Những phận trẻ bỏ rơi (Kỳ cuối: Xã hội dang rộng vòng tay)

Như chú chim non lạc mẹ trước dông tố cuộc đời, giờ đây các bé này không chỉ lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của những người mẹ, người cô tại các trung tâm xã hội mà còn được hạnh phúc trong những gia đình mới có đầy đủ cha mẹ, họ hàng nội ngoại. Dù trong giấy khai sinh khi lọt lòng khuyết tên cha, tên mẹ nhưng các em không khuyết tình mẹ, tình người của những con người giàu tình yêu thương của xã hội.

Xã hội luôn dang rộng vòng tay che chở, chăm lo cho những phận đời bị bỏ rơi.

Xã hội luôn dang rộng vòng tay che chở, chăm lo cho những phận đời bị bỏ rơi.

Hằng ngày cặm cụi với công việc thiện nguyện, ông Ông Văn Bán- Chủ tịch Hội Từ thiện và BVQTE P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) không khi nào ngơi tay. Đặc biệt đối với trẻ em, ông Bán cực kỳ quan tâm và đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Tại P. Hòa Thọ Đông những năm qua có 5 đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi vừa chào đời nhưng đều được ông Bán tìm mái ấm gia đình hoàn chỉnh.

Khi ông Bán vừa đến cổng nhà bà N.T.T (58 tuổi, trú P. Hòa Thọ Đông), từ trong nhà đã vọng ra giọng nói vui mừng của bé Xù: “Ông ngoại Xù đến kìa”. Bé Xù là đứa trẻ bị bỏ rơi tại Bệnh viện Đa Khoa Cẩm Lệ khi mới vừa lọt lòng, ngay khi nhận tin từ các bác sĩ trong bệnh viện, ông Bán tức tốc vào tiếp nhận và chạy đôn chạy đáo xin sữa, xin quần áo cho bé từ các bà mẹ mới sinh tại bệnh viện khi mà mẹ ruột của bé không để lại bất cứ vật dụng gì cho con. Để bé được có điều kiện chăm sóc chu đáo hơn, người đàn ông tuổi lục tuần phối hợp các ban ngành của phường xác minh trường hợp trẻ bị bỏ rơi rồi tìm gia đình có nhu cầu và điều kiện tốt để nhận nuôi bé. Khi biết được gia đình bà T. có con gái đã hiếm muộn hơn 10 năm nay, mong mỏi có đứa con, đứa cháu để vui nhà vui cửa nên ngay khi xác minh gia cảnh và nhận được lời đề nghị tha thiết của gia đình, ông Bán đã làm hồ sơ để gia đình đón bé về chăm sóc.

“Từ khi đón bé về nuôi, mọi người tuy bận rộn chăm bé nhưng ai nấy cũng đều vui vẻ, phấn khởi. Mẹ bé cứ thấy trên mạng có quần áo gì đẹp lại háo hức mua về đủ loại không thiếu thứ gì. Bé Xù như món quà vô giá mà chúng tôi nhận được”, bà N.T.T (bà ngoại bé Xù) chia sẻ.

Cũng như gia đình bà T., vợ chồng chị P.T.M.L (trú P. Hòa Thọ Đông) kết hôn từ năm 2006 nhưng mãi không có con. Chị đi khắp nơi chạy chữa, thụ tinh nhân tạo nhưng cũng không có kết quả. Năm 2016, khi nghe tin có trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện chị liên hệ đến chú Bán và ngỏ ý xin cháu bé về nuôi. Chị P.T.M.L tâm sự: “Sau khi nhận bé về, tôi và gia đình quyết định hủy phôi đang lưu trữ tại bệnh viện để làm thụ tinh nhân tạo. Con nào cũng là con, bé đến với gia đình như một giấc mơ mà gia đình hằng ao ước, ba bé đặt tên cho cháu là Thiên Ý, nghĩa là món quà của trời ban tặng cho gia đình”.

Người làm công tác từ thiện và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em như ông Bán luôn mong muốn những đứa trẻ sinh ra từ cuộc tình lầm lỡ có thể được hạnh phúc trong ngôi nhà trọn vẹn, được gọi hai tiếng mẹ cha mà không bị lạc lõng khi có mặt trong cuộc sống này.

Không chỉ dành tình yêu thương cho những phận đời bị bỏ rơi mà bà N.T.T (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) còn dốc tâm sức tìm lại nguồn cội, máu mủ cho đứa trẻ mà gia đình bà nhận nuôi. Năm 2011, bà T. phát tâm đỡ đầu 2 đứa trẻ bị bỏ rơi tại chùa Quang Châu (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) là N.T và N.H. Cách đây 1 năm, qua nhiều lần dò hỏi khắp nơi, truy lục từ tờ giấy khai sinh của bé N.H, bà T. đã may mắn tìm lại mẹ ruột cho bé. Sau khi có kết quả ADN, bà T. chẳng những không trách móc mà còn thường xuyên chở N.H lui tới tạo điều kiện cho hai mẹ con gặp mặt để hàn gắn tình mẹ con.

Ngày đưa bé N.H đến gặp mẹ, chị K. ngại ngùng, rụt rè không dám nhìn thẳng con gái của mình. Gia đình chị K. nghèo khó, người thân trong gia đình không một ai biết đến sự tồn tại của đứa trẻ này ngay cả cha của nó. Như thầm giấu điều gì đó, chị K. tâm sự với bà T. mong muốn bà giang tay giúp đỡ nuôi nấng con bé nên người. Ngầm hiểu được ý nghĩ của người mẹ trẻ này, bà T. cũng không ép buộc với bà tìm được gốc gác cho N.H đã giúp bà an lòng. “Nếu sau này khi đã trưởng thành bé N.H muốn biết về nguồn cội, muốn tìm về mẹ của nó thì mình cũng đã có thông tin để kể, để nói cho bé”.

Tại các trung tâm bảo trợ, những đứa trẻ bỏ rơi đều được tìm mái ấm gia đình hoàn chỉnh. Như một câu chuyện cổ tích, hồ sơ của những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay cả bé Bảo An, bé Đạt tại Trung tâm bảo trợ xã hội đều được gửi ra Cục con nuôi và đã có gia đình ở các nước đồng ý nhận. “Bất kỳ đứa trẻ bỏ rơi nào vào tại trung tâm nếu không phải bị dị tật, nằm liệt thì đều được quan tâm tìm mái ấm gia đình cho các bé. Một gia đình đầy đủ tình yêu thương sẽ giúp cho những trẻ em mồ côi có một môi trường an toàn, lành mạnh, giúp trẻ lớn lên trong bầu không khí gia đình, được trưởng thành dưới sự giáo dục, định hướng của cha mẹ”, bà Hệ Thị Thanh Hương- Giám đốc Trung tâm bảo trợ chia sẻ.

Không ai có thể chọn mình sinh ra ở đâu, lớn lên trong hoàn cảnh nào, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì tình mẫu tử ruột rà cũng thiêng liêng hơn cả. Dù có thế nào khi đã được sinh ra trên thế giới này thì phải có cha có mẹ, để không thiệt thòi, bất hạnh khi bước vào đời.

DIỆU HUYỀN

>> Những phận trẻ bỏ rơi (Kỳ 1: Những đứa trẻ không được thừa nhận)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_227176_nhung-phan-tre-bo-roi-ky-cuoi-xa-hoi-dang-rong-vong-tay-.aspx