Những núi than từ Lào làm dân khốn khổ: Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế vào cuộc
Lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế chỉ đạo cán bộ kiểm tra, xác minh thông tin những núi than khổng lồ nhập từ Lào về Việt Nam khiến người dân khốn khổ.
Trưa 31/3, ông Đặng Phước Bình - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế xác nhận, sau khi nhận được phản ánh của Báo Điện tử VTC News liên quan đến những núi than khổng lồ nhập từ Lào về Việt Nam và tập kết tại cảng Thuận An khiến người dân khốn khổ thì lãnh đạo đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm tra, xác minh nội dung báo nêu.
"Ngày hôm qua (30/3), sau khi nắm được thông tin báo nêu,tôi chỉ đạo cán bộ rà soát lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động đánh giá tác động môi trường tại cảng Thuận An sau đó sẽ có hướng xử lý cụ thể", Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế thông tin.
Trước đó, VTC News có bài viết dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam phản ánh việc cảng Thuận An (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành bãi tập kết than khổng lồ gây bụi bặm và ô nhiễm.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân, thời gian qua một lượng lớn than được nhập trực tiếp từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) và được tập kết tại cảng Thuận An. Việc tập kết này gây ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến đời sống của hàng chục hộ dân sống quanh khu vực cảng.
Ghi nhận tại khu vực cầu cảng, công nhân miệt mài điều khiển hai gầu xúc cỡ lớn hối hả bốc than lên tàu làm than rơi vãi khắp nơi, trong đó có lượng lớn than rơi xuống biển. Tại khu vực cầu cảng cũng không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải trực tiếp xuống cửa biển kèm than khiến vùng nước ở gần khu vực cảng có một màu đen xì. Được biết, có khoảng 50 hộ nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết chịu ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển, tập kết than tại cảng Thuận An. Họ cũng từng phản ánh tình trạng ô nhiễm do bụi than đến chính quyền nhưng đến nay chưa được khắc phục một cách triệt để.
Ông Trương Văn Đông - Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An thừa nhận hoạt động của cảng ít nhiều làm ảnh hưởng, xáo trộn của người dân. Liên quan đến phản ánh than rơi xuống biển trong quá trình bốc lên tàu, ông Trương Văn Đông khẳng định: “Đây là vấn đề tối kỵ nhất. Rơi than như vậy vừa gây ô nhiễm lại gây cạn bến cảng và hao hụt than xuất đi. Tuy nhiên, có thể ngày hôm đó trúng ca mà gầu ngoặm bị trục trặc và do tàu Việt Thuận 28 cần bốc than lên gấp để tránh thủy triều nên có thể một số anh em làm ẩu. Đây là sự cố không mong muốn, chúng tôi đã tổ chức họp và chấn chỉnh”.
Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thuận An khẳng định, đơn vị luôn tuân thủ đánh giá tác động môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị tiếp cận những giấy phép liên quan đến hoạt động môi trường thì Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thuận An chỉ cung cấp được một quyết định từ cách đây 21 năm của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường về phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của cảng Thuận An và một biên bản kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty cổ phần cảng Thuận An của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 22/7/2022.