Những nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp 'trồng người'

Trong xã hội Việt Nam, người thầy luôn có một vị trí đặc biệt. Chính thầy, cô là người đã 'chắp cánh' cho những ước mơ của từng thế hệ học sinh bay cao, bay xa. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với những thầy giáo, cô giáo mang trên vai sứ mệnh 'trồng người' mà xã hội tin tưởng trao cho.

* Thầy Thạch Song - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (TP. Sóc Trăng): Người cán bộ quản lý giàu năng lực và tâm huyết

Có 25 năm gắn bó với ngôi trường THPT dân tộc nội trú, nơi giáo dục con em đồng bào dân tộc, với thầy Song, trường chính là “gia đình thứ hai” và những lớp học trò chính là những đứa con thân yêu của mình. Thầy luôn dùng tình cảm để đối đãi với các em, bởi với hoàn cảnh học tập nội trú, người thầy không chỉ giữ vai trò truyền đạt tri thức, mà còn phải trực tiếp quan tâm đến học trò để kịp thời động viên, uốn nắn các em. Thầy Song cho biết: “Để duy trì sĩ số và tạo môi trường cho các em yên tâm học tập thì bản thân phải tâm huyết với công tác giáo dục dân tộc. Đây là điểm mạnh của bản thân tôi, vì tôi có nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục các em học sinh về bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của đồng bào Khmer, đặc biệt là luôn quan tâm đến đời sống của học sinh, kể cả vật chất lẫn tinh thần để cho các em yên tâm học hành”.

Từ giáo viên dạy bộ môn, với năng lực và tâm huyết với nghề, năm 2008 thầy được lãnh đạo tín nhiệm giao nhiệm vụ là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương và là hiệu trưởng nhà trường từ năm 2013 cho đến nay. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện nhà trường, thầy đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, chọn phương pháp tối ưu, phù hợp nhất để chỉ đạo các tổ chuyên môn, chuyển tải kiến thức đến học sinh. Song song đó, thầy còn có những sáng kiến, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh được đánh giá cao như: một số biện pháp quản lý học sinh phổ thông dân tộc nội trú; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong trường phổ thông dân tộc nội trú; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông dân tộc nội trú. Dưới sự quản lý của thầy, chất lượng giáo dục của nhà trường được tăng dần qua từng năm, cụ thể: tỷ lệ hạnh kiểm của học sinh từ khá trở lên đạt trên 95%, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây đều đạt 100%, hàng năm số học sinh tốt nghiệp THPT được vào học các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học đạt trên 80%…

Với những kết quả đó, nhiều năm liền nhà trường đạt tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen và được Bộ Công an tặng cờ thi đua xuất sắc về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Riêng thầy Song có 11 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cùng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, thầy còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

* Cô Sơn Thị Út - giáo viên Trường Tiểu học B Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú): Hết lòng vì học sinh thân yêu

Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô chính là gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm. Cô luôn nghiêm túc với công việc của mình nhưng cũng rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh. Xuất phát từ sự tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ nhỏ, cô luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến, nhiều năm liên tục là giáo viên dạy giỏi.

Bao thế hệ học sinh cô từng dạy dỗ nay đã thành đạt, nên người. Cùng với việc dạy chữ, cô rất quan tâm tới việc dạy người, giáo dục các em về ý chí, nghị lực, niềm tin, lòng bao dung, nhân hậu. Chia sẻ với chúng tôi, cô Út tâm sự: “Đối với học sinh tiểu học, không chỉ dạy về kiến thức mà thầy, cô giáo còn phải rèn các em về nề nếp, ý thức học hành. Hơn nữa, kiến thức bậc tiểu học rất quan trọng, tạo nền tảng để chuyển cấp học, nếu học sinh nắm vững thì sẽ học tốt ở những bậc học tiếp theo. Chính vì vậy, tôi luôn tìm tòi phương pháp trong giảng dạy, trong soạn giáo án, sử dụng đồ dùng dạy học nhằm giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hiểu”.

Với trách nhiệm là tổ trưởng chuyên môn, cô cùng với các thành viên trong tổ luôn đoàn kết, đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có hiệu quả ở từng vị trí, từng điều kiện cụ thể. Đồng thời cô còn có những sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong giáo dục học sinh của trường và nhân rộng trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc giảng dạy, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh. Phần lớn học sinh là con em nông dân lao động, một số phụ huynh đi làm ăn xa nên điều kiện quan tâm, chăm sóc của phụ huynh với các em không nhiều. Vì vậy, cô luôn gần gũi, động viên các em, cô thường dành thời gian chuyện trò với học sinh để hiểu rõ từng hoàn cảnh, từ đó có hướng giúp đỡ cụ thể. Với những học sinh chưa hoàn thành về mặt học tập, cô có kế hoạch bồi dưỡng riêng và phối hợp phụ huynh cùng hỗ trợ các em. Chính sự tận tâm, tình thương yêu của cô giáo đã giúp học sinh lớp học do cô phụ trách ngày càng tiến bộ, với tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học luôn được duy trì đạt 100%.

35 năm công tác trong ngành giáo dục, bản thân cô Út không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ nhiều giáo viên trẻ cùng trường trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

* Cô Phạm Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo 30-4 (TP. Sóc Trăng): Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ

Đến với nghề dạy học bởi nhiều lẽ, ngành sư phạm với cô Phạm Thị Hương như một dòng chảy dài khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng có lẽ quan trọng nhất là bởi vì cô yêu những ánh mắt biết nói của trẻ thơ, vẻ bỡ ngỡ mà đầy tò mò ham hiểu biết của các em, bởi ước muốn được xây những nấc thang đầu tiên trong bước đường đi đến thành công của từng lớp học sinh.

Năm 1998, cô trở thành cô giáo mầm non và ngôi trường đầu tiên cô nhận quyết định về công tác là Trường Mẫu giáo Măng non (nay là Trường Mầm non Sao Mai). Đến năm 2012, cô là giáo viên Trường Mẫu giáo Phường 2 (nay là Trường Mẫu giáo Vàng Anh). Là giáo viên mầm non, đối với cô không chỉ được chuẩn bị bằng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, mà còn phải khéo léo trong văn hóa ứng xử và thật nhẫn nại, kiên trì trong giáo dục học sinh, với tinh thần “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Cứ thế, cô miệt mài, cố gắng vươn lên bằng tất cả tâm huyết với lòng say mê, yêu nghề, mến trẻ. Trái ngọt đã đến khi cô là một trong những giáo viên được tuyên dương là giáo viên tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm học 2017 - 2018, được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô Hương tâm sự: “Niềm vui của tôi như càng được nhân lên, kết quả mà tôi có được ngày hôm nay một phần do sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, quan trọng vẫn là công ơn dìu dắt của các thầy cô, các đồng nghiệp đi trước đã truyền cho tôi ngọn lửa yêu nghề, là sự chung vai sát cánh của đội ngũ giáo viên nhà trường cùng tôi vượt qua những khó khăn, là niềm tin của phụ huynh, là ánh mắt đáng yêu của con trẻ. Tất cả những điều đó sẽ là nguồn động lực lớn cho tôi vững vàng bước tiếp trên con đường mình đã chọn”.

Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác ở trường, khi về nhà cô còn là người vợ, người mẹ đảm đang, luôn chăm sóc các thành viên trong tổ ấm của mình bằng tất cả tình thương yêu, bởi theo cô đó là trách nhiệm thiêng liêng của người phụ nữ. Gia đình đã tạo thêm động lực giúp cô vươn lên trong cuộc sống, trong nghề nghiệp. Mới đây, cô được luân chuyển và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo 30-4. Nhờ có năng lực, sự cống hiến hết mình và tâm đức vốn có đã giúp cô có được những thành công. Cho dù ở bất cứ cương vị nào, là người giáo viên trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm cán bộ quản lý, cô giáo Phạm Thị Hương vẫn thể hiện được vai trò đầy trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mỗi người một tấm lòng, một cách thể hiện trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Mỗi thầy giáo, cô giáo như thầy Thạch Song, cô Sơn Thị Út, cô Phạm Thị Hương cùng bao tấm gương nhà giáo tiêu biểu khác đã và đang ngày đêm rèn chữ, rèn nết người cho học sinh, sự trưởng thành của các em học sinh chính là niềm vui, là món quà đối với thầy cô.

H.NHƯ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/giao-duc/nhung-nha-giao-het-long-vi-su-nghiep-trong-nguoi-43444.html