Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho học sinh Nguyễn Phương Anh, bị mắc bệnh xương thủy tinh nhưng đã phấn đấu học giỏi, thi đỗ vào lớp 10 của Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Trao giải cuộc thi 'Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh' năm 2020 dành cho người khiếm thị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Anh Lê Hồng Sơn (sinh năm 1979, ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) khi sinh ra đã bị liệt cả hai tay, hai chân bị teo và co quặp ra sau. Vượt lên số phận với nghị lực phi thường, anh đã biến đôi chân yếu thành đôi tay 'khéo' để vừa học, vừa đi làm phụ giúp gia đình, đạt thành tích cao trong học tập. Hiện nay, anh là chủ doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Mạnh Dũng. Trong ảnh: Anh Sơn dùng 'đôi chân đặc biệt' dạy con học. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng em Dương Thị Mai Phương (học sinh lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đã nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cùng bạn bè. Đáng khâm phục hơn, em đã xuất sắc giành giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2020 môn Lịch sử. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Các vận động viên khiếm thị tự tin tham gia thi đấu môn bóng đá tại Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ VI năm 2015 ở thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Niềm hạnh phúc của những cặp vợ chồng khuyết tật trong lễ cưới tập thể cho 50 cặp vợ chồng người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam (27/12/2019). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Vận động viên cử tạ Lê Văn Công ăn mừng sau khi xuất sắc giành huy chương Vàng và lập kỷ lục mới hạng cân 49kg tại ASEAN Para Games 2017 ở Malaysia. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)
Vận động viên khuyết tật tự tin tranh tài vui tươi và sôi nổi ở các nội dung thi đấu tại Hội thi Thể thao Người khuyết tật toàn quốc lần thứ VI, năm 2018 (Đà Nẵng, 7/2018). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Vận động viên Võ Thanh Tùng lập kỷ lục mới tại ASEAN Para Games 2017 ở nội dung bơi 200 mét nam hạng thương tật S5. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được huy chương Vàng ở nội dung này. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc đoạt giải nhất Liên hoan 'Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013' (tên gọi cũ là Cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật) nhằm tôn vinh nét đẹp của nữ thanh niên khuyết tật. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ xưởng may gia công tại khu phố 5, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) là một người khuyết tật. Hàng chục năm hoạt động, xưởng may của bà đã đào tạo cho hàng nghìn công nhân may, trong đó có khoảng 500 người khuyết tật. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)
Chị Đinh Thị Tuyết Đào (phải), chủ cơ sở đan len Phước Đào, 174/12 Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) là người bị bại liệt từ nhỏ. Năm 2006, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường giúp vay vốn xóa đói giảm nghèo, thành lập cơ sở đan móc len thủ công, tạo việc làm cho hơn 40 chị em khu phố có cùng hoàn cảnh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Mặc dù bị tật nguyền, chân tay co quắp, nhưng với ý chí và nghị lực, chị Huỳnh Thị Thảnh, ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã dùng đôi chân vẽ nên những bức tranh đẹp. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, ông Phạm Văn Đáp (phải), Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ may mặc người khuyết tật ở xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Ông Nguyễn Dũng (khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những tấm gương sáng người khuyết tật vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay tín chấp ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông từng bước phát triển mô hình chăn nuôi với phương châm 'lấy ngắn nuôi dài,' cho thu nhập ổn định. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Không may bị dị tật bẩm sinh, khó khăn trong việc đi lại, nhưng anh Lê Văn Lịch (phải) ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được nhiều người biết đến với ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, là điển hình làm kinh tế ở địa phương nhờ việc làm xe lăn điện cho người khuyết tật, tạo việc làm cho những người khuyết tật khác. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Anh Nguyễn Sơn Lâm, sinh năm 1982, quê Quảng Ninh, chỉ cao 90cm, nặng 27 kg, bị teo cả hai chân do di chứng chất độc da cam từ người cha, nhưng với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, anh đã nỗ lực học tập, hoàn thành 2 bằng đại học tiếng Anh và tiếng Nhật, thành thạo giao tiếp tiếng Pháp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội đóng góp sức lực, trí tuệ cho cộng đồng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Anh Nguyễn Sơn Lâm, sinh năm 1982, quê Quảng Ninh, chỉ cao 90cm, nặng 27 kg, bị teo cả hai chân do di chứng chất độc da cam từ người cha, nhưng với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, anh đã nỗ lực học tập, hoàn thành 2 bằng đại học tiếng Anh và tiếng Nhật, thành thạo giao tiếp tiếng Pháp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội đóng góp sức lực, trí tuệ cho cộng đồng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tạo việc làm; đồng thời trợ giúp kinh phí tạo việc làm và thực hiện nhiều công tác từ thiện… giúp gần 200 hội viên từng bước nâng cao đời sống và tự tin hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội khác. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Hội viên Lê Viết Luận (Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) là người thầy truyền nghề chạm khắc cho các hội viên khuyết tật khác. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Là nạn nhân của di chứng chất độc da cam/dioxin, hơn 30 năm nay anh Đỗ Hà Cừ (tổ 35, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) không thể đi lại, chân tay co quắp và nằm một chỗ. Vượt lên số phận, năm 2015, anh và gia đình đã kêu gọi, tìm sự giúp đỡ để xây dựng không gian đọc đặc biệt có tên 'Hy vọng,' thắp lên tình yêu với những cuốn sách. (Ảnh: Thu Hoài-TTXVN)
Thí sinh Phạm Thị Thu Thủy (phải), sinh sống tại Làng trẻ Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng luôn có tinh thần vươn lên để thực hiện ước mơ của riêng mình, tự tin đến dự thi tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Colette. (Ảnh: TTXVN phát)
Anh Lê Huy Tích (sinh năm 1978), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên người khuyết tật Hòa Bình, bị liệt 2 chân do tai nạn giao thông, đã vượt lên số phận, nghiên cứu, mày mò tạo ra chiếc đầu kéo xe lăn để phục vụ việc đi lại cho người khuyết tật. Năm 2018, sản phẩm đầu kéo xe lăn ETIC của anh Tích đoạt giải ba Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh và đoạt giải cuộc thi sáng tạo dành cho người khuyết tật SDG Challenge năm 2019. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Trần Ái Hải Sơn, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước), dị tật di truyền từ người bố bị phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin, là một tấm gương về khát vọng sống, nghị lực vươn lên trước sự khắc nghiệt của số phận. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, khá của trường (4/2016). (Ảnh: K GƯỈH/TTXVN)
Nguyễn Thị Ngọc Tâm (xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Dù bị bệnh tật hành hạ song với mong muốn giúp ích cho đời, cũng là thực hiện ước mơ được làm cô giáo, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để dạy kèm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 ở trong vùng. Lớp học đặc biệt của cô giáo xương thủy tinh Ngọc Tâm tuy nhỏ, không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án nhưng luôn đầy ắp sự yêu thương. (Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN)
Người đàn ông cụt hai tay Hoa Xuân Tứ (sinh năm 1950, trú tại xóm 2, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt qua mọi khó khăn, rèn ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Anh Nguyễn Văn Công, sinh năm 1976, quê xã Kỳ Tân, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị liệt cả 2 chân sau một cơn sốt kéo dài, khiến việc đi lại anh đều phải nhờ vào chiếc xe lăn. Không khuất phục trước số phận, Công luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Hiện anh là nhân viên có tay nghề ở xưởng in lưới của Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Bị nhiễm chất độc da cam từ người cha, anh Nguyễn Kiên (phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị viêm tủy sống, hai chân bị teo, không đi đứng được, thương tật 81%. Tuy nhiên, không lấy đó làm mặc cảm, tự ti, anh Kiên đã vượt lên nỗi đau bệnh tật, trở thành vận động viên khuyết tật môn điền kinh và giành nhiều huy chương trong các giải thể thao toàn quốc. Ngoài ra, anh Kiên còn phụ mẹ đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi bố bị bại liệt. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)