Những nhà báo bám trụ giữa mưa bom ở Dải Gaza

'Bất kỳ ai bám trụ đến cùng sẽ kể tiếp câu chuyện. Chúng tôi đã làm điều chúng tôi có thể. Hãy nhớ về chúng tôi'. Bác sĩ Mahmoud Abu Nujaila viết nguệch ngoạc lời từ biệt này bằng bút mực xanh trên tấm bảng trắng trong Bệnh viện Al-Awda, thành phố Jabalya, vào ngày 20/10/2023, tổ chức Médecins Sans Frontìeres (Bác sĩ không biên giới) cho biết.

Ranh giới sinh tử

Khi Israel mở chiến dịch tấn công quân sự vào Dải Gaza để đáp trả Hamas, nhiều nhà báo ở lại, chấp nhận rủi ro tính mạng để kể câu chuyện ở vùng đất này với thế giới, bất chấp thực tế là những đợt bắn phá liên tục đã biến các khu dân cư thành đống đổ nát.

Các gia đình bị chia cắt bởi cái chết và buộc phải di dời; nguy cơ chết đói rình rập. Cho đến nay, 129 trong số hơn 250 con tin bị Hamas bắt giữ từ Israel được cho là vẫn bị giam giữ ở dải đất hẹp.

Bị mắc kẹt ở Dải Gaza cùng dân địa phương, các phóng viên người Palestine trở thành tai mắt của những người sống trong sự thống khổ vì bom đạn. Khi phóng viên bên ngoài hầu như không thể vào đây, những bức ảnh, thước phim và bài viết của họ cho thế giới thấy những gì đang xảy ra.

Ít nhất 97 nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng kể từ tháng 10 năm ngoái, trong đó 92 là người Palestine, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết.

Dải Gaza trở thành khu vực nguy hiểm nhất đối với các nhà báo kể từ năm 1992, khi CPJ bắt đầu thu thập dữ liệu. Các nhà báo ở đó cho biết họ bị ám ảnh bởi cái chết của đồng nghiệp, phải cân bằng giữa nhiệm vụ đưa tin với việc cố gắng bảo vệ gia đình mình.

Các phóng viên mất nhà phải làm việc trong những căn lều tạm bợ và có thể bị Israel tấn công bất kỳ lúc nào. Một số người cho biết họ buộc phải rời khỏi nhà mà không có bất kỳ phương tiện tác nghiệp hay đồ bảo hộ nào, mà chỉ có chiếc điện thoại di động để cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra.

Thi thể của 2 nhà báo Palestine Mohammed Soboh và Saeed Al-Taweel được đưa đi sau khi họ thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào tòa nhà ở thành phố Gaza ngày 10/10/2023. Ảnh: Reuters

Thi thể của 2 nhà báo Palestine Mohammed Soboh và Saeed Al-Taweel được đưa đi sau khi họ thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào tòa nhà ở thành phố Gaza ngày 10/10/2023. Ảnh: Reuters

Họ phải tìm những chỗ cao để có thể gửi video đi, phải tranh thủ mọi cơ hội trong tình cảnh mất điện và gián đoạn tín hiệu, trong khi lực lượng Israel liên tục pháo kích. Hình ảnh ông Wael Al-Dahdouh, giám đốc văn phòng hãng tin Al-Jazeera ở Dải Gaza, run rẩy vì đau đớn sau khi 12 thành viên trong gia đình ông thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào trung tâm Dải Gaza hồi tháng 10 năm ngoái trở thành biểu tượng cho hoàn cảnh khó khăn của các nhà báo làm việc ở đó.

“Chúng tôi đưa tin về cuộc chiến ở Dải Gaza vì đây là nghĩa vụ nghề nghiệp của chúng tôi. Đó là nhiệm vụ chúng tôi được giao phó. Chúng tôi thách thức sự chiếm đóng của Israel. Chúng tôi thách thức hoàn cảnh khó khăn và thực tế của cuộc chiến này”, Mariam Abu Dagga, 31 tuổi, phóng viên ảnh của báo Independent Arab, nói với CNN.

Cảnh tượng tan hoang ở Dải Gaza. Ảnh: AA

Cảnh tượng tan hoang ở Dải Gaza. Ảnh: AA

Các tổ chức nhân quyền đã nhiều lần kêu gọi bảo vệ nhà báo trong khu vực này. Chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo “những cuộc tấn công có chủ đích và giết chết các nhà báo là tội ác chiến tranh”. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không phản hồi đề nghị bình luận về cáo buộc của một số nhà báo về mối đe dọa đối với sự an toàn của các phóng viên làm việc tại Dải Gaza.

Mariam Abu Dagga, phóng viên ảnh của tổ chức truyền thông Palestine Ả-rập Độc lập, cho biết chỉ một số ít nhà báo nước ngoài được phép vào Dải Gaza, nhưng họ phải phối hợp với IDF và có thể phải gửi đoạn phim của họ cho quân đội Israel xem trước. Cả Israel và Ai Cập đến nay vẫn từ chối cho phép các nhà báo quốc tế tự do tiếp cận dải đất này, với lý do họ không thể đảm bảo an toàn cho việc tác nghiệp.

Ít thời gian để đau buồn

Abu Dagga kể rằng cha mẹ mình ở phía bắc Dải Gaza rất lo lắng khi cô phải ra ngoài làm việc, sau khi họ nghe tin về nhiều đồng nghiệp của cô đã thiệt mạng trong chiến tranh. Những người như cô cảm thấy day dứt khi phải bỏ lại người thân ở lại, nhưng vẫn cố gắng kể lại câu chuyện của Dải Gaza với bên ngoài.

Sau hơn 7 tháng chiến tranh, Abu Dagga cho biết cô cũng muốn rời đi. “Không có nơi nào cho chúng tôi sống. Chúng tôi bị pháo kích liên tục và trở thành mục tiêu”, cô nói với CNN.

Cũng như Abu Dagga, phóng viên ảnh Mohammad Ahmed đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Ahmed vẫn nhớ như in khoảnh khắc mảnh đạn găm vào chân anh khi Israel tấn công tòa nhà ở Jabalya, phía bắc Dải Gaza, ngày 17/12/2023.

Những đám mây bụi bay mù mịt, mọi người la hét điên cuồng. Phóng viên ảnh của đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT kể rằng chiếc áo khoác giúp anh tránh đòn giáng vào bụng, nhưng các bác sĩ không thể loại bỏ mảnh đạn găm vào đùi phải của anh. “Tôi nhìn thấy nhiều người nằm trên đường… Nhiều mảnh thi thể nằm rải rác khắp nơi”, anh kể.

Ít nhất 97 nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng kể từ tháng 10 năm ngoái, trong đó 92 là người Palestine, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cho biết.

Ông bố có 3 con cho biết anh luôn bị giày vò khi ghi lại những cảnh tượng chiến tranh, khi chứng kiến những đứa trẻ kêu cứu từ dưới đống đổ nát hay những người Palestine bị thương đầy rẫy trong bệnh viện sau mỗi cuộc tấn công của Israel. Ahmed đôi khi phải ngừng quay phim để kìm nén cảm xúc.

“Tôi cũng là một con người. Nhiều khi tôi phải ngừng quay phim và cố gắng tìm nơi trống trải để khóc… Những cảnh này ảnh hưởng đến chúng tôi vô cùng vì đó là những người của chúng tôi, họ là con người và giống như những đứa con của chúng tôi”, anh nói.

Anh vẫn chưa gặp con trai Adnan từ khi cậu chào đời cách đây 3 tháng. Khi đang mang thai, vợ anh cùng 2 con gái di tản xuống Rafah rồi sang Ai Cập từ tháng 11 năm ngoái. Cha mẹ và anh chị em của anh phải sơ tán khắp nơi, nhưng anh có rất ít thời gian để đau buồn về những gì đã mất.

“Với tính chất công việc của mình, tôi biết mình không thể ở bên cạnh gia đình trong thời gian chiến tranh… Tôi chắc chắn rằng cuộc chiến này sẽ lớn hơn tất cả chúng tôi. Chúng tôi muốn chiếu những cảnh mà họ (Israel) không muốn. Chúng tôi có thể truyền tải thực tế mà họ đang cố che đậy … Chúng tôi muốn truyền tải sự thật”, Ahmed nói.

“Với tính chất công việc của mình, tôi biết mình không thể ở bên cạnh gia đình trong thời gian chiến tranh… Tôi chắc chắn rằng cuộc chiến này sẽ lớn hơn tất cả chúng tôi… Chúng tôi muốn truyền tải sự thật”. Mohammad Ahmed - phóng viên ảnh đài TRT

Các nhà báo sống sót cho biết họ quyết tâm tôn vinh di sản của những đồng nghiệp đã thiệt mạng. Theo hãng thông tấn Wafa của Palestine, Saeed Al-Taweel, tổng biên tập trang web tin tức Al-Khamsa, thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ngày 10/10/2023, ở phía tây thành phố Gaza.

Alaa Abu Mohsen, đồng nghiệp đã trú ẩn cùng Al-Taweel vào đêm ông thiệt mạng, cho biết Al-Taweel đến quay phim tòa tháp Hajja ở thành phố Gaza khi nơi đó bị tấn công. “Tôi chạy đi tìm Saeed, thấy ông ấy nằm trên mặt đất ở ngã tư nối Phoenix và Hajja… Sau đó, tôi chuyển thi thể của ông ấy về cho gia đình ở Rafah”, Mohsen kể.

Al-Taweel được người dân Palestine biết đến rộng rãi qua chương trình buổi sáng “Akhabr ‘Arrei” (nghĩa là “Tin tức khi bụng đói”). “Mất Saeed là thiệt hại to lớn của báo chí và cả xã hội. Nếu không có các nhà báo, làm sao thế giới có thể biết về chúng tôi, biết chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi và hiểu được câu chuyện của người Palestine?”, Alaa Abu Mohsen, một đồng nghiệp của Al-Taweel, nhận định.

Thu Loan (theo CNN)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-nha-bao-bam-tru-giua-mua-bom-o-dai-gaza-post1647737.tpo