Những người truyền giữ hát Then ở xứ Tuyên
Các nghệ nhân hát Then đóng vai trò hạt nhân quan trọng như những ngọn đuốc soi đường, lan tỏa niềm đam về và khơi dậy phong trào rộng khắp các vùng miền...
Hát then - nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO vinh danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2019.
Sự công nhận này khẳng định giá trị văn hóa độc đáo, phong phú và đa dạng của dân tộc Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới.
Chính vì những giá trị quý báu đó, việc bảo tồn và truyền dạy hát Then luôn là mối quan tâm lớn hiện nay.
Vùng đất thấm đượm hồn Then
Xứ Tuyên - nơi mỗi bước chân đều là lời mời gọi khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ như tiên cảnh.
Không chỉ dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên, sức hút khó cưỡng của Tuyên Quang còn nằm ở làn điệu Then mê hoặc lòng người, một trong những nét văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng, Thái.
Khi điệu Then cất lên, tiếng đàn Tính ngân nga vang vọng, hòa quyện với âm thanh của núi rừng và sông nước, tạo nên bản hòa tấu tuyệt đỉnh, chất chứa tất cả tinh túy và bản sắc riêng biệt của vùng đất lịch sử giàu truyền thống cách mạng.
Then không chỉ là những khúc hát, điệu múa dân gian mà còn là thể loại dân ca nghi lễ phong tục có từ lâu đời. Xuất phát từ chữ "Thiên" - nghĩa là Trời, điệu hát Then được người Tày ở Tuyên Quang coi là điệu hát thần tiên, thường xuất hiện trong các nghi lễ như cầu mùa, cầu yên, cấp sắc,...
Then chứa đựng nhiều tinh hoa về đời sống, văn hóa, tâm linh và khát vọng sống hòa thuận với thiên nhiên của con người.
Với gần 25% dân số là người Tày, dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh, di sản Then trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của cộng đồng nơi đây.
Sự hiện diện rộng rãi của nghệ thuật Then trong các lễ hội, nghi lễ và sinh hoạt hàng ngày đã tạo nên một nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc.
Sức sống của hát Then
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các di sản văn hóa là các nghệ nhân gạo cội ngày một già yếu và mất đi, trong khi thế hệ trẻ chưa thực sự cảm nhận và say mê với những giá trị văn hóa cần kế thừa.
Nhận thức được điều này, Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích và tôn vinh các nghệ nhân dân gian đã có công trong việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa dân tộc. Tỉnh đã trình và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 10 Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú.
Trong số này, có 4 nghệ nhân đặc biệt thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian dân tộc Tày, bao gồm: Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm (xã Thanh Tương, huyện Na Hang), Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức (TP. Tuyên Quang) và Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao (xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa).
Những nghệ nhân này đã cống hiến cả cuộc đời để sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then, cũng như tận tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ, đảm bảo rằng những giá trị văn hóa truyền thống không bị lãng quên.
Nếu không có bóng dáng các nghệ nhân thì văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một. Chính vì vậy, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn mời các nghệ nhân tham gia giao lưu, biểu diễn và truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa) - một trong những báu vật sống của văn hóa hát Then, dù năm nay đã 82 tuổi, ông vẫn say sưa hát Then, chơi đàn Tính.
Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Điều luôn khiến tôi trăn trở nhất là tuổi tác và sức khỏe ngày một suy giảm. Mọi năm tôi vẫn đi giao lưu, biểu diễn và truyền dạy hát then ở trên thành phố, nhưng năm nay do tuổi cao sức yếu nên tôi cũng hạn chế hơn".
Tuy nhiên, tình yêu và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống vẫn không ngừng cháy bỏng trong ông. Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn vẫn luôn cố gắng truyền lại những kỹ năng và kiến thức cho những người quan tâm đến hát Then, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông hy vọng rằng, thế hệ trẻ chính là một làn gió mới tiếp nối dòng chảy văn hóa hát Then trong tương lai.
Nỗ lực để lửa Then cháy mãi
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính đang hoạt động sôi nổi, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.
Từ những bước đi đầu tiên, các nghệ nhân đã nỗ lực không ngừng để phong trào hát Then trở nên phổ biến sâu rộng trong cộng đồng.
Tiếp nối những tinh hoa văn hóa của thế hệ trước, cô gái người Tày - Đàm Thị Hiền (30 tuổi) hiện đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương.
Từ khi sinh ra và lớn lên, cái chất văn hóa nguồn cội của người Tày đã ngấm sâu và trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của chị.
Vì lòng say mê với những điệu Then cổ, chị Hiền đã không quản xa, ngại khó tìm đến nhà nghệ nhân Chu Thạch ở xã Hà Lang và nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) để tìm hiểu và học hát Then, chơi đàn Tính.
Nhớ về những ngày tháng ấy, chị Hiền xúc động chia sẻ: “Ngày ấy tuy còn nhiều khó khăn nhưng vì văn hóa người Tày đã ngấm sâu vào máu thịt.
Điều đó thôi thúc tôi phải tìm tòi và quyết tâm học hát Then, đàn Tính với hy vọng rằng có thể gìn giữ được giá trị truyền thống ấy không bị mai một và khiến hát Then, đàn Tính có thể bay cao bay xa hơn nữa".
Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính thôn Quan Hạ dưới sự dẫn dắt của chị Hiền đã trở thành một điểm sáng văn hóa trong cộng đồng ở tỉnh Tuyên Quang.
Với sứ mệnh giữ gìn và phát triển di sản văn hóa truyền thống, câu lạc bộ đã thu hút một lượng lớn những người yêu mến và đam mê hát Then, chơi đàn Tính.
Từ các thành viên trẻ tuổi, chỉ mới 7 tuổi, đến những người cao tuổi, đã trải qua 70 năm cuộc đời, tất cả đều mang trong mình tinh thần và niềm đam mê với những điệu Then cổ, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa sôi động.
Các em nhỏ chỉ mới học lớp 7, lớp 8 đã mê say điệu Then, ngày đi học, tối theo bà theo mẹ đi học hát Then, đàn Tính, cuối tuần đi diễn ở khu du lịch, homestay,… cứ như vậy, họ không chỉ là những người kế thừa mà còn là những người làm nên sự sống động cho nghệ thuật truyền thống.
Em Bàn Thị Diệu Châu (15 tuổi) là một trong những thành viên nhỏ tuổi tích cực của Câu lạc bộ hứng khởi chia sẻ: “Em tham gia câu lạc bộ vào khoảng tháng 10 năm ngoái, ở câu lạc bộ em học hỏi được rất nhiều từ cô Hiền và các cô, các bà. Em mong mình có thể được đi diễn ở nhiều nơi để nhiều người biết đến hát Then".
Sự hăng say của các em là nguồn động viên lớn lao để các thế hệ trước vững tin vào sự trường tồn của Then, mở ra một tương lai và hướng đi mới cho nghệ thuật Then - đàn Tính phát triển.
Chị Đàm Thị Hiền bộc bạch: “Là người dẫn dắt các em từ những bước đầu tiên, tôi rất vui mừng khi thấy các em cố gắng ham học. Có những em dù nhỏ tuổi nhưng đã đi biểu diễn ở khu du lịch Tân Trào.
Đối với tôi, cốt lõi của việc giữ gìn hát Then chính là truyền dạy cho thế hệ trẻ để Then được thấm nhuần từ khi các em còn nhỏ tuổi".
Như vậy, để giữ lửa cho nghệ thuật Then, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này, từ các nghệ nhân, chính quyền đến thế hệ trẻ.
Với những nỗ lực bền bỉ, nghệ thuật Then sẽ tiếp tục tỏa sáng, trở thành niềm tự hào của người dân Tuyên Quang và di sản quý báu của dân tộc Việt Nam.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-nguoi-truyen-giu-hat-then-o-xu-tuyen-271620.html