Những nội dung cốt lõi, tiến bộ của Hiến pháp đầu tiên
Hiến pháp năm 1946 của nước ta chỉ có 70 điều ngắn gọn nhưng hàm súc, chứa đựng tư tưởng lập hiến rất tiến bộ trên các phương diện.
Ngay sau khi giành được nền độc lập, với tư tưởng tiến bộ về xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân trên cơ sở lấy dân làm gốc, với trí tuệ uyên bác và tầm nhìn thời đại, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương thực hiện Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, để sớm ban hành Hiến pháp.
Mục đích nhằm xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân kiểu mới, trên một cơ sở một nền pháp lý vững chắc; xác lập và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi người dân Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc để củng cố và giữ vững nền độc lập.
Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đến ngày 09/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Kỳ họp thứ 2, khóa I) đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946. Sự kiện này đánh dấu một bước nhảy vọt trong đời sống chính trị của dân tộc Việt Nam và lịch sử lập pháp Việt Nam khi lần đầu tiên một thiết chế Nhà nước dân chủ được tổ chức trên một nền tảng chính trị, pháp lý theo quan điểm, nguyện vọng và mục tiêu của toàn dân tộc.
Nội dung quan trọng bậc nhất của Hiến pháp 1946 khẳng định đường lối đại đoàn kết, thống nhất ý chí toàn dân tộc. Lời nói đầu Hiến pháp ghi: “Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới”.
Điều này ghi nhận thành quả đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc là của toàn dân Việt Nam. Từ chỗ mất nước, nhân dân Việt Nam đã giành lại độc lập và chủ quyền Quốc gia. Từ chỗ bị phân chia làm 3 xứ thuộc địa và bảo hộ, nhân dân ta đã thống nhất lại đất nước thành “một khối thống nhất Bắc, Trung, Nam không thể phân chia” (Điều 2). Những thành quả ấy có được chủ yếu là do nhân dân ta đã đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nội dung quan trọng kế tiếp của bản Hiến pháp đầu tiên là công nhận và bảo đảm quyền hợp pháp của công dân, như: Các quyền tự do; các quyền về kinh tế; các quyền về văn hóa; các quyền về xã hội…
Cụ thể, Hiến pháp ghi: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6); “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7); “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9); “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10); “Tư pháp chưa quyết định thì không bị bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật” (Điều 11); “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được đảm bảo” (Điều 12); “Quyền lợi của giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm” (Điều 13); “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình của Nhà nước” (Điều 15); “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc gì thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14).
Như vậy, Hiến pháp năm 1946 ra đời, ghi nhận, khẳng định những quyền hợp pháp của công dân sau một thời gian dài dưới sự thống trị của các triều đại phong kiến và nhiều năm bị sự đô hộ của thực dân Pháp.
Để xây dựng nhà nước thống nhất và vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, Hiến pháp măm 1946 đã đề ra nguyên tắc cho việc tổ chức bộ máy Nhà nước trên các phương diện, gồm: Cơ quan lập pháp; Cơ quan hành pháp; Cơ quan tư pháp. Cùng với đó, Hiến pháp năm 1946 quy định rõ bộ máy hành chính địa phương.
Căn cứ vào những quy định về mô hình tổ chức quyền lực Nhà nước, có thể thấy rõ, Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước và Việt hóa tối đa cho phù hợp với điều kiện nước ta. Hiến pháp 1946 đã cố gắng phân định rõ các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp để từ quyền lập pháp được trao cho Nghị viện Nhân dân - cơ quan cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; quyền hành pháp thuộc về Chính phủ và Tòa án nắm quyền tư pháp. Đồng thời, Hiến pháp cũng phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương…
Theo Hiến pháp năm 1946, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân, người dân là người làm chủ đất nước. Nhân dân chính là người làm ra Hiến pháp, nên có quyền phúc quyết bản hiến pháp của mình; nhân dân có quyền bỏ phiếu thể hiện ý chí của mình trong những trường hợp liên quan đến vận mệnh mệnh quốc gia. “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (Điều 1); “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra" (Điều 41)...