Những nỗ lực của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam

Trong sự nghiệp bảo vệ 'lá phổi xanh', bảo tồn đa dạng sinh học không thể không kể đến sự đóng góp to lớn, bền bỉ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV và PTR) tỉnh Quảng Nam.

Trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển, Quỹ BV và PTR tỉnh Quảng Nam đã không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan để triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Chính sách này đã trở thành công cụ tài chính hữu hiệu, góp phần huy động nguồn lực lớn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vừa giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên hưởng lợi từ tổ chức, cá nhân cho đến cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên rừng.

Tính đến năm 2024, toàn tỉnh Quảng Nam đã có trên 312.000ha rừng tự nhiên thuộc 13 huyện được chi trả từ nguồn DVMTR, chiếm khoảng 67% tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Hoạt động thu phí DVMTR được triển khai tại 80 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó có 36 nhà máy thủy điện, 14 đơn vị cung cấp nước sạch và 30 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nước công nghiệp.

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng trong trường học.

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng trong trường học.

Nguồn kinh phí từ DVMTR được phân bổ về cho 44 đơn vị chủ rừng, bao gồm: 11 ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, 13 UBND cấp xã cùng 18 cộng đồng dân cư thôn. Bên cạnh đó, Quỹ cũng đã tiếp nhận và quản lý nguồn tiền trồng rừng từ 65 dự án đầu tư, góp phần hình thành quỹ tài chính ổn định, phục vụ lâu dài cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không chỉ là giải pháp tài chính chiến lược mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp các chủ rừng, chính quyền địa phương và cộng đồng tổ chức quản lý rừng hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện thành công chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

Cụ thể, tại huyện Tây Giang, nơi lâu nay luôn được biết đến với khối tài sản rừng vô giá, đó là rừng di sản với nét nguyên sơ hùng vĩ của những cội Pơ Mu già, cội Đỗ quyên, Thiết lim có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi. Từ khi Nghị định 99 năm 2010 về chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách quyết liệt, cụ thể của lực lượng kiểm lâm tỉnh, những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm ở đây đã thật sự được bảo tồn và hồi sinh.

Chính quyền huyện Tây Giang và các xã trên địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu về quản lý, bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình tại thôn Bơ Nin, xã Lăng, huyện Tây Giang có đến 143 hộ tham gia bảo vệ gần 2.454ha rừng theo hình thức khoán, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và bảo tồn các cánh rừng nguyên sinh và hệ sinh thái tại đây.

Lãnh đạo Quỹ BV và PTR tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng kiểm lâm và những người làm công tác bảo vệ rừng, bảo tồn động thực vật hoang dã thì vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ sinh cảnh, sự đa dạng loài tại tỉnh Quảng Nam là vô cùng to lớn. Từ sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp chính quyền đến từng hộ gia đình đã góp phần nâng cao nhận thức, đẩy lùi được nạn săn bắt, chặt phá hiệu quả so với trước đây.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt trong hành trình bảo tồn khi Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia, với chuỗi hoạt động sôi nổi từ tháng 3 đến tháng 12, thu hút sự chú ý rộng rãi. Các tổ chức quốc tế như WWF, GreenViet, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam… đã đóng vai trò quan trọng trong các dự án giám sát, nghiên cứu và truyền thông.

Không chỉ hỗ trợ chuyên môn, cung cấp thiết bị mà các tổ chức này còn thúc đẩy các giải pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng - một mô hình hiệu quả và bền vững. Các nhóm cộng đồng như Aréc, Aréh, Tiên Phong… đang trở thành “cánh tay nối dài” cho lực lượng kiểm lâm, vừa bảo vệ động vật hoang dã, vừa lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng của rừng.

Công tác tuyên truyền, phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế đã tiếp cận được nhiều nhóm cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, hướng đến một chiến lược bảo tồn bền vững lâu dài cho địa phương và khu vực.

Xác định muốn giữ gìn những cánh rừng xanh, bảo vệ những loài động, thực vật quý hiếm đang dần biến mất, điều cần thiết là phải bắt đầu từ những hạt giống của tương lai, đó chính là thế hệ trẻ, thời gian qua, Quỹ BV và PTR tỉnh Quảng Nam đã tăng cường công tác giáo dục cho các em tình yêu thiên nhiên và nhận thức đúng đắn về giá trị của rừng, của muôn loài. Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, đó là hành trình nuôi dưỡng tình yêu, khơi dậy trách nhiệm và trao cho thế hệ mai sau một lý tưởng: sống hòa hợp và bảo vệ thiên nhiên như chính mái nhà của mình.

Mong rằng, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, rừng Quảng Nam sẽ vẫn luôn là mái nhà an toàn cho các loài động thực vật quý hiếm sinh sống. Để hôm nay và mãi sau này, Quảng Nam vẫn luôn giữ vững được vị thế là địa phương có hệ sinh thái rừng phong phú nhất Việt Nam.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhung-no-luc-cua-quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-tinh-quang-nam-i769316/