Những quân bài mặc cả của ông Trump trong các cuộc đàm phán với Nga

Chỉ vài ngày nữa, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47. Tổng thống đắc cử hiện chưa tiết lộ ông sẽ làm gì với các lệnh trừng phạt Nga mà chính quyền ông Biden ban bố.

Trong những ngày cuối cùng còn tại nhiệm, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với hệ thống tài chính và lĩnh vực năng lượng của Nga.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga.

Tác động của đòn trừng phạt phải mất một thời gian mới có hiệu quả, trong khi Nga đã tìm cách lách các lệnh cấm, đặc biệt là đối với ngành năng lượng. Tuy nhiên, những người ủng hộ trừng phạt cho rằng đây là công cụ quan trọng trong cuộc chiến kinh tế với Moscow và chỉ ra nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn.

Ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Ông Donald Trump. Ảnh: Getty

Chỉ vài ngày nữa, ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47. Tổng thống đắc cử hiện chưa tiết lộ ông sẽ làm gì với các lệnh trừng phạt mà chính quyền ông Biden ban bố.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ông Trump sẽ làm theo đề xuất của ông Keith Kellog, người được chọn làm đặc phái viên về Ukraine. Ông Kellog đã đề xuất nới lỏng trừng phạt Nga như một phần của các thỏa thuận hòa bình tiềm tàng.

Mặt khác, theo báo báo của Bloomberg ngày 16/1, các cố vấn của ông Trump cũng đang chuẩn bị một chiến lược trừng phạt để gây sức ép lên Moscow nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ chế trừng phạt của Mỹ mà không có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh như Anh và EU cũng có thể làm suy yếu những nỗ lực chung của họ trong việc kiềm chế Nga và thậm chí cuối cùng có thể làm tăng thêm sức mạnh cho Moscow.

“Nếu một số lệnh trừng phạt về năng lượng được dỡ bỏ, Nga sẽ có thêm doanh thu và cải thiện tình hình tài chính, bắt đầu tích lũy tiền để sản xuất tên lửa và vũ khí”, bà Yuliya Pavytska, giảng viên Trường Kinh tế Kyiv (KSE) nhận định.

Các lựa chọn của ông Trump

Có một điều chắc chắn, ông Trump sẽ không thể xóa bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Nga trong ngày đầu tiên nhậm chức. Các lệnh trừng phạt Nga có thể chia thành 2 loại: lệnh hành pháp và lệnh theo luật định. Với các lệnh hành pháp, tổng thống có quyền đơn phương áp đặt hoặc bãi bỏ, còn lệnh theo luật định đòi hỏi phải được Quốc hội thông qua.

Theo bà Yuliya Ziskina, nhà nghiên cứu cấp cao về pháp lý tại tổ chức phi lợi nhuận Razom for Ukraine, các lệnh trừng phạt ông Trump dễ dỡ bỏ nhất sẽ là những lệnh được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden. Những lệnh này bao gồm cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản, áp mức trần giá dầu, cấm đầu tư mới vào Nga, cấm xuất khẩu một sang Nga và cấm nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu của Nga như vodka và hải sản.

“Ông Trump cũng có thể dỡ bỏ các lệnh kiểm soát xuất khẩu công nghệ, điều này sẽ là một thay đổi lớn vì nhiều vi mạch của Mỹ được sử dụng trong các tên lửa của Nga”, bà Ziskina nói thêm.

Các lệnh trừng phạt theo luật định đòi hỏi phải có sự trao đổi giữa Tổng thống Trump và quốc hội. Ông Trump sẽ phải nêu quyết định của ông với quốc hội, sau đó quốc hội sẽ xem xét. Quốc hội có thể ban hành một nghị quyết phản đối chung nếu họ muốn các biện pháp trừng phạt được duy trì. Ông Trump có thể phủ quyết nghị quyết này. Tuy nhiên, quyết định phủ quyết của Trump có thể bị Quốc hội bác bỏ nếu có đủ 2/3 số phiếu tán thành.

Nếu ông Trump muốn dỡ bỏ Đạo luật REPO, bật đèn xanh cho việc tịch thu khoảng 4-5 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng tại Mỹ, cũng như các lệnh trừng phạt áp dụng theo Đạo luật Trừng phạt các Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017, điều này sẽ cần sự phê duyệt của Quốc hội.

Những quân bài mặc cả

Mục tiêu chính của ông Trump là đàm phán từ một vị thế mạnh, theo ông Steven Moore, cựu Chánh văn phòng Hạ viện Mỹ và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Ukraine Freedom Project. Ông cho rằng ông Trump có thể siết chặt trừng phạt và đẩy mạnh việc thực thi để bịt các lỗ hổng.

“Ông Trump sẽ có lợi hơn nếu tập trung vào việc thực thi trừng phạt trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ để gây thiệt hại cho Nga và buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông Steven Moore nói.

Ngày 10/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các lệnh trừng phạt sâu rộng nhất từ trước đến nay, nhắm vào các công ty dầu mỏ lớn của Nga như Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu liên quan đến vận chuyển dầu của Nga.

Mới đây nhất, vào ngày 15/1, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt và cả trừng phạt thứ cấp đối với 150 tổ chức tài chính của Nga và liên quan đến Nga, các công ty năng lượng, các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Nga và các thực thể tham gia vào việc giúp Nga lách trừng phạt.

Bà Taisa Markus, giảng viên tại Trường Luật Đại học Illinois cho rằng, các đòn trừng phạt này có thể là một phần trong kế hoạch của chính quyền sắp mãn nhiệm nhằm “tích lũy quân bài mặc cả” cho chính quyền tiếp theo khi ông Trump nhậm chức.

“Tổng thống tiếp theo của Mỹ có thể đơn phương dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt mới này, nhưng hầu hết đều cần phải được Quốc hội thông qua. Có Điều này cho thấy chính quyền ông Biden muốn đảm bảo chính quyền kế nhiệm sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga”, bà Markus nói.

Giải pháp “không tốn kém”

Việc dỡ bỏ trừng phạt không được tất cả mọi người ủng hộ, đặc biệt là ở Ukraine và châu Âu. Hơn nữa, hậu quả có thể rất nghiêm trọng nếu ông Trump không hành động phối hợp với các đồng minh và đối tác khác.

Do các lệnh trừng phạt được thiết kế để hoạt động đồng bộ với nhau, việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt sẽ làm suy yếu nỗ lực của châu Âu và làm giảm sức ép kinh tế đối với Nga.

Theo bà Pavytska, điều này có thể buộc EU và Anh phải chịu trách nhiệm lớn hơn và phải hành động riêng biệt. Nó cũng có thể làm xói mòn sự đoàn kết giữa các đồng minh của Ukraine.

“ Nếu Mỹ bị coi là lấy lại quyền tiếp cận thị trường Nga trong khi Châu Âu duy trì trừng phạt và các công ty của họ không được tiếp cận thị trường đó, họ sẽ ở thế bất lợi”, bà Ziskina bình luận, nói thêm rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong châu Âu và tạo động lực cho phe phản đối Ukraine trong EU như Hungary và Slovakia.

Quốc hội Mỹ cũng đánh giá cao các lệnh trừng phạt Nga vì chúng được cho là giải pháp giúp đỡ Ukraine nhưng “không tốn kém” đối với Washington. Chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ nhìn nhận các lệnh trừng phạt từ góc độ lợi ích của Mỹ và những gì tốt nhất cho nước Mỹ.

“Trong quốc hội Mỹ, nhiều người ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga hơn là phân bổ ngân sách cho việc phòng thủ của Ukraine”, bà Ziskina nói thêm.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Kyiv Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-quan-bai-mac-ca-cua-ong-trump-trong-cac-cuoc-dam-phan-voi-nga-post1149305.vov