Những nỗi sợ Tết
Khác với hình ảnh nhà nhà mong ngóng Tết đến Xuân về trên truyền thông, bức tranh đón Tết của người trẻ Việt Nam phức tạp và lắm 'nỗi sợ' hơn nhiều.
“Ăn Tết sao cho vui” tưởng chừng là một đề bài đơn giản, xét theo những gì các clip quảng cáo Tết hay nói với bạn: "Bỏ qua nỗi lo", "Ăn tết an nhàn", "Tết đến sao phải xoắn?"...
Thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Nếu bạn đang đi làm, công việc dường như dồn dập hơn khi Tết đến gần. Việc sắp xếp thời gian dành cho gia đình, hoạt động ngày Tết một cách chu toàn cũng là thử thách lớn khiến nhiều người e ngại, dần dà hình thành nỗi sợ Tết dù đây là ngày lễ trọng đại trong năm.
Nếu bạn không đi làm (một cách không tự nguyện) thì Tết còn đáng sợ hơn nhiều.
“Tết đến chỉ muốn trốn chứ không muốn về nhà” là lời than phiền của một số cử tọa trong buổi nói chuyện của tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen).
Một số người e ngại những câu hỏi như “Có người yêu chưa?”, “Bao giờ lấy chồng?”, “Lương thưởng bao nhiêu?”... Một số khác nói rằng công việc và cuộc sống hàng ngày vốn áp lực, họ chỉ muốn dành thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa khi Tết đến.
Theo cách nói của bà Phượng, đó là những người thích “nghỉ Tết, chơi Tết, vui Tết” thay vì “ăn Tết” - bày vẽ nấu nướng, dọn dẹp sau những bữa tiệc linh đình.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”
Gia đình là một cộng đồng gồm nhiều cá nhân, do đó tiến sĩ Phượng nghĩ rằng nếu chúng ta không thể chuyển hóa tư tưởng của số đông cá nhân trong gia đình, vấn đề xung đột về giá trị mới và cũ như trên sẽ không được giải quyết.
“Chỉ khi chúng ta, đặc biệt là người trẻ, biết lan tỏa hiểu biết của mình và từ từ ‘cảm hóa’ người thân thì họ mới có thể thưởng thức Tết giống như cách bạn trẻ đang làm - xem Tết là lúc tạm dừng nhịp độ quay cuồng, cạnh tranh khốc liệt trong công việc để nghỉ ngơi, thư thái tận hưởng”, bà nói.
Bà cũng soi chiếu vấn đề ở khía cạnh lịch sử, văn hóa để chứng minh Tết nên là khoảng thời gian nhàn nhã trong năm.
Cụ thể, người xưa truyền tai nhau nhiều dị bản mở đầu bằng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ví dụ: Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” hay “Tháng một là tháng ăn chơi/Tháng hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà”...
Dù có nhiều dị bản, những câu ca dao này ngụ ý Tết Nông nhàn (tiền thân của Tết Ta sau này, chỉ một lễ hội nông nghiệp dành cho nông dân nhàn nhã sau thời gian “đầu tắt mặt tối” và đã hoàn tất vụ mùa lớn nhất trong năm) là thời gian nghỉ ngơi thực sự trước khi bước vào mùa vụ năm mới.
Kể cả khi “trồng đậu, trồng cà”, bà Phượng cho hay đây chỉ là đợt trồng ngắn hạn phòng khi thiếu lúa, ngược lại nếu lúa đã cho đủ gạo ăn trong một năm thì đợt trồng đậu, cà không quá quan trọng.
“Ba tháng này người nông dân muốn làm cũng không có gì để làm, bởi ruộng đồng cần thời gian nghỉ ngơi trước khi gieo sạ lúa (nhà nông dùng hạt lúa đã được ngâm và ủ nảy mầm để gieo trực tiếp xuống đất-PV)”, tiến sĩ Phượng chia sẻ.
Khi nhìn nhận ý nghĩa của câu ca dao xưa, bà Phượng muốn đúc kết rằng tâm lý nhàn hạ, ăn chơi dịp Tết là điều dễ hiểu và bắt nguồn từ thực tế đời sống của ông cha ta - thế hệ gắn liền với nền văn minh lúa nước.
Xã hội hiện không thuần nông như trước nên bà Phượng nhấn mạnh mọi người không cần thiết ăn Tết ba tháng giống với nội dung câu ca dao, song chúng ta vẫn có thể tận dụng thời gian nghỉ Tết để dừng lắng và nhìn lại một năm đã qua.
Là một người mẹ, người bà trong gia đình đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024, bà Phượng gợi ý chúng ta có thể làm mới Tết này bằng nhiều hoạt động thú vị, vượt ra khỏi mác “truyền thống”, chẳng hạn như đi du lịch cùng gia đình. Điều này không những giảm gánh nặng ngày Tết cho chính mình và người thân, mà còn tạo điều kiện cho cha mẹ trải nghiệm những điều chưa từng.
“Khiến cho mọi người đều vui trong ngày Tết chính là một cách tôn trọng ‘cái lõi’ tốt đẹp của truyền thống”, chuyên gia bày tỏ.
“Tập quán” ngày Tết cần giữ lại
“Hiểu rằng những con người hiện đại có thể có nhiều cách thức đón Tết mới như đi du lịch hoặc đơn giản là nghỉ ngơi đúng nghĩa, song một số hoạt động truyền thống hẳn không thể vắng mặt trong ngày Tết. Làm sao để chúng ta cân bằng giữa giá trị cũ và giá trị mới?” - câu hỏi của một bạn trẻ.
“Thế nào là hoạt động truyền thống?” - bà Phượng đáp.
Trước hết, bà cho rằng mỗi người không nên dựa vào thực tế gia đình mình để kết luận nhà nhà người người đều đón Tết theo cùng một cách thức với các “hoạt động truyền thống”.
Chẳng hạn, gia đình này coi trọng tục xông đất với niềm tin rằng người đầu tiên đặt chân vào nhà sau đêm giao thừa sẽ tác động đáng kể đến vận mệnh chủ nhân và gia đình trong năm mới. Ngược lại, một số người (như chính bà Phượng) không câu nệ nghi thức này bởi xã hội không còn thuần nông.
Hay bà cũng cho là một số hoạt động có thể được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm, thay vì phải đợi đến Tết. Thăm hỏi họ hàng - một trong các hoạt động được xem là “thủ tục” dịp Tết - là ví dụ được bà đề cập.
“Lấy ví dụ như vậy để đi đến kết luận rằng điều mà chúng ta cần lưu giữ và duy trì dịp Tết thực chất là giá trị tinh thần như tình yêu thương, lòng biết ơn, sự hòa thuận… Chúng mới là cốt lõi của truyền thống chứ không phải những cái ‘bề ngoài’”, tiến sĩ Phượng bày tỏ.
Dẫu vậy, bà vẫn luôn khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tìm hiểu về lịch sử ngày Tết dân tộc và các tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan. Có lẽ, hiếm ai biết đến việc bánh chưng, bánh dày dùng để cúng Tết thời xưa có mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng phồn thực của nền kinh tế lúa nước.
Theo đó, tín ngưỡng phồn thực thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ (linga và yoni) cũng như hành vi giao phối. Tín ngưỡng này xuất phát từ niềm tin nếu con người làm mẫu thì thiên nhiên sẽ theo đó mà đâm hoa kết quả, sinh sôi nảy nở. Cho đến nay, dấu vết của tín ngưỡng phồn thực vẫn ẩn hiện ở nhiều vật dụng, món ăn quen thuộc.
Cuốn Trong cõi của sử gia Trần Quốc Vượng từng đề cập bộ phận sinh dục nam thường được khắc họa bằng hình trụ, chứa yếu tố "động" (trái với yếu tố "tĩnh" của bộ phận sinh dục nữ). Cùng lúc đó, bánh chưng thời xưa không vuông như bây giờ mà có hình thuôn dài (giống bánh tét ngày nay).
Mãi đến thế kỷ 17, quan lại nhà Hậu Lê - vì tôn thờ Nho giáo - nên đã đổi bánh chưng sang hình vuông để biểu thị cho vũ trụ quan theo hình dung của Trung Hoa ("trời tròn, đất vuông" - trời giống như nắp vung đậy lên mặt đất bằng phẳng).
Một nhà nghiên cứu khác là ông Tạ Chí Đại Trường cũng công nhận hình dáng thuôn dài của bánh chưng thời xưa và cho biết lưu dân trong hành trình Nam tiến đã bảo tồn hình dáng này để tạo nên bánh tét ngày nay.
Về bánh dày, hình ảnh hai miếng bánh bằng gạo nếp kẹp miếng chả ở giữa cũng làm liên tưởng đến hành vi giao phối.
Như vậy, gia đình hiện đại có thể đón Tết theo những cách thức riêng, miễn sao mọi thành viên đều có một cái Tết no đủ và đong đầy niềm vui. Bên cạnh đó, việc bồi đắp kiến thức liên quan đến lịch sử, văn hóa dân tộc cũng là cách hay để ta thêm yêu Tết Việt.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tet-den-noi-roi-lam-gi-de-tri-tam-ly-so-tet-post1456075.html