Những nhóm hàng 'hot' nhất các tập đoàn thu mua quốc tế săn lùng tại Viet Nam International Sourcing 2024
Hàng loạt các đại siêu thị, các nhà phân phối bán lẻ và các đoàn thu mua quốc tế đang lên danh sách chi tiết mua sắm 5 nhóm hàng từ các nhà cung ứng tiềm năng Việt Nam.
Theo thông tin từ Ban tổ chức Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2024), bên cạnh nhóm hàng “ăn khách” là thực phẩm, năm nay các nhà mua hàng đặc biệt quan tâm đến nhóm hàng dệt may và phụ kiện thời trang; giày dép, ba lô, túi xách và phụ kiện; đồ thể thao và thiết bị; đồ gia dụng và nội thất.
Sức hút từ Chuỗi sự kiện năm nay được Ban tổ chức đánh giá vượt trội so với năm 2023, khi ngay từ thời điểm này đã thu hút sự đăng ký tham gia đông đảo của đại diện các hãng phân phối lớn, các doanh nghiệp thu mua từ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chi-lê, Venezuela, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Italia, Nga, Latvia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, UAE, A-rập Xê-út, Malaysia, Trung Quốc, Đài Bắc, Hồng Kông, Ấn Độ, Australia, New Zealand...
Dự kiến, trong ba ngày diễn ra Chuỗi sự kiện từ ngày 6 - 8/6, Viet Nam Sourcing sẽ thu hút 10.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 300 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có thể kể đến hàng loạt các đại siêu thị nổi tiếng toàn cầu, với danh sách thu mua đa dạng và thị phần áp đảo tại rất nhiều các quốc gia phát triển, bảo chứng cho sự thành công của chuỗi sự kiện, như Aeon, Uniqlo (Nhật bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Group (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)...
Đây cũng là các nhà thu mua có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt trước những biến động của thị trường thế giới, đồng thời đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của hàng hóa Made-in-Viet Nam và khả năng đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Điểm đáng chú ý của Viet Nam Sourcing 2024 đó là ngoài sự tham gia của những “ông lớn” thu mua quốc tế, chuỗi sự kiện năm nay còn nhận được sự quan tâm rất đa dạng của các nhà thu mua trung cấp, là chuyên gia mua hàng của các hệ thống các siêu thị chuyên ngành, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giảm giá, chuỗi siêu thị phục vụ người châu Á, các công ty thương mại chuyên nhập khẩu để cung ứng theo các ngành hàng riêng biệt cho các chuỗi siêu thị trên toàn cầu, đến từ nhiều thị trường mới, có tiêu chuẩn không quá khắt khe như Nam Mỹ, Trung đông và Đông Âu.
Các đại gia bán lẻ tìm kiếm hàng “hot” nào?
Với đà tăng trưởng trở lại của ngành dệt may, da giày trong nước, nhu cầu tìm kiếm đối tác kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam của các doanh nghiệp quốc tế tăng vượt bậc từ đầu năm đến nay.
Theo chia sẻ từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, trong tổng số hàng trăm đoàn thu mua quốc tế dự kiến “đổ bộ” vào Việt Nam trong tháng 6 tới, rất nhiều đoàn bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác bền vững trong lĩnh vực dệt may, da giày.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý I/2024 khởi sắc, đạt 9,57 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó, xuất khẩu nhóm ngành da giày, túi xách đạt 5,69 tỷ USD, tăng trưởng 10,5%. Nhóm các mặt hàng đồ thể thao và thiết bị, bao gồm cả máy chạy bộ cũng được các hệ thống đại siêu thị, các hãng phân phối “lùng sục” tìm kiếm nhà cung cấp nội địa.
Thông qua tham dự chuỗi sự kiện năm trước, một số doanh nghiệp sản xuất đồ dụng cụ thể thao nội địa đã ký kết được hợp đồng, đưa trực tiếp hàng hóa của mình vào hơn 100 cửa hàng của hệ thống Falabella – hãng bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ La Tinh. Cùng với đó, nhóm hàng đồ gia dụng và nội thất, bao gồm các sản phẩm từ vật liệu gỗ, cao su, nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà thu mua quốc tế.
Một số tập đoàn lớn chia sẻ chi tiết với ban tổ chức mục tiêu và số lượng thu mua quy mô lớn trong một số ngành hàng phi thực phẩm thông qua việc tham dự Sourcing 2024. Trong đó, Tập đoàn Coppel của Mexico hiện có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn lên đến 500.000 chiếc lốp ô tô con hàng năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hãng bán lẻ danh tiếng này cũng đặc biệt quan tâm đến các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện công nghệ, đồ nội thất gia dụng.
Bên cạnh đó, nhiều hãng phân phối đặt kỳ vọng, với số lượng doanh nghiệp tham gia và quy mô tăng gần gấp đôi so với lần tổ chức đầu tiên, chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" sắp tới sẽ tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu.
Tại cuộc tọa đàm với các nhà phân phối do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới Walmart cho biết, Việt Nam đang là 1 địa điểm thu mua chiến lược của Tập đoàn, trong top 5 trên thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á. Việt Nam đang cung ứng lượng hàng hóa giá trị khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023 cho hệ thống Walmart với hơn 10.500 siêu thị tại 19 nước trên thế giới, từ điện tử, dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh…
“Định hướng của tập đoàn trong thời gian tới là ưu tiên phát triển các nhà cung ứng địa phương, tạo điều kiện cho họ cung cấp trực tiếp hàng vào Walmart thay vì chỉ là nhà sản xuất thứ cấp”- ông Trọng nói.
Đối với AEON, đại gia bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, việc thu mua từ thị trường Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi động. AEON đặt mục tiêu thu mua gấp đôi trong năm 2024 và 1 tỷ USD vào năm 2025. Tại Viet Nam Sourcing 2024, AEON sẽ tổ chức các đoàn thu mua từ Nhật bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Malaysia vào Việt Nam.