Những phụ nữ truyền cảm hứng (*): Để bất hạnh cũng biết cách mỉm cười

Như một nhân vật cổ tích chịu lời nguyền cay độc, Nguyễn Thị Kim Hòa vượt lên số phận, kiên cường đi cho trọn kiếp người, đã có hơn mười năm cầm bút, xuất bản khoảng mười lăm tác phẩm

Toàn bộ công trình văn chương được tạo dựng lên bằng một bàn tay, theo đúng nghĩa đen. Với bàn tay trái, có ba ngón cử động linh hoạt hơn các ngón còn lại, Hòa xoay xở với các hoạt động thường nhật, học tập, viết văn và hàng trăm chuyện khác mà những đôi bàn tay lành lặn, linh hoạt khó hình dung được.

"Trong vắt với trẻ thơ, thẫn thờ cùng người lớn"

Trong tập chân dung văn học "Lần đường theo bóng", nhà văn Văn Thành Lê đặt tên cho "bức chân dung" Nguyễn Thị Kim Hòa là "trong vắt với trẻ thơ, thẫn thờ cùng người lớn", nêu được hai chủ đề mà Kim Hòa theo đuổi, mảng đề tài phụ nữ và thiếu nhi. Một đằng là thế giới đa đoan phũ phàng của người lớn, một đằng là thế giới mộng mơ trong vắt của trẻ con.

Nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Ảnh nhân vật cung cấp

Nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Ảnh nhân vật cung cấp

Có lần, tôi thử hình dung cơ thể nhỏ bé đó chứa đựng hai thế giới đối nghịch ấy thế nào? Đã bao giờ chúng tranh phần nhau khiến chị muốn nứt ra, đánh gục chị? Hoặc hai phần đó có lúc xoa dịu nhau, bù đắp cho nhau?

"Viết cho trẻ con là cách tôi xả stress khi viết cho người lớn. Đôi lúc mất cân bằng, hay cảm thấy kiệt sức khi theo đuổi các đề tài nhức đầu của người lớn, tôi ngừng lại, quay về viết cho trẻ con. Kiểu như người đi đường mệt, ngừng uống miếng nước rồi cắm cúi đi tiếp. Trẻ con tiếp sức cho người lớn. Tôi viết như vậy, suốt hơn chục năm nay"- Kim Hòa bộc bạch.

"Ta phận đàn bà nhưng vào cơn binh lửa đâu muốn mình thua kém bậc mày râu". Đó là lời nữ tướng Bùi Thị Xuân trong truyện ngắn "Nắng quái Tây Nam thành" của chị. "Một truyện ngắn không có tài năng không thể nào viết nổi" - lời nhà văn Bích Ngân trong một dòng trạng thái đăng trên trang cá nhân cách đây vài năm. Nhà văn tiền bối này nhớ lại lúc mình đọc "Nắng quái Tây Nam thành": "Chỉ muốn ôm Hòa, nhắc bổng Hòa và reo lên…".

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Hòa xuất bản tại Việt Nam

Một số tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Hòa xuất bản tại Việt Nam

Ta sẽ hiểu nhà văn Bích Ngân không nói quá nếu biết hoàn cảnh Kim Hòa sáng tác truyện ngắn này. Đó là năm 2014, Nguyễn Thị Kim Hòa dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ở Đồng Nai.

"Tại khách sạn ở xứ Trấn Biên xưa, do cột sống yếu, không thể ngồi hay nằm trên giường lâu nên Hòa phải nằm ra sàn phòng khách sạn để viết trên giấy, dĩ nhiên, bằng bàn tay trái" - lời nhà văn Văn Thành Lê thuật lại.

Hãy thử hình dung khung cảnh ấy, một nhà văn chẳng có gì ngoài trang giấy và cây bút, nhọc nhằn viết, có cả đớn đau.

Ngày xưa, nữ văn sĩ Virginia Woolf có ý rằng phái nữ muốn theo đuổi văn chương phải có tài chính và một căn phòng riêng. Nguyễn Thị Kim Hòa có lẽ cần nhiều hơn, một cột sống khỏe mạnh chẳng hạn.

Chiếc cột sống ấy đã gánh vác một khối óc mang nặng ưu tư và thân phận, chiếc cột sống đủ mạnh để Hòa bơi ngược dòng về quá khứ, để nhập thân từ một thiếu nữ vô danh đến nữ tướng, hoàng phi. Những nhân vật: Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, vào ra trên trang viết của Kim Hòa, sau này tập hợp thành tập "Con chim phụng cuối cùng" là những phụ nữ của lịch sử nhưng bị chính lịch sử che khuất, những chân dung mờ nhạt, những tiếng nói yếu ớt vắng chỗ trong biến động quá khứ.

Nhà văn có số phận đặc biệt

Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984. Mọi chuyện bình thường cho đến khi bé Hòa lên 2 tuổi. Sau một cơn sốt bại liệt, đứa trẻ nhỏ ở vùng quê Phan Rang này lớn lên trong vòng tay bồng bế của ba mẹ. Bằng châm cứu, vật lý trị liệu suốt thời gian dài, cuối cùng, cô bé ấy cũng cử động được phần nào.

Hòa đi học, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Nhưng do sức khỏe yếu, Hòa không thể tham gia kỳ thi để chạm vào giấc mơ đại học. Với thành tích ở cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn văn, Kim Hòa được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại.

Theo học 3 năm, ra trường, Hòa trụ lại TP HCM một năm; dù đồng lương ít ỏi, chị vẫn ở lại để thử sức mình. Nhưng rồi "ông ngoại bệnh, muốn tôi về. Nghĩ lỡ mình không được gặp ông, ở gần ông những ngày cuối cùng nên tôi về luôn. Một phần cũng vì gia đình lo cho sức khỏe của mình" - Kim Hòa nhớ lại.

Vậy là Kim Hòa về quê, vùng quê mà từ đó giấc mơ văn chương của chị bắt đầu, ở tuổi hoa niên. Chị trở về, để gần với trẻ thơ hơn, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho trẻ con và cả các môn học của bậc tiểu học. Đến nay, học sinh theo học Kim Hòa từ lớp 2 đến lớp 9. Một lớp tầm mười em. Khi dịch Covid- 19 bùng lên, chị chuyển sang dạy học trực tuyến, vì vậy những cuộc trò truyện với Kim Hòa thường ngắn ngủi, để nhường thời gian cho chị đứng lớp và cả nghỉ ngơi.

"Bao nhiêu lứa học trò đã trưởng thành. Mệt nhọc, vất vả nhưng cảm giác hạnh phúc khi nhìn thấy các em khôn lớn, trưởng thành đã xua tan hết" - Kim Hòa bày tỏ.

Từ những lớp học với những cô cậu bé đáng yêu, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã tìm được nguồn cảm hứng cho các sáng tác về thiếu nhi của mình. Nói như Hòa: "Lớp học nuôi sống tôi, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả tâm hồn".

Kim Hòa tạo ra một thế giới văn chương song hành "đôi lúc cần trẻ nhỏ để thi vị hóa bớt thế giới người lớn. Và cần người lớn để vững vàng hơn trong thế giới trẻ con".

Thế giới truyện thiếu nhi của Nguyễn Thị Kim Hòa được dệt bằng mộng mơ của những đứa bé con, của thiên nhiên. Quyển sách đầu tay của chị là truyện thiếu nhi "Tay chị tay em" mà "chị em" ở đây là đôi tay trên cùng một thân thể nhưng lại mang những "số phận" khác nhau.

Truyện thiếu nhi của Hòa còn là đồng thoại, nơi loài vật có thể đi đứng nói cười. Dường như Kim Hòa có tình yêu đặc biệt với loài vật, chị từng chia sẻ về truyện "Nắng quái Tây Nam thành": "Tới đoạn con voi Thiết Tượng bị thương vẫn đòi mang pháo ra trận, tôi vừa viết vừa khóc".

Có lẽ, nhiều khi chính Nguyễn Thị Kim Hòa cũng đã quên đi nghịch cảnh của mình. Không than vãn, không bi lụy, đó là cách Hòa đối diện với cuộc sống. Chị vui vẻ, năng động khi trò chuyện, với những câu trả lời chắc chắn, chân thật mà lay động. Tôi vẫn thích hình ảnh mình hình dung về chị từ lúc đầu, một thiếu nữ trong truyện cổ tích bị dính lời nguyền. Nhưng thiếu nữ này không thụ động đợi chờ được giải cứu, chính chị đã sống trong thứ phù chú đó, chấp nhận nó như một phần của mình để bước tiếp và "để cả những bất hạnh cũng biết cách mỉm cười".

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-3

Kể từ khi xuất bản tác phẩm đầu tay đến nay, riêng trong văn chương, Nguyễn Thị Kim Hòa đã đạt được một số thành tích: Giải nhất Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014; giải tư Văn học tuổi 20 lần 6...

Tạp chí Forbes Việt Nam tôn vinh chị là một trong những phụ nữ truyền cảm hứng.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-phu-nu-truyen-cam-hung-de-bat-hanh-cung-biet-cach-mim-cuoi-20220307210140761.htm