Những nhà giáo ưu tú tận tụy gieo chữ 'trồng người'
Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ của quê hương, đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình phấn khởi với những thành tích và kết quả đạt được trong năm vừa qua. Đóng góp vào thành tích chung của ngành không thể không kể đến những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu sáng tạo; những nhà giáo ưu tú (NGƯT) hàng ngày đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT, lan tỏa sự nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp
Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ của quê hương, đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình phấn khởi với những thành tích và kết quả đạt được trong năm vừa qua. Đóng góp vào thành tích chung của ngành không thể không kể đến những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu sáng tạo; những nhà giáo ưu tú (NGƯT) hàng ngày đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT, lan tỏa sự nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp "trồng người".
![Các giáo viên vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_31_431_51378241/c82e05573919d0478908.jpg)
Các giáo viên vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2024.
Gieo chữ trên vùng đất khó
Với nhiệt huyết, tình yêu nghề, NGƯT Phạm Thị Thơm, Trường TH&THCS Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình, hiện là Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trải qua những năm tháng vô cùng gian khó với học sinh vùng hồ Hòa Bình ngay khi bước vào nghề giáo. Cô giáo Thơm từng gắn bó 19 năm tại Trường tiểu học xã Tiền Phong và Trường tiểu học xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc từ tháng 9/1995 - 8/2014. Cô Thơm chia sẻ: Tôi còn nhớ như in những buổi đầu đứng lớp, rất ngỡ ngàng khi biết học sinh lớp 3 đang học cũng bằng tuổi mình. Trong suốt nhiều năm sau đó, ngoài giờ dạy học, cô Thơm thường xuyên chèo thuyền đến các bản để vận động học sinh đến lớp. Việc cô biết chèo thuyền cũng là do học sinh dạy.
Những năm tháng gieo chữ trên vùng hồ khi đường sá chưa được đầu tư nên đi lại khó khăn, 1 - 2 tháng cô Thơm mới về gia đình một lần tại thị trấn Đà Bắc bằng thuyền hàng, thuyền của Bưu điện trên hồ Hòa Bình. Thời gian gắn bó với ngôi trường vùng hồ còn nhiều thiếu thốn đã để lại không ít kỷ niệm nghề nghiệp, khiến cô càng yêu học trò vùng khó khăn và nỗ lực với nghề hơn.
Trong quá trình công tác, cô Thơm đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học; giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong học tập. Tham gia ôn luyện học sinh giỏi môn Toán, môn tiếng Việt đạt nhiều giải cao với 191 giải cấp trường; 126 giải cấp thành phố; 16 em đoạt giải cấp tỉnh và 11 giải cấp quốc gia. Cô cũng giúp đỡ 4 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; chủ trì 4 sáng kiến và đồng tác giả 1 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp thành phố công nhận và ứng dụng...
Công tác tại xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) - xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, NGƯT Phạm Thị Thu Hương cũng là một trong những NGƯT điển hình của ngành GD&ĐT tỉnh. Cô Hương hiện là Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Văn Nghĩa, cô đã vượt qua nhiều khó khăn gắn bó với trường, lớp, trong đó có 11 năm trực tiếp giảng dạy.
Với vai trò là Phó Hiệu trưởng, cô Hương luôn tiên phong trong đổi mới công tác quản lý, tập trung bồi dưỡng nâng cao đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Cô cũng tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong công tác phổ cập giáo dục. Tâm niệm "có thầy giỏi mới có trò giỏi", cô Hương không chỉ nỗ lực khi còn đứng lớp mà đến khi làm công tác quản lý vẫn không ngừng trau dồi nâng cao trình độ. Đồng thời luôn động viên, khuyến khích thầy, cô giáo, đồng nghiệp tích cực học tập, trang bị kiến thức mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Tuyển chọn, chăm lo, bồi dưỡng những học sinh giỏi, điển hình học tốt, lấy đó làm điểm nhấn để giáo dục động cơ học tập cho tất cả học sinh, xóa tự ti, mặc cảm vùng khó khăn, xây dựng khát vọng vươn lên cho các em.
Quá trình công tác, cô Hương không ngừng cố gắng vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác quản lý được giao. Ngoài có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cô còn giúp đỡ, bồi dưỡng gần 50 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Cô có 15 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3 lần được công nhận và đoạt giải ba Hội thi Hiệu trưởng giỏi cấp tỉnh; 8 lần đạt giáo viên giỏi cấp huyện; 8 lần được tặng bằng khen cấp tỉnh, bộ.
Những hạt nhân tạo sự lan tỏa
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở vùng khó khăn thì vai trò của các thế hệ giáo viên vô cùng quan trọng. Tỉnh Hòa Bình có đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với nghề, yêu thương học trò và những NGƯT đều là điển hình trong sự nghiệp "trồng người".
Ngay từ đầu năm 2024, nhiều nhà giáo của tỉnh vinh dự được trao tặng danh hiệu NGƯT - danh hiệu tôn vinh các thầy, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đây là những nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc, có uy tín, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội; đi đầu trong đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học…
Kết quả xét tặng danh hiệu NGƯT lần thứ 16 - năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 9 nhà giáo được phong tặng NGƯT, gồm các nhà giáo: Phan Mai Anh, Vũ Thị Kim Thanh, Nguyễn Phú Thành, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; Lê Thị Kim Oanh - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, Hà Thị Phương Hoa - giáo viên Trường tiểu học Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Thực - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, Phạm Thị Thơm - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Quỳnh Lâm, TP Hòa Bình; Khương Thị Thanh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng, huyện Cao Phong; Phạm Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn.
Các nhà giáo đều có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 23 - 27 năm, trong đó, NGƯT Lê Thị Kim Oanh có 9 năm giảng dạy tại vùng đặc biệt khó khăn, NGƯT Phạm Thị Thơm có 19 năm công tác, giảng dạy tại vùng hồ đặc biệt khó khăn. Các nhà giáo đều có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là giáo viên tiêu biểu xuất sắc trong đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, có tầm ảnh hưởng đối với công tác chuyên môn trong toàn ngành; là những giáo viên đi đầu trong công tác chuyên môn, được học sinh, đồng nghiệp đánh giá cao; đạt tỷ lệ tín nhiệm quần chúng từ 88,8% trở lên và Hội đồng cấp cơ sở đạt 100%.
![Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Thơm cùng các học trò Trường TH&THCS Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_01_31_431_51378241/e5b02bc91787fed9a796.jpg)
Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Thơm cùng các học trò Trường TH&THCS Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).
Tự hào về những NGƯT được trao tặng danh hiệu trong năm 2024, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT phấn khởi: Mỗi giáo viên được trao tặng danh hiệu NGƯT không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của gia đình, mà còn là niềm vinh dự đối với toàn ngành GD&ĐT và của tỉnh Hòa Bình. Với vinh dự đạt được, mong muốn mỗi NGƯT tiếp tục phát huy tinh thần cầu thị, không ngừng học hỏi và rèn luyện, trau dồi đạo đức nhà giáo, trình độ chuyên môn, luôn là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo để đồng nghiệp, học sinh noi theo.
Một mùa Xuân mới đang về, tiết Xuân tràn ngập các thôn bản, làng quê. "Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Lời Bác căn dặn về trồng cây - trồng người luôn được đội ngũ nhà giáo khắc ghi. Tiếp nối những mùa Xuân "trồng người", ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình tự hào có những nhà giáo tận tâm, tận tụy, nỗ lực vì sự nghiệp "trồng người”. Đây cũng là những hạt nhân tạo sự lan tỏa, là tấm gương sáng, động lực khích lệ đội ngũ giáo viên trong tỉnh phấn đấu, cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là những địa bàn còn khó khăn của tỉnh.