Những nhóm ngành nào cần nhiều nhân lực trình độ đại học trong tương lai?

Nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn. Khoa học máy tính, Y Dược, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ Sinh học... nằm trong 18 ngành nghề cần lao động tốt nghiệp đại học được Bộ GD&ĐT thống kê.

Mục tiêu đối với Giáo dục đại học được đặt ra Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội ngày 09 tháng 01 năm 2023: đến 2030, tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân.

Tại dự thảo hồ sơ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GD&ĐT nhận định, nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn. Đó là xu hướng chuyển đổi sang các lĩnh vực công nghệ cao (các lĩnh vực công nghệ cao như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu...), với sự phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Việc dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành nghề ở Việt Nam phụ thuộc vào tình hình và xu thế phát triển của từng lĩnh vực.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, một số nhóm ngành cần nhiều nhân lực trình độ đại học có thể kể đến như: Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện; Công nghệ Cơ khí - Tự động hóa, Điện - Điện tử; Công nghệ thực phẩm, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Nông - Lâm - Ngư; Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Mỹ thuật ứng dụng; Kinh tế – Thương mại, Du lịch và lữ hành, Nhà hàng - Khách sạn; Y, Dược, Chăm sóc sức khỏe - Chăm sóc sắc đẹp; SP giáo dục, Tâm lý - Xã hội…

Sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng trong một tiết học trên giảng đường. Ảnh minh họa

Sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng trong một tiết học trên giảng đường. Ảnh minh họa

Cụ thể: Nhân lực có trình độ đại học trong các ngành đều đòi hỏi phải đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, chú trọng đến việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho lao động.

Nhân lực có trình độ của ngành Nông nghiệp không chỉ tạo ra việc làm mà còn phải giúp cải thiện sản phẩm nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhân lực có trình độ của ngành công nghiệp phải thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp sản xuất điện tử, ô tô, máy móc, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

Nhân lực ngành dịch vụ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng và giải trí, cùng với việc tăng cường đầu tư vào dịch vụ công nghệ thông tin.

Y tế là một trong những ngành nghề quan trọng tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các định hướng phát triển nhân lực trong ngành này bao gồm tăng cường đào tạo các chuyên môn mới như y học phân tử, y học gen... và đẩy mạnh việc nâng cao trình độ của các bác sĩ và y tá, tăng tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân.

Định hướng nhu cầu bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học được xác định trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

Đến năm 2025: Đạt chỉ tiêu 15 bác sĩ và 2,8 dược sĩ đại học (25 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân.

Đến năm 2030: Đạt chỉ tiêu 19 bác sĩ và 3,0 dược sĩ đại học (33 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân.

Định hướng đến 2050: Đạt chỉ tiêu 35 bác sĩ (90 điều dưỡng viên) trên 10.000 dân.

Dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số luợng bác sĩ và điều dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng qua các năm và có sự thiếu hụt lớn sau năm 2030, đặc biệt là điều dưỡng (thiếu hụt về điều dưỡng nhiều gấp đôi so với thiếu hụt bác sĩ).

Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng. Phân tích dự báo nhu cầu nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng theo từng vùng KT-XH, số lượng bác sĩ và điều dưỡng cần đuợc bổ sung trong từng vùng như sau: Vùng Trung du Miền núi phía Bắc: khoảng 21.000 bác sĩ và 41.000 điều dưỡng; vùng Đồng bằng sông Hồng: khoảng 43.500 bác sĩ và 76.100 điều dưỡng; vùng Bắc Trung bộ Duyên Hải miền Trung: khoảng 33.400 bác sĩ và 59.800 điều dưỡng;

Vùng Tây Nguyên: khoảng 11.200 bác sĩ và 20.400 điều dưỡng; vùng Đông Nam bộ: khoảng 34.900 bác sĩ và 61.700 điều dưỡng; vùng Đồng bằng sông Cửu Long: khoảng 29.400 bác sĩ và 54.900 điều dưỡng. Giai đoạn đến năm 2050, nếu tính theo mức trung bình của các nước OECD thì cả nuớc cần bổ sung thêm khoảng 498.000 bác sĩ và 1,3 triệu điều dưỡng (so với năm 2030).

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nhom-nganh-nao-can-nhieu-nhan-luc-trinh-do-dai-hoc-trong-tuong-lai-169231126084720116.htm