Những người xung phong vào tâm dịch Bình Dương

Từ Quảng Trị, 2 đoàn bác sĩ, nhân viên y tế với tổng cộng 67 thành viên đã nối bước nhau vào Bình Dương để chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Họ lên đường theo 'mệnh lệnh' của trái tim với tinh thần tình nguyện, sẵn sàng tiếp sức cho tâm dịch.

“Mệnh lệnh” từ trái tim

Ngày 29/8/2021, đoàn bác sĩ, nhân viên y tế thứ 2 của tỉnh Quảng Trị với 32 thành viên lên đường vào Bình Dương chống dịch. Cũng vào thời điểm này, chị L.T.H.N., nhân viên Trung tâm Y tế huyện Đakrông, thành viên đoàn bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện vào Bình Dương chống dịch đợt đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2. Vừa trở về quê hương vỏn vẹn 2 ngày, chưa kịp nghỉ ngơi sau 1 tháng căng mình chống dịch ở nơi xa, chị N. đã phải bước vào một “cuộc chiến” mới. Thông tin ấy khiến ai cũng xót xa.

 Bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị điều trị cho bệnh nhân ở tâm dịch Bình Dương - Ảnh: NVCC

Bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị điều trị cho bệnh nhân ở tâm dịch Bình Dương - Ảnh: NVCC

Nhắc đến người đồng nghiệp thân thiết, chị Hồ Thị Việt (sinh năm 1975), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa dành những lời đầy yêu thương, trìu mến. Chị Việt chia sẻ, lúc ở Bình Dương, các bác sĩ, nhân viên y tế trong đoàn thường nói đùa mà rất thật rằng, nếu không may mắc COVID-19, chỉ hy vọng phát bệnh sau ngày trở về để được cách ly, điều trị trên chính quê hương mình. Không phải nghĩ cho mình, các bác sĩ, nhân viên y tế đều sợ tạo thêm áp lực cho công tác phòng, chống COVID-19 vốn chất chồng khó khăn của tỉnh bạn. Cùng tình nguyện vào Bình Dương chống dịch như họ, một số bác sĩ, nhân viên y tế của các tỉnh, thành khác đã được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có trường hợp đang mang thai.

Cũng như nhiều thành viên trong đoàn, quyết định vào tâm dịch tiếp sức cho bệnh nhân COVID-19 của chị Việt là “mệnh lệnh” đến từ trái tim. Làm công tác chữa bệnh cứu người ở vùng cao ngót nghét 25 năm, chị Việt từng đối diện với nhiều đợt dịch bệnh như: Thương hàn, dịch tả, sốt rét… và mới đây nhất là sốt xuất huyết. Thời mới vào nghề, có lần chị đã bật khóc khi thấy một bệnh nhân sốt rét chết ngay trước cổng bệnh viện do người nhà đưa đến muộn.

Thế nhưng, chưa bao giờ chị Việt chứng kiến một trận dịch nào khủng khiếp như COVID-19. Là Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị Việt đã chuẩn bị sẵn 1 túi đồ dùng thiết yếu để lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trước đây, chị không hề nghĩ điểm đến của mình lại ở tít Bình Dương, xa xôi và đầy rẫy khó khăn do đây là vùng tâm dịch.

Chị Việt chia sẻ: “Chị em trong khoa đều có con nhỏ hoặc đang mang thai. Thành ra, khi nhận công văn huy động lực lượng vào miền Nam chống dịch, tôi tự nhủ mình phải lên đường. Điều canh cánh duy nhất trong tôi là xa hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn trong khi ba các cháu công tác xa nhà, lâu lâu mới trở về”.

Không dạn dày tuổi đời, tuổi nghề như chị Việt, bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân (sinh năm 1995) mới về công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Trị chưa đầy nửa năm. Hôm báo với gia đình việc mình sẽ vào miền Nam chống dịch, ba bác sĩ Vân khóc cả đêm vì vừa thương, vừa lo cho con gái. Vân phải quay sang an ủi, động viên ba và mẹ: “Út đi rồi về. Tuổi trẻ thì phải đi chứ”. “Phải đi chứ” - câu nói ấy bắt nguồn từ trái tim của người thầy thuốc. “Thấy dịch bệnh đau thương quá, thấy đồng nghiệp kiệt sức nằm sạp xuống đất trong khi mình thì ở nhà, tôi muốn giúp chút gì đó. Chỉ đơn giản vậy thôi”, bác sĩ Vân dốc lòng.

Ngọn lửa trong tấm áo blouse

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng đoàn bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị tình nguyện vào Bình Dương chống dịch đợt đầu tiên thông tin, hơn 1 tháng qua, các y, bác sĩ trong đoàn đã chăm sóc, điều trị cho khoảng 1.200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp nặng. “Đó là thử thách lớn, nặng nề. Nếu như không có nhiệt huyết với nghề, xem bệnh nhân như người thân thì khó ai gánh vác được nhiệm vụ này”, bác sĩ Dũng khẳng định.

 Nhiều bệnh nhân COVID -19 của các bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị đã cao tuổi nên bệnh dễ diễn biến nặng - Ảnh: NVCC

Nhiều bệnh nhân COVID -19 của các bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị đã cao tuổi nên bệnh dễ diễn biến nặng - Ảnh: NVCC

Trước khi lên đường, bác sĩ Dũng và các thành viên trong đoàn tình nguyện vào Bình Dương chống dịch đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Thế nhưng, khó khăn, thử thách vượt xa những gì họ tiên lượng. Đến Bình Dương, đoàn chia làm 3 nhóm, nhận nhiệm vụ ở 3 điểm điều trị COVID-19 khác nhau, trước khi tập trung tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ngày quần quật với công việc, tối đến, có nhóm phải xếp mấy chiếc bàn gỗ của học sinh lại để ngủ, không màn, không chiếu. Ngoài COVID-19, cái đáng ngại nhất là… kiến ba khoang và dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở địa bàn nơi họ đến. Cũng vì thế nên khi về Bệnh viện dã chiến số 3, đêm đầu tiên nằm ở giường xếp, dẫu vẫn không chăn, không màn, dưới nền còn đầy bụi xi măng nhưng ai cũng ngủ ngon lành.

Quá quen với công việc vốn không dành cho người ưa nhàn nhã nhưng các bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị tình nguyện vào Bình Dương chống dịch vẫn phải gồng mình lên để đảm đương khối lượng công việc khổng lồ, đầy áp lực và nguy hiểm. Ở Bệnh viện dã chiến số 3, trung bình 1 bác sĩ và 2 nhân viên y tế phải lo liệu cho khoảng 200 bệnh nhân COVID-19. Riêng việc mặc đồ bảo hộ leo lên tầng, rồi ghé hàng chục phòng để khám cho từng bệnh nhân đã là thử thách khắc nghiệt.

Dưới lớp áo quần bảo hộ, ai nấy mồ hôi vã ra như tắm, bàn tay nhăn nheo, mặt mày đầy vết hằn do đeo khẩu trang trong thời gian dài… Sau 1 vòng thăm khám, có người gục xuống vì mất nước. Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất của các bác sĩ, nhân viên y tế lại đến từ bệnh nhân. Với các trường hợp bệnh diễn biến nặng, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tấc. Thời điểm đứng ở ranh giới sinh tử, nhiều bệnh nhân quay cuồng tìm lại hơi thở đến mức sẵn sàng tháo bỏ khẩu trang, máy móc, kéo đồ bảo hộ của bác sĩ, nhân viên y tế. Vậy mà, lúc ấy, nỗi sợ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 của các thành viên trong đoàn không còn, thay vào đó là quyết tâm cứu người bệnh.

Phần lớn bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 3 đều có hoàn cảnh khó khăn. Đến phòng bệnh nào, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng gặp những cảnh đời éo le. Đó là những người già yếu không ai chăm sóc; là bà mẹ cùng với 3 đứa con vội vàng đi cách ly, điều trị nên không kịp mang theo thứ gì; có bệnh nhân ngày nào cũng khóc không biết người thân của mình lưu lạc ở đâu, còn sống hay đã mất… Mỗi người một cảnh, điểm chung là ai cũng hoang mang, lo lắng, thậm chí hoảng loạn. Lúc này, ngoài những phác đồ điều trị, điều họ cần là liều thuốc tinh thần. Vì thế, nhiều bệnh nhân rơi nước mắt khi được các bác sĩ, nhân viên y tế bón từng muỗng cháo; tặng những món quà nhỏ; gửi thông điệp yêu thương… Cái tên “thiên thần blouse trắng” cũng ra đời từ đây.

Ở lại và tiếp bước

Hôm chia tay 32 cán bộ, nhân viên y tế vào Bình Dương chống dịch trong đợt 2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh có một bài phát biểu đi vào lòng người. Ông cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song đây là lần thứ 2 tỉnh Quảng Trị cử đoàn bác sĩ, nhân viên y tế vào tâm dịch để hỗ trợ công tác chống dịch cho tỉnh Bình Dương. Việc làm này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đối với miền Nam nói chung, Bình Dương nói riêng.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao tinh thần tự nguyện, lòng quả cảm, sự xông pha, không ngại gian khó, sẵn sàng đến nơi nguy hiểm của các bác sĩ, nhân viên y tế. “Tôi biết rằng rất nhiều người trong số các bạn phải để lại phía sau trách nhiệm của người con, người chồng, người cha, người mẹ để lên đường giúp đỡ những nơi đang gặp khó khăn, vất vả hơn mình; giúp đỡ những người dân đang gặp hiểm nguy do đại dịch. Điều đó chỉ có thể xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết với trái tim ấm áp, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nói.

 Hình ảnh bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân sau ca trực - Ảnh: NVCC

Hình ảnh bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Vân sau ca trực - Ảnh: NVCC

Tuy đã qua 1 tháng nhận nhiệm vụ nhưng 18 bác sĩ, nhân viên y tế vào Bình Dương chống dịch trong đợt đầu tiên vẫn quyết định nán lại tỉnh bạn. Họ về không đặng bởi thấy lực lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở đây còn thiếu, cần sự hỗ trợ của đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước. Mặt khác, các bác sĩ, nhân viên y tế muốn nán lại để bàn giao công việc, chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp tiếp bước. Dẫu biết rất nhiều người đang trông đợi mình ở quê nhà và “cái giá” của việc ở lại là phải đổ rất nhiều mồ hôi, phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhưng ai cũng chấp nhận.

Tôi liên lạc với bác sĩ Nguyễn Tự Đại, Trưởng đoàn bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Trị vào Bình Dương chống dịch đợt hai vào ngày nghỉ lễ. Ở Bệnh viện dã chiến số 3, “cuộc chiến” với COVID-19 của anh và 31 bác sĩ, nhân viên y tế cũng như bệnh nhân vẫn diễn ra khẩn trương, hiếm có thời gian ngơi nghỉ. Qua cuộc điện thoại ngắn ngủi, anh báo tin vui, đoàn đã đề xuất thành công và thiết lập được phòng hồi sức tích cực ICU với những máy móc, trang thiết bị hiện đại. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội sống của những bệnh nhân diễn biến nặng sẽ nhiều hơn. Và tuyến trên cũng vơi đi phần nào áp lực.

“Riêng hôm qua, anh em đã đưa 3 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng từ cõi chết trở về”, anh Đại nói. Tôi biết, đối với anh và các đồng nghiệp, đây có lẽ là món quà vô giá, là niềm động viên lớn lao để họ vượt qua khó khăn, nguy hiểm trong hành trình chia lửa với đồng nghiệp nơi tâm dịch .

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=160669&title=nhung-nguoi-xung-phong-vao-tam-dich-binh-duong