Những phiên chợ Tết kỳ lạ đất Kẻ Chợ
Chợ phiên ngày Tết - dù ở bất cứ vùng quê nào hay giữa lòng phố đều có một niềm thương nhớ nao lòng.
Những phiên chợ hàng trăm năm tuổi
Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Chợ Cầu Đông (tương ứng khu vực giữa phố Hàng Đường hiện nay) nằm bên bờ sông Tô Lịch, không chỉ bán cho dân chúng Thăng Long chưng Tết mà còn bán cho người cất buôn mang đi các vùng miền khác.
Cuối thế kỷ 19, đoạn sông Tô Lịch qua khu vực này bị lấp để làm chợ Đồng Xuân, nên chợ hoa chuyển sang họp tạm ở phố Hàng Khoai, từ năm 1915 chuyển hẳn sang họp ở phố Hàng Lược cho đến nay. Chợ hoa Hàng Lược bắt đầu họp từ ngày 23 tháng Chạp cho đến trước Giao thừa. Chợ bán nhiều loại hoa trong nước như: hải đường, trà, mai, quất… và các loại hoa Tây như: thược dược, cúc, violet, lay ơn, đồng tiền… nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Không chỉ bán hoa, chợ Hàng Lược còn bán bát, chậu, đôn, bình, lọ… làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng đưa sang.
Khác với chợ hoa Hàng Lược khá nổi tiếng thường họp từ rằm tháng Chạp cho tới Giao thừa, chợ đồ cổ - cũng nằm ngay trong khu chợ hoa Hàng Lược, mỗi năm họp chỉ vào những ngày cận Tết, từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết, người Hà Nội thường đến tìm một món đồ nào đó có “duyên” với mình để chơi Tết.
Phiên chợ bán đồ cổ, đồ đồng, đồ giả cổ này… ở ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng. Các mặt hàng bày bán tại đây rất phong phú nhưng phổ biến nhất là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng; các vật dụng quen thuộc như ấm trà, đèn cổ, lư hương, bình phong, đồng hồ cổ, tẩu hút thuốc… trong đó có nhiều món đồ có giá trị lớn lên đến vài chục triệu đồng.
Mặc dù phần lớn mặt hàng được bày bán ở phiên chợ đặc biệt này là đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục năm… Tuy nhiên, những món đồ này được chế tác rất tinh xảo, chỉ những người sành chơi mới có thể phân biệt được là đồ cổ thật hay giả cổ. Ngoài ra, chợ còn bày bán nhiều sản phẩm khác như tranh sơn mài, gốm sứ, câu đối…
Hàng Bồ - phố ông đồ tháng Chạp
Nửa cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc (trước gọi là Hàng Bút, còn phố Hàng Bút hiện nay xưa là phố Hàng Mụn) chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc.
Vào dịp gần Tết, khu vực này xuất hiện các ông đồ trải chiếu viết chữ và bán câu đối đã viết sẵn. Ai không biết chữ thì trình bày mong muốn để thầy đồ tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều. Nhà nào có tang thì phải dùng giấy màu vàng hay màu xanh lục. Báo “Tương lai Bắc Kỳ” năm 1889 có bài viết mô tả cụ thể như sau: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào dịp gần Tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”.
Chữ Hán mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống từng bán cả câu đối Tết. Trong cuốn “Từ Paris đến Hà Nội”, nhà báo Paul Bourde đã mô tả về câu đối ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 là: “Dù nghèo đến xác xơ thì vào dịp năm mới họ vẫn phải thay miếng giấy đỏ trên tường bằng miếng giấy đỏ khác. Có nhà mong chữ “Phú Quý” hay “An Khang”, cũng có nhà là chữ “Vạn sự như ý”, họ tin vào trời đất”.
Trong suốt triều Nguyễn, chợ ông đồ này luôn đông đúc vì dân Thăng Long - Hà Nội vốn hiếu học. Hơn nữa, treo câu đối, treo chữ là thú chơi hiếu thượng của nhiều người. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, ngày Tết khách đến nhà chơi, ngồi uống rượu và bình chữ, bình câu đối là một cái thú. Thậm chí, ngay cả nhà có tang cũng không thể thiếu câu đối, chỉ có điều giấy viết câu đối lúc đó sẽ có màu vàng hay xanh lục. Thế rồi, sang thập niên 30 của thế kỷ 20, chữ Nho thất thế nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Và phố Hàng Bồ không còn những ông đồ trải chiếu “bên phố đông người qua”, nhưng thú chơi câu đối Tết vẫn tiếp diễn. Hầu như các tờ báo Tết khi đó đều đăng câu đối ở vị trí trang trọng.
Phiên chợ “trần sao, âm vậy”
Chợ Bưởi xưa vốn là nơi hợp lưu của 2 con sông Tô Lịch và Thiên Phù, đây cũng từng là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long. Chợ bán sản phẩm do các làng nghề trong vùng làm ra như làng Trích Sài, Bái Ân chuyên bán lụa, lĩnh; làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã bán các loại giấy; làng Xuân La, Xuân Đỉnh bán nông cụ; làng Yên Phú bán mạch nha…
Chợ Bưởi cũng có sản phẩm nông nghiệp của vùng bên kia sông Hồng (Vĩnh Yên, Phúc Yên) đưa sang, hay từ xứ Đoài (Hà Tây cũ) mang đến. Suốt nhiều thế kỷ, chợ bán đủ loại giống cây, các giống vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là chó, mèo. Chợ họp 1 tháng 6 phiên, riêng phiên ngày 19 tháng Chạp thì có bán cả trâu, bò.
Xưa, chợ Bưởi chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và 1-2 dãy nhà gỗ mà người mua, kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Đầu thế kỷ 20, trong chợ có 15 gian chuyên bán giấy là giấy moi, giấy bản, giấy phết quạt, giấy quấn ngòi pháo.
Vào thời nhà Lý, gần chợ có bãi đất rộng không có dân cư ở nên được dùng làm pháp trường xử những người phạm trọng tội. Sau khi nhận hình phạt, phạm nhân thường được chôn ngay tại đây, nên được người dân đặt tên là Đống Ma, sau đổi thành tên chữ là Tích Ma. Bởi thế, chợ Bưởi có nhiều truyền thuyết liên quan đến bãi Tích Ma.
Người ta kể rằng, hàng năm, trong phiên chợ Bưởi giáp Tết, ma từ âm phủ lên trà trộn với người dương thế đi sắm sửa đồ vật ăn Tết. Người dương mua hàng bằng tiền thật, còn người âm dùng tiền âm. Để phân biệt ai là ma, ai là người, các bà bán hàng đặt chậu nước trước cửa hàng. Khi khách trả tiền, người bán hàng thả đồng tiền ấy vào chậu nước, nếu đồng tiền chạm vào đáy chậu phát ra tiếng kêu thì đó là tiền thật, có nghĩa người mua hàng là người trần. Nếu đồng tiền không phát ra tiếng kêu thì đó là tiền ma. Khi người bán hàng đòi phải trả tiền thật, lập tức người âm sẽ sợ hãi và biến mất. Truyền thuyết này xuất phát từ quan niệm tâm linh của người Việt xưa, “trần sao âm vậy”.
Phiên chợ làng Mọc ngày 27 Tết
Kẻ Mọc nay là khu vực phường Trung Hòa - Nhân Chính, đến nay vẫn còn phiên chợ duy nhất trong năm, chỉ diễn ra vẻn vẹn trong buổi sáng 27 tháng Chạp. Tuy phiên chợ chỉ họp trong khoảng thời gian ngắn nhưng lại luôn được mong chờ bởi những thức quà bánh, sản vật dân giã, mộc mạc từ ngoại thành đưa vào.
Thời trước, Kẻ Mọc là những xóm làng nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài lũy thành đất Thăng Long. Nói đến Kẻ Mọc, người ta thường nhắc nhiều đến Nhân Mục Môn. Các làng Mọc của Nhân Mục Môn vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và nhiều di tích lịch sử còn nguyên vẹn. Người đi chợ làng Mọc ngày 27 Tết, không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết.
Có thể nói, dù mọi người đã quen dần với chợ online, dù những phiên chợ Tết ngày nay cũng không vẹn nguyên không khí xưa… nhưng chợ phiên ngày Tết dường như đã trở thành những miền ký ức đẹp. Đó là nơi cha mẹ, ông bà tảo tần lo sắm Tết trong những tháng ngày gian khó thuở ấu thơ… Để mãi cho đến sau này, mỗi chúng ta lớn lên, mang theo những niềm thương sâu thẳm về nguồn cội, gia đình… Và những phiên chợ Tết vẫn mãi được mong đợi trong những ngày Tết đến, Xuân về…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-phien-cho-tet-ky-la-dat-ke-cho-post432404.html