Những nhân tố điển hình trong phong trào nghiên cứu khoa học

Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn), Chủ nhiệm dự án "Nghiên cứu tuyển chọn một số giống lúa thuần tại tỉnh Bắc Kạn" cho biết: Để thực hiện, nhóm tác giả đã nghiên cứu tuyển chọn 12 giống thuần (DT68, PC6, P9, PC26, GL101, GL102, GL107, GL159, P6ĐB, HT6, ĐS1, NL7) và giống thuần để đối chứng là Khang dân 18. Sau 3 năm, Dự án đã lựa chọn được 3 giống lúa thuần (PC6, HT6, DT68) có khả năng sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, điều kiện canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Tham quan mô hình dự án.

Từ thực tế cho thấy, cả 3 giống lúa thuần (PC6, HT6, DT68) đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt bình quân từ 55 - 60 tạ/ha. Trong đó, giống PC6 có ưu điểm là ngắn ngày thích hợp tăng vụ, phát triển ở các vùng chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.

"Các giống lúa PC6, HT6 và DT68 sau đó được đưa vào chỉ đạo cơ cấu giống của tỉnh. Trong đó, diện tích sử dụng giống lúa PC6 đã được mở rộng ra hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp bà con nông dân có thêm lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của gia đình, tăng năng suất và góp phần tăng thu nhập", chị Nguyễn Thị Hồng- Chủ nhiệm dự án cho biết thêm.

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngoài cùng bên phải) được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Dự án “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống lúa thuần tại tỉnh Bắc Kạn” do chị Nguyễn Thị Hồng làm chủ nhiệm đã được đánh giá xếp loại xuất sắc. Với thành tích trong công tác và những đóng góp cho ngành KH&CN của tỉnh, mới đây, chị Hồng được tôn vinh là “Trí thức tiêu biểu về KH&CN” của tỉnh.

Cùng với đội ngũ trí thức, trên địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân với sự cần cù, sáng tạo và đam mê nghiên cứu, tích cực tham gia nhiều cuộc thi của tỉnh, của Trung ương về khoa học sáng tạo và đạt giải cao. Trong đó có anh Hoàng Văn Duẩn ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn).

Từ thực tế công việc của gia đình, qua quá trình tìm hiểu, rút kinh nghiệm, tháng 9/2022, anh Hoàng Văn Duẩn đã hoàn thiện “Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” được chế tạo dựa trên nguyên lý cơ khí thủy lực gắn ở phía sau xe có thể nâng, hạ trọng lượng khá lớn. Áp dụng vào thực tế, sáng kiến "Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” cho thấy có thể dễ dàng chuyển đổi chức năng từ máy cày, máy kéo nông nghiệp sang lắp đặt các thiết bị để gắp, nâng, xúc ủi...

Các tính năng của “Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” rất dễ dàng chuyển đổi, với bốc xếp gỗ, có thể thay thế tương đương sức làm của hơn 20 lao động; có thể xử lý được các công việc của xe nâng, máy xúc, máy ủi mà mức đầu tư chỉ bằng 1/10. Hiện thiết bị này đang được ứng dụng trong sản xuất của chính gia đình anh Hoàng Văn Duẩn và phục vụ nhu cầu của bà con địa phương.

Anh Hoàng Văn Duẩn (người đầu tiên bên trái) giới thiệu về sản phẩm nghiên cứu của mình.

Giải pháp sáng tạo “Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” của anh Hoàng Văn Duẩn đã giành giải Nhất tại Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ IX (2021 - 2022). Với nhiều thành tích trong nghiên cứu, sáng tạo, năm 2023, anh Hoàng Văn Duẩn nằm trong danh sách "100 nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, tôn vinh. Tháng 5/2024, anh Hoàng Văn Duẩn được tôn vinh là "Điển hình lao động sáng tạo" của tỉnh.

Nhằm khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, ươm mầm tài năng trẻ trong lĩnh vực KH&CN, thời gian qua, Liên hiệp Hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, Sở KH&CN, Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi khác nhau. Các hoạt động này đã tạo sự lan tỏa, thu hút được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Em Nông Hồng Minh được tôn vinh là “Tài năng trẻ về KH&CN” của tỉnh.

Kỳ nghỉ hè năm học lớp 11, khi biết thông tin Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn phát động Cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6", năm 2022, em Nông Hồng Minh ở tổ 9, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) đã đăng ký tham gia với mô hình “Thiết bị lặn không người lái” được chế tạo từ các ống nhựa PVC và một số linh kiện điện tử. Sản phẩm hoàn toàn có thể ứng dụng thực tế trong việc lặn, thăm dò, tìm kiếm và truyền dữ liệu hình ảnh trong nhiều điều kiện môi trường nước.

"Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp đội ngũ trí thức của tỉnh. Đồng thời, tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc thi liên quan tới KH&CN, đẩy mạnh các hoạt động nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh và phát huy vai trò của những người làm công tác nghiên cứu KH&CN, để KH&CN có nhiều đóng góp hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", TS. Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn cho biết./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhung-nhan-to-dien-hinh-trong-phong-trao-nghien-cuu-khoa-hoc-post64188.html