Những người 'truyền lửa' bảo tồn di sản văn hóa

Được ví như những người 'truyền lửa' cho thế hệ mai sau để thắp sáng những giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở vùng cao, những nghệ nhân dân gian ở các địa phương trong tỉnh Lào Cai đang ngày đêm miệt mài truyền dạy văn hóa cho bà con dân bản, nhất là thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Hoàng Thị Quản truyền dạy làn điệu khắp Nôm cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bình Minh

Nghệ nhân Hoàng Thị Quản truyền dạy làn điệu khắp Nôm cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bình Minh

Tham gia lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Tày do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Yên tổ chức theo Đề án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) say sưa với những vốn liếng được ông sưu tầm ghi chép bao năm nay được truyền lại với mong muốn thế hệ mai sau biết và lưu giữ những giá trị của cha ông, cũng như phát huy nó trong đời sống tinh thần, đặc biệt đối với chương trình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay của nhiều địa phương đang thực hiện biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển du lịch.

Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi tâm sự: Cùng với việc sưu tầm ghi chép, in thành sách, việc mà tôi luôn đau đáu bao năm qua, đó là những giá trị văn hóa của dân tộc Tày được chính những người Tày gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội thường ngày. Thế hệ người già như chúng tôi cũng sẽ yếu dần đi, nếu không truyền lại cho thế hệ trẻ, thì những giá trị văn hóa sẽ mai một và mất dần đi. Tham gia lớp truyền dạy này, tôi rất vui khi thấy lớp trẻ hào hứng đón nhận tiếp thu và có ý thức hơn về việc gìn giữ bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Tày.

Thời gian qua, thực hiện Đề án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, huyện Văn Bàn cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy di sản Khắp Nôm trên địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống.

Bà Phùng Hoàng Oanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả, chúng tôi đã phát huy đội ngũ những nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện để truyền dạy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện tại, trên địa bàn huyện Văn Bàn có 5 nghệ nhân dân gian ở các nhóm dân tộc: Tày, Thái, Mông, Dao đỏ… Ngoài các lớp truyền dạy hát Then, đàn tính còn tổ chức các lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, được đồng bào các dân tộc rất hào hứng, phấn khởi và tích cực tham gia học tập. Đặc biệt, những hạt nhân tham gia các lớp truyền dạy là thành viên các Câu lạc bộ văn nghệ Khắp Nôm, những thanh niên yêu thích và đam mê bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Những giai điệu Khắp Nôm cả lời cổ và lời sáng tác mới được nghệ nhân Hoàng Thị Quản, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn truyền dạy cho bà con người Tày trong các lớp truyền dạy bản sắc văn hóa mới đây theo Đề án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022. Nghệ nhân Hoàng Thị Quản tâm sự: Tôi thực sự vui khi thấy thế hệ trẻ rất tích cực tham gia học hát dân ca Khắp Nôm do tôi truyền dạy. Tôi mong muốn gửi niềm tin vào thế hệ mai sau, biết yêu truyền thống văn hóa dân tộc, biết gìn giữ những bản sắc văn hóa, những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Ảnh: Bình Minh

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Ảnh: Bình Minh

Tỉnh Lào Cai hiện có 30 nghệ nhân dân gian của 25 dân tộc thiểu số. Trong đó có 25 nghệ nhân ưu tú, 2 nghệ nhân nhân dân… Thời gian qua, những nghệ nhân dân gian đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác văn hóa ở địa phương, đặc biệt là ghi chép, sưu tầm và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, trong năm 2022, khi thực hiện Đề án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, thì những nghệ nhân dân gian trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai thêm cơ hội để khẳng định vai trò to lớn như trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy bản sắc văn hóa cho cộng đồng mình.

Tiến sỹ Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Lào Cai khẳng định: Những nghệ nhân là lực lượng nòng cốt, có vai trò to lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là truyền dạy lại cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ. Đến nay, tỉnh Lào Cai có hàng chục di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, không chỉ ghi nhận những nỗ lực của những người làm công tác di sản mà còn có đóng góp rất lớn của các nghệ nhân ở cộng đồng, những người “truyền lửa” di sản cho thế hệ mai sau..

Không chỉ là đam mê, tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc, những nghệ nhân dân gian trong cộng đồng 25 dân tộc thiểu số ở Lào Cai còn mang sứ mệnh “truyền lửa” thắp sáng lòng tự hào dân tộc, tình yêu văn hóa dân tộc, quê hương đất nước mình. Từ những lớp truyền dạy bản sắc văn hóa như: hát Then, đàn tính, dân ca Khắp Nôm, chữ viết Nôm Dao… giá trị văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần ở các thôn bản, cũng như phát huy phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, làm du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-truyen-lua-bao-ton-di-san-van-hoa-post457745.html