Những nốt nhạc trẻ thơ

Chương trình nghệ thuật tham dự Liên hoan Búp sen hồng. Ảnh: THIÊN LÝ

Để trở thành người lớn, ai cũng từng trải qua một thời niên thiếu, say đắm với những nốt nhạc trẻ thơ. Vì thế, khi những khúc hát với ca từ trong sáng và giai điệu vui tươi vang lên, cảm xúc trong mỗi người như vỡ òa nhớ về một thời tuổi thơ vô tư, hồn nhiên.

Đó là những ca khúc gắn liền với các tên tuổi nổi tiếng như: Văn Chung, Xuân Giao, Trần Viết Bính, Đỗ Hòa An, Phong Nhã, Phạm Tuyên, Hàn Ngọc Bích... Theo năm tháng, những ca khúc này có sức sống mãnh liệt và sống mãi trong lòng nhiều thế hệ thiếu nhi.

“Nhạc sĩ của tuổi thơ”

Theo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trước đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thành lập Ban Sáng tác cho thiếu nhi và tổ chức một số hội thảo chuyên đề về thiếu nhi, nhưng từ năm 1989 đến nay thì tổ chức này không còn nữa. Việc sáng tác cho thiếu nhi được phân về các ban thanh nhạc, khi về đến chi hội nhạc sĩ các tỉnh lại càng ít được quan tâm.

Những ca khúc nổi bật về thiếu nhi được sáng tác trước năm 1975 ghi dấu ấn trong lòng khán giả, đặc biệt là các khán giả nhí, phải kể đến: Thằng Cuội (Lê Thương), Tía em, má em (Văn Lương), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (Phong Nhã), Chiếc đèn ông sao (Phạm Tuyên), Chú ếch con (Phan Nhân), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích)... Còn những ca khúc được sáng tác sau năm 1975 phải kể đến: Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng, Tuổi đời mênh mông (Trịnh Công Sơn), Đi học (Bùi Đình Thảo), Chú voi con ở bản Đôn (Phạm Tuyên), Ngày đầu tiên đi học (Bùi Đình Thảo), Trái đất này là của chúng mình (thơ Định Hải, sáng tác Trương Quang Lục), Một con vịt (Kim Duyên), Chị ong nâu và em bé, Cháu vẽ ông mặt trời (Tân Huyền), Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh)... Đây là những ca khúc đã được phổ biến và ghi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt và hầu hết được đưa vào giảng dạy, trình bày trong các buổi sinh hoạt tập thể và là ca khúc trong các giờ tự quản của học sinh, trong giờ lên lớp hoặc giải lao…

Trong số các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về thiếu nhi, thầy giáo - nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc cho trẻ em, với 40 ca khúc. Ông được khán giả mến tặng biệt danh “nhạc sĩ của tuổi thơ”. 1/3 trong số tác phẩm này được trẻ em, người lớn yêu thích và hát thuộc lòng như: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Rửa mặt như mèo, Tiếng chim trong vườn Bác, Bay trong đêm pháo hoa… Trong đó, ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày được nhiều người yêu thích. Ca khúc này được cố nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích viết vào cuối năm 1970. Ca khúc phản ánh lịch sử của đất nước những năm 1970- khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở thời kỳ ác liệt nhất: Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay/ Bước chân thêm nhanh em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày/ Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay trời trưa vừa tròn bóng/ Mẹ ăn cơm cho nóng, mà để trâu cho con chăn, ớ... chăn trâu... Đường hành quân diệt Mỹ, bố hỏi cuối thư vui/ Lúa xuân thêm bông, ngô khoai xanh tươi ai giỏi giang tay cày/ Mẹ ơi, mẹ hẳn vui, chiều qua đọc thư bố/ Lời bố khen con nhớ, mẹ đảm đang con chăm ngoan, lúa lên mau/ Mai đây chiến thắng bố về, sẽ nghe mẹ kể chuyện con/ Rằng con bé lon ton, khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày. Nhưng có lẽ, cố nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích sáng tác ca khúc này đúng vào thời điểm mất đi con gái đầu lòng, vì vậy mà ca khúc càng thấm đẫm và mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe.

Khan hiếm nhạc thiếu nhi

Là một trong những thành viên của Đội Nghệ thuật Vàng Anh (Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên), thể hiện khá thành công các ca khúc thiếu nhi, em Lê Khánh Huyền chia sẻ: “Những ca khúc này đã khơi dậy trong em tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với Bác Hồ và các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vun đắp cho chúng em về tình yêu thương ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, trường lớp. Em hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ca khúc mới, thật hay dành cho thiếu nhi”.

Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung về tình hình sáng tác âm nhạc của cả nước, ở Phú Yên, nhiều năm qua, số lượng ca khúc dành cho thiếu nhi rất ít ỏi, tỉnh chưa tổ chức được một trại sáng tác hay một cuộc thi sáng tác ca khúc nào dành cho thiếu nhi. Số nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi vốn đã hiếm, nay lại ngày càng thưa vắng dần.

Nói về vấn đề này, hầu hết nhạc sĩ đều cho rằng, các tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa các ca khúc chất lượng trung bình, không gây được ấn tượng với người nghe và rất thiếu những bài hát mới, hay. “Theo tôi, muốn có những sáng tác hay cho thiếu nhi, đến với công chúng, không chỉ cần sự chung tay của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, tâm huyết mà còn rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị như Sở VH-TT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh...”, anh Đặng Lim Ka, một trong những người sáng tác âm nhạc tại Phú Yên, bày tỏ.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/240347/nhung-not-nhac-tre-tho.html