Những nguyên nhân gây biến chứng nguy hiểm khi thai nghén

Trong quá trình thai nghén, các mẹ bầu cần phải theo dõi sức khỏe của mình để tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có.

Dưới đây là những biến chứng mà thai phụ cần đề phòng

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Trong đó tiền sản giật và sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Tình trạng này sẽ trở lại bình thường trong vòng 42 ngày sau sinh, tuy nhiên có thể tiến triển thành tăng huyết áp mãn tính nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng sau đó.

Tăng huyết áp khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Tăng huyết áp khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm và cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng, thậm chí tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp ở thai phụ là: Chế độ dinh dưỡng khi mang thai không khoa học, thai phụ ăn quá mặn. Thai phụ không hoạt động thể chất, không dưỡng thai đúng cách. Tuổi của sản phụ quá cao (trên 35 tuổi). Gia đình có người bị THA. Thai phụ quá cân, trước khi mang thai đã bị bệnh THA, viêm thận mạn tính, đái tháo đường. Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh.

Đa ối, thiểu ối

Đa ối là tình trạng tích tụ quá nhiều nước ối. Nước ối bắt đầu xuất hiện từ khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ và tăng dần, đến tuần thứ 37 sẽ được khoảng 1 lít. Lượng nước sẽ giảm dần và đến tuần thứ 40 thì còn khoảng 0,5 lít. Trong trường hợp lượng nước ối vượt quá 2000ml sẽ được xác định là dư ối, đa ối. Tình trạng này có trầm trọng và nguy hiểm hay không sẽ còn phụ thuộc vào các chỉ số có trong nước ối.

Đa ối khiến bà bầu luôn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi và còn có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Các nguyên nhân gây đa ối bao gồm: mắc tiểu đường trước hoặc trong khi mang bầu. Bà bầu bị các bệnh tán huyết thứ phát gây ra do kháng thể bất thường hay kháng thể Rh. Nếu thai nhi bị bất thường hệ thống thần kinh trung ương như vô sọ, khuyết tật ống nơ ron thần kinh hay bị khuyết tật cấu trúc hệ tiêu hóa cũng có thể dẫn đến tình trạng đa ối. Ngoài ra, tình trạng nhau thai bất thường, u mạch máu màng đệm có thể dẫn đến suy tim thai và gây nên tình trạng đa ối.

Thiểu ối là khi lượng nước ối giảm so với lượng nước ối bình thường tính theo tuổi thai.Thiểu ối có thể gây: chèn ép dây rốn gây suy thai. Cô đặc nước ối, nếu có phân su sẽ gây viêm phổi hít phân su, ngạt lúc sinh. Lâu ngày càng chèn ép thai gây dị dạng cho thai: chân khoèo, thiểu sản một số cơ quan…

Bong nhau thai

Nhau thai là bộ phận quan trọng, giúp kết nối và tiếp nhận dinh dưỡng từ mẹ truyền sang thai nhi. Thông thường, khi thai nhi chào đời nhau thai mới bong ra nhằm đảm bảo nuôi dưỡng thai nhi liên tục. Nhau bong non là một tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ nhau thai tách ra khỏi thành tử cung.

Nhau bong non khiến nhau thai bị bong sớm trước khi thai nhi sẵn sàng chào đời, nghĩa là dòng máu nuôi dưỡng thai nhi đã bị cắt đứt. Mặt khác làm gián đoạn quá trình truyền oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và gây chảy máu nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ bầu. Khi bong nhau thai, người mẹ sẽ cảm thấy đau bụng dù là không thấy chảy máu âm đạo, đặc biệt nếu có máu đông tạo thành giữa thành tử cung và nhau thai nơi bị bong ra.

Với thai nhi dưới 20 tuần, hiện tượng bong nhau thai có thể được xem là một trong những tình trạng dọa sảy thai. Khi thai lớn hơn 20 tuần, tình trạng bóc tách này được gọi là nhau bong non. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào độ bóc tách và số tuổi của thai nhi. Đối với những trường hợp bóc tách 10%, khả năng dưỡng thai khá cao. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ bóc tách ở 3 tháng đầu là 30%, nguy cơ sảy thai là 50%.

Nguyên nhân khiến nhau bong non là: Thai phụ bị tiền sản giật có nguy cơ bị bong nhau non cao hơn. Chấn thương ở vùng bụng. Thủ thuật can thiệp xâm lấn như chọc ối, lấy máu cuống rốn, thủ thuật ngoại xoay thai… Thai phụ hút thuốc lá, cao huyết áp, tiểu đường, mamg thai khi lớn tuổi cũng có nguy cơ bị bong nhau thai.

Ứ mật thai kỳ

Cholestosis thai kỳ còn được gọi là ứ mật trong thai kỳ xảy ra khi gan không thể bài tiết mật đúng cách. Trong thai kỳ, lượng nội tiết tố tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng chảy mật khiến mật trong gan tràn vào máu. Thay vì được đưa về ruột, axit mật đọng lại ở dưới da. Điều này có thể gây ngứa dữ dội đặc biệt là ở tay và chân thường xảy ra muộn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ.Tình trạng này thường không gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe lâu dài của người mẹ, nhưng nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ.

Nguyên nhân nào gây ra ứ mật thai kỳ? Mật được sản xuất bởi gan và được lưu trữ trong túi mật. Từ túi mật đi qua ống mật chung vào tá tràng. Đôi khi, tắc nghẽn bên ngoài gan ngăn không cho mật rời khỏi gan dẫn đến một tình trạng được gọi là ứ mật ngoài gan. Ứ mật trong gan xảy ra khi có vấn đề với quá trình tiết mật khỏi gan. Đây là loại ứ mật thường xảy ra trong thai kỳ. Hormone thai kỳ và đặc biệt là estrogen bổ sung có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động quá mức của túi mật và gan

Khi bị ứ mật thai kỳ, người mẹ có thể có một số vấn đề với việc hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Tuy nhiên, sau khi sinh vài ngày, các vấn đề sẽ trở lại bình thường và không có thêm bất kỳ vấn đề về gan.. Đối với thai nhi có nguy cơ sinh non cao hơn đáng kể nếu người mẹ bị ứ mật.

Bs Nguyễn Tuấn Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nguyen-nhan-gay-bien-chung-nguy-hiem-khi-thai-nghen-169230620142300139.htm