cuộc thi này, chị gái Thảo My được giải nhì, bé Xuân Mai đạt giải là thí sinh tài năng nhỏ tuổi nhất và trở thành người hát xẩm nhỏ tuổi nhất Việt Nam.

Hát xẩm vẫn đủ sức để hấp dẫn người trẻ trong thời đại ngày nay.

Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân từng là một trong học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Đặc biệt, bằng khả năng cảm thụ và truyền dạy tốt môn nghệ thuật hát văn, hát xẩm, hát chèo, nghệ nhân ưu tú Kim Ngân đã tham gia các lớp truyền dạy nghệ thuật hát xẩm của huyện.

Từ năm 2014- 2016, nữ nghệ nhân đã tham gia trực tiếp giảng dạy cho hơn 150 em học sinh trên địa bàn. Rất nhiều em học sinh trưởng thành từ lớp học đó đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, của huyện, của tỉnh và đạt nhiều thành tích cao như các em: Mai Thị Hằng, Mai Thị Thúy Hằng, Phạm Như Quỳnh (lớp học tại Yên Nhân), Nguyễn Thành Đạt (xã Yên Mạc), Phan Thị Mỵ (xã Yên Hòa), Nguyễn Thị Huyền (xã Khánh Dương)…

Mới đây, trong năm 2022, cùng Trung tâm văn hóa, Phòng bảo tồn văn hóa tỉnh, nghệ nhân ưu tú Kim Ngân đã mở 3 lớp dạy hát xẩm tại huyện Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Khánh với số lượng học sinh trên 300 người. Đầu năm 2023, bà cũng đã cùng Trung tâm văn hóa tỉnh mở lớp dạy hát xẩm tại huyện Hoa Lư số lượng gần 80 người.

Thông qua các lớp học, các học viên nhỏ tuổi đã hiểu được thế nào là xẩm, sử dụng thành thạo các nhạc cụ như: sênh, phách, trống, nhị... biết được các làn điệu của xẩm như: Hà liễu, Tàu điện, Ba bậc, Thập ân, Riềm huê...và hơn tất cả, là đã khơi gợi được niềm đam mê của người trẻ đối với xẩm.

Bên cạnh đó, nghệ nhân ưu tú Kim Ngân còn là chủ nhiệm của "CLB hát xẩm Yên Nhân" - là một trong số 6 câu lạc bộ xẩm nổi tiếng tính đến thời điểm hiện nay. Các thành viên chủ yếu trong CLB là các em nhỏ có độ tuổi từ 6 đến 20 tuổi. Thời gian đầu, các em được hướng dẫn lý thuyết, luyện âm, nhấn, nhả chữ. Sau đó mới tập phân biệt các thể loại xẩm. Đến nay, đa số các em sử dụng được nhạc cụ, hát được xẩm Thập ân, Tàu điện, xẩm chợ…

Từ các lớp học này, nhiều em đã tham gia biểu diễn tại các hội thi nghệ thuật quần chúng ở địa phương và giành giải cao. Mỗi lần đi biểu diễn, là một lần được đưa xẩm đến gần hơn với số đông dân chúng, mọi lứa tuổi. Qua các buổi biểu diễn hát xẩm, người nghe sẽ dần tiếp cận, hiểu và yêu mến giá trị nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc của từng thanh âm, làn điệu mộc mạc ấy.

Nghệ nhân ưu tú Kim Ngân- chủ nhiệm CLB xẩm Kim Ngân chia sẻ: Tôi đã dạy hát cho hàng trăm học trò. Không ai chọn học hát xẩm như một nghề để mưu sinh trong tương lai, mà các cháu học hát chỉ để thỏa niềm đam mê đối với môn nghệ thuật truyền thống này. Sự kế thừa của người trẻ chính là động lực, là niềm tin để tôi theo đuổi công việc truyền thụ nghệ thuật hát xẩm. Những thế hệ hát xẩm như tôi sẽ không còn đau đáu nỗi lo xẩm bị mai một, thất truyền. Xẩm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác sẽ không bị quên lãng mà vẫn sẽ được lưu truyền và phát triển mạnh mẽ theo thời gian, nhờ có niềm đam mê và trách nhiệm của lớp người trẻ.

Đào Hằng- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-nguoi-tre-me-hat-xam-co/d20230407172012235.htm