Những niềm ưu tư gửi vào Xã tắc

Những ngày đầu xuân Tân Sửu, nhà văn Trần Quốc Cưỡng vui mừng chào đón đứa con tinh thần thứ 11 của mình - tập truyện ngắn Xã tắc. Tập truyện gồm 18 truyện ngắn được anh sáng tác trong những năm gần đây, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành.

Viết về lịch sử là điều không hề dễ, bởi đòi hỏi nhà văn phải là người đọc nhiều, cần phải có con mắt tinh tường để khai thác những chi tiết độc đáo liên quan đến nhân vật lịch sử. Dường như nhà văn Trần Quốc Cưỡng đã nhận ra được điều đó, nên khi chọn đề tài lịch sử, anh rất kỹ càng trong việc chọn chi tiết đắt giá để bắt gọn thần thái của họ.

Trong truyện ngắn Xã tắc, phác họa con người Trần Hưng Đạo, nhà văn chỉ chọn chi tiết Thoát Hoan xin yết kiến Quốc Công để “xin hài cốt của Toa Đô đem về cố quốc cho vợ ông ấy đỡ tủi”, qua cuộc trao đổi, Hưng Đạo Đại vương tỏ rõ tinh thần tự cường của dân tộc ta: “Địa hình, núi, sông, đầm lầy và lòng dân của chúng tôi sẽ mãi mãi là bát quái trận đồ giam hãm, nhấn chìm quân giặc”.

Một thái sư Trần Thủ Độ luôn xếp chuyện riêng của gia đình, đề cao quốc gia, dân tộc “Vì giang sơn nhà Trần mà tôi làm khổ bà, làm khổ con Chiêu Thánh, con Thuận Thiên, vậy mà chỉ có việc cỏn con bà nhờ tôi, tôi cũng không giúp được. Kiếp này tôi nợ bà nhiều lắm!”. Một thượng hoàng Trần Nhân Tông “áo nâu sồng, đầu quấn khăn màu đà, chân dận giày cỏ, tay nải lặng lẽ bộ hành tìm đường lên núi Yên Tử”. Họ là những con người vì xã tắc mà trở nên mạnh mẽ để chống giặc, hoặc chọn lối sống tu hành giản dị để gìn giữ giang sơn.

Nhận định về truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng khi đứa con tinh thần đầu tiên của anh ra đời - tập truyện Mùa bướm vàng bay, nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiền viết: “Các truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng ngập tràn tình yêu thương con người”. Đó cũng chính là mạch ngầm xuyên suốt trong những năm cầm bút của Trần Quốc Cưỡng. Bạn đọc có thể nhận ra rằng hầu hết những tác phẩm của anh trong Xã tắc đều có thiên hướng nhìn con người ở góc độ thiện cảm, sẻ chia. Nước - nhân vật trong truyện ngắn cùng tên, luôn khao khát được học hành bài bản.

Dù nhà nghèo, phải phụ chạy bàn quán cà phê, làm công nhân công ty may với đồng lương ít ỏi của người chưa đủ tuổi lao động, nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, kể cả chồng cô ghen tuông, đánh đập, hành hạ, vẫn quyết tâm học xong cao đẳng du lịch và khẳng định mình trong xã hội. Đó là nhân vật vô danh trong Gã vào tù ra tội vì bồng bột của tuổi trẻ, hoàn lương, gã về quê cưới vợ, sống bằng nghề trồng rau, quyết làm lại cuộc đời. Đó là Thủy - tay lái lụa thuyền ba lá ở miền sông nước, mơ ước làm nghề lái tàu thủy vượt biển trong Đi về phía mặt trời. Chuyến đi biển dài ngày đầu tiên của Thủy là hướng về Trường Sa.

Nhân vật trong truyện ngắn Trần Quốc Cưỡng chân phương, hồn hậu, được gắn kết bền chặt bởi những giá trị truyền thống. Văn của anh, vì thế, có tính giáo dục cao. Lê Xuân Hoàng từng nhận định: “Dù quen hay lạ, điểm đặc sắc nhất của Trần Quốc Cưỡng chính là cách giải quyết tình huống nhất quán ở hai khía cạnh: Tính bất ngờ và giá trị nhân văn”.

Nhìn chung, anh vẫn thường nhìn cuộc sống bằng con mắt thương cảm. Những nhân vật của anh ít góc cạnh, thường sống trọn đạo lý làm người. Đọc truyện Trần Quốc Cưỡng, vì thế ta cũng đồng tình với tác giả ở chỗ trong cuộc sống xô bồ hiện nay, vẫn còn nhiều người luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Và nghĩa cử của họ như là một minh chứng cho niềm tin vào những điều tốt đẹp đó.

Truyện của Trần Quốc Cưỡng mạnh về tình tiết. Anh biết cách xây dựng các chi tiết sống động, giàu kịch tính xoay quanh nhân vật chính, để rồi “mở nút” một cách nhẹ nhàng. Nhiều tình tiết trong truyện cứ thôi thúc người đọc lật mở từng khía cạnh của nhân vật. Nhiều truyện ngắn hay của Trần Quốc Cưỡng trong tập này thường lấy không gian nghệ thuật là vùng biển, làng chài - nơi anh đã gắn bó cả phần đời và am tường về nó nhất. Ở đó, anh thỏa sức xây dựng nhân vật mang đặc trưng chất biển: hiền hậu, chân chất, can trường và yêu quê hương đất nước theo cách riêng của họ.

Có thể thấy rằng Trần Quốc Cưỡng dường như vẫn chưa hài lòng với những “đứa con tinh thần” của mình. Anh vẫn miệt mài trên hành trình đầy gian khổ này, vẫn âm thầm góp nhặt cho đời bằng chính sức lực và tình yêu văn chương nơi trái tim anh. Người đọc có quyền chờ đợi những ấn phẩm có giá trị tiếp theo của anh trong thời gian tới.

LÊ KIM TÁM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/253040/nhung-niem-uu-tu-gui-vao-xa-tac.html