Những nữ giám đốc HTX đưa hương nước mắm 'bay xa'
Giữ được nghề và phát triển hơn, 'tỏa hương' nước mắm xa hơn của những người đứng đầu các HTX ở vùng ven biển Hà Tĩnh đã tạo sinh kế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Sở hữu đường bờ biển dài hơn 130km với nhiều bãi biển đẹp, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ phát triển mạnh về du lịch mà còn khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc khai thác, chế biến sâu sản phẩm hải sản. HTX Dịch vụ Chế biến hải sản Phú Sáng là một trong những mô hình kinh tế tập đạt được thành công nổi bật trong lĩnh vực này.
Cô gái trẻ dám nghĩ, dám làm
Năm 2021 trở về nước sau nhiều năm học tập, làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1992) cùng 7 thành viên khác thành lập HTX Phú Sáng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến, phân phối thủy hải sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm “Nước mắm Phú Sáng”.
Với nguồn vốn 15 tỷ đồng đóng góp từ các thành viên, người đứng đầu HTX đã hoạch định kế hoạch sản xuất -kinh doanh trên cơ sở mở rộng quy mô chế biến với đầu tư hạ tầng hiện đại.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, từ Chương trình xây dựng Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nước mắm Phú Sáng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao chỉ sau 1 năm HTX ra đời. Quá trình hoạt động, HTX chú trọng tạo sản phẩm đồng nhất với số lượng đủ lớn và không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm kích thích thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin sản phẩm, chính xác, công khai qua mã QR để tạo sự tin cậy trên thị trường.

Nước mắm Phú Sáng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao chỉ sau 1 năm HTX Phú Sáng ra đời.
Được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao là "tấm thẻ" để nước mắm Phú Sáng mở rộng thị trường tiêu thụ. Phú Sáng đã trở thành thương hiệu nước mắm quen thuộc của người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Vinh (Nghệ An)... Năm 2023, HTX sản xuất hơn 70.000 lít nước mắm các loại. Đặc biệt, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp, đưa nước mắm Phú Sáng sang thị trường Úc với số lượng 15.000 lít vào đầu năm 2024.
Đến nay, HTX Phú Sáng đã xây dựng được sản phẩm nước mắm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm được HTX phân phối, tiêu thụ qua nhiều kênh như: Mở các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng bá, bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, tham gia hội chợ thương mại…
Hoạt động hiệu quả của HTX Phú Sáng đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng và 100% lao động được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Vào mùa cao điểm sản xuất, HTX tạo việc làm thời vụ cho hơn 250 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 350.000 - 500.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ vậy, với suy nghĩ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sẽ tạo sự phát triển bền vững, nữ giám đốc trẻ Nguyễn Thị Sáng còn liên kết đầu tư tàu thuyền, ngư cụ đánh bắt và bao tiêu, thu mua hải sản cho 64 chủ tàu thuyền tại thị trấn Thiên Cầm và các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên cũ)...
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: "Người đứng đầu HTX Phú Sáng trẻ, có năng lực, dám nghĩ dám làm, vận hành theo mô hình HTX kiểu mới, nỗ lực xây dựng mối liên kết giữa bao tiêu, sản xuất và phân phối sản phẩm. Ngoài chế biến thủy hải sản, thương mại cũng là lợi thế của HTX với việc thu mua hàng nghìn tấn thủy hải sản/năm phân phối, tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đơn vị đã được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Liên minh HTX tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen".
Những phụ nữ cùng chí hướng
Không riêng chị Nguyễn Thị Sáng, ở Hà Tĩnh còn có rất nhiều phụ nữ muốn đưa sản phẩm bản địa vươn tầm. Đó là những người đứng đầu các HTX sản xuất nước mắm nổi tiếng, trong đó có HTX Chế biến thủy hải sản Chiến Thắng và HTX Phú Khương.
Dưới sự dẫn dắt của bà Phạm Thị Luận, Giám đốc HTX Chiến Thắng, thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp ngày càng phát triển, mở ra một hướng thoát nghèo mới cho chị em trong vùng.
Nhờ chú trọng đến sản xuất sạch giúp HTX đáp ứng được các tiêu chí của chương trình OCOP. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao: nước mắm, cá mờm rim lạc, sứa và ruốc nêm. Riêng nước mắm có 2 sản phẩm đạt 3 - 4 sao và trở thành sản phẩm chủ lực của HTX.
Bà Phạm Thị Luận cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mỗi năm việc thu mua hàng tấn cá cơm của bà con ngư dân vùng biển Kỳ Ninh để chế biến nước mắm đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Còn tại HTX Phú Khương, bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX đã đưa đặc sản vùng biển Kỳ Anh ra thị trường trong nước, quốc tế.
Năm 2018, HTX được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn xây dựng sản phẩm nước mắm trở thành sản phẩm OCOP và năm 2019 đạt sản phẩm 3 sao, nước mắm Phú Khương đã có bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh chất lượng không ngừng được cải thiện bằng công nghệ muối hiện đại thì mẫu mã cũng được nâng cấp để đảm bảo các tiêu chí và thu hút khách hàng.
Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ nhận diện thương hiệu, quảng bá thương hiệu thông qua logo, tem nhãn sản phẩm, tham gia hội chợ, đi học hỏi ở các vùng sản xuất nước mắm nổi tiếng… Với nhiều nỗ lực, năm 2021, nước mắm Phú Khương đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX Phú Khương đã đưa đặc sản vùng biển Kỳ Anh ra thị trường trong nước, quốc tế.
Năm 2024, HTX thu mua hơn 400 tấn nguyên liệu để sản xuất 250.000 lít nước mắm, doanh thu đạt gần 25 tỷ đồng.
“HTX Phú Khương đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới và hoạt động hiệu quả, luôn chịu khó tìm tòi, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Đến nay, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động thời vụ”, đại diện Liên minh HTX Hà Tĩnh thông tin.
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương
Những mô hình HTX do phụ nữ lãnh đạo đã giúp nước mắm Hà Tĩnh ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Việc này không chỉ phát triển được nghề chế biến nước mắm, làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng chất lượng cuộc sống, mà còn tận dụng được nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển quê hương.
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo hằng năm tại tỉnh Hà Tĩnh đạt kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh còn 9.236 hộ nghèo, tỷ lệ 2,40% (giảm bình quân 0,76%/năm); 11.736 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,04% (giảm bình quân 0,68%/năm).
Tỉnh có gần 9.000 hộ thoát nghèo nhờ các mô hình hỗ trợ sản xuất và sinh kế hiệu quả.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, chính quyền và các ban ngành của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX khai thác thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phát triển các thương hiệu nước mắm. Từ đó tạo sinh kế cho người dân, giúp đời sống ngày càng nâng cao.