Những nội dung cơ bản và mới trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XIII) về 'Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao'

Ngày 16/6/2022, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 4 Nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, là Nghị quyết 18, 19, 20 và Nghị quyết số 21. Báo Ninh Bình xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS, TS. Nguyễn Viết Thông về Những nội dung cơ bản và mới trong Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XIII) về 'Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao' (NQ số 18).

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

1. Nghị quyết đã đánh giá rõ tình hình và nguyên nhân

a. Về kết quả

Nghị quyết khẳng định: Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (tháng 10/2012) đã đạt được những kết quả sau:

- Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bố và sử dụng đất đai.

- Chính sách giao đất, cho thuê đất từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội; đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi được bảo đảm tốt hơn.

- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực.

b. Về hạn chế

Nghị quyết chỉ rõ: Công tác quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế:

- Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chưa đầy đủ; Luật Đất đai và một số luật có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất.

- Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa đảm bảo tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ.

- Công tác giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số địa phương còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và với các quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

- Cải cách hành chính về đất đai còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

- Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về đất đai chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu ổn định và chưa được đầu tư tăng cường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, đơn, thư tố cáo về đất đai có xu hướng tăng; nhiều vụ việc chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội (thời gian qua có hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai).

c. Về nguyên nhân của hạn chế

Nghị quyết chỉ rõ: Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

- Do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đến quản lý và sử dụng đất; nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ.

- Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế.

- Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai còn chậm, chưa đầy đủ, chưa nghiêm, còn có sai phạm.

- Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, dứt điểm và chưa đúng pháp luật.

2. Nghị quyết xác định rõ các quan điểm chỉ đạo

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII xác định 5 quan điểm:

- Quan điểm 1 về sở hữu đất đai: Một lần nữa Nghị quyết khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng đã xác định rõ hơn nội hàm 2 nội dung:

+ Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững.

+ Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với các địa phương.

- Quan điểm 2 về quyền sử dụng đất:

+ Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

+ Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

+ Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

- Quan điểm 3 về thể chế, chính sách: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

- Quan điểm 4 về quản lý và giải quyết những bất cập, vướng mắc: Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về đất đai. Hiện đại hóa công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai một cách tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý, với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền; giữa Trung ương và địa phương; giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn.

- Quan điểm 5 về trách nhiệm của các chủ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

3. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu

- Mục tiêu tổng quát: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bố đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; nguồn lực đất đai được vốn hóa, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

- Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: (1) Ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. (2) Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. (3) Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. (4) Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất tôn giáo; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Mục tiêu đến năm 2030: (1) Hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (2) Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái.

4. Nghị quyết xác định rõ hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp

Một là, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(1) - Thống nhất nhận thức về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được trao quyền sử dụng đất.

(2) - Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, đồng thời cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội; được bảo vệ, không để bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(1) - Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí cho việc lập quy hoạch sử dụng đất.

(2) - Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

(3) - Hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và quy định của Luật Đất đai nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, cần có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tránh tình trạng khi thu hồi đất xong thì người dân không có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

(4) - Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm xác định, quyết định giá đất, giám sát, kiểm tra..., có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên; bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch.

(5) - Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thực hiện chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng.

Về cơ bản thực hiện theo hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm, trừ trường hợp đặc biệt sẽ được trả tiền thuê đất một lần theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với tình hình, tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước.

(6) - Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

(7) - Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp quy hoạch. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất. Ưu tiên giao đất đối với đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất.

(8) - Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai

(1) - Kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai. Hoàn thiện phân quyền, phân cấp trong việc thực hiện đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và có sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.

(2) - Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ; bảo đảm quản lý, vận hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng

(1) - Đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, giám sát, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về đất đai; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất.

(2) - Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, thực hiện phương châm giải quyết các tranh chấp từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương.

Năm là, tập trung giải quyết về cơ bản các tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất

Tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp tập trung đông người đã di dời ra khỏi trung tâm các đô thị lớn.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất

(1) - Đẩy mạnh và đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho mọi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, nhất là đối với các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai và phải chịu trách nhiệm nếu để các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý vi phạm pháp luật để trục lợi, gây thất thoát, sử dụng lãng phí đất đai.

(2) - Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành pháp luật về đất đai để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả./.

PGS, TS. Nguyễn Viết Thông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-noi-dung-co-ban-va-moi-trong-nghi-quyet-t-u-5-khoa/d20220720155158854.htm