Những quán ở TP.HCM tầng trệt bán bún bò, lầu trên hát karaoke

'Chị ăn bún bò hay đi hát?', anh Ngọc Hà chạy tới hỏi nhóm khách mới vào quán. Người đàn ông tự nhận là 'thợ đụng' khi vừa làm bảo vệ giữ xe, phục vụ karaoke lẫn nhân viên hàng ăn.

Anh Phạm Lê Ngọc Hà (sinh năm 1979), nhân viên quán karaoke Bambi (đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh), nói rằng dù hầu hết hoạt động đã trở lại, quán karaoke dường như chưa thể quay về những ngày đông đúc như trước kia. Nếu lượng khách trước dịch được 10, thì nay giảm đến 5-6 phần.

"Buổi tối, kể cả cuối tuần, khách rất vắng. Hiếm hoi lắm mới có ngày quán kín, hết phòng, gần nhất là dịp lễ giỗ Tổ. Không giống như hồi xưa tối nào cũng đều đều, lượng khách rất ổn định".

Trong hoàn cảnh đó, chủ quán quyết định kết hợp kinh doanh cả tiệm bún bò lẫn karaoke để bù lỗ tiền thuê mặt bằng và duy trì số lượng nhân viên.

"Dù giờ làm nhiều việc cùng lúc, tôi cũng không thể nào kiếm được mức thu nhập bằng hai năm trước, khi chỉ làm công việc bảo vệ quán karaoke. Nói chung bán bún bò chỉ là giải pháp tình thế thôi, chủ yếu vẫn phải trông chờ vào karaoke", anh Hà nói với Zing.

Mở cửa trở lại nhưng lượng khách vẫn còn hạn chế, một số quán karaoke ở TP.HCM tiếp tục kết hợp bán đồ ăn, nước uống để duy trì nhân viên và trang trải tiền thuê mặt bằng đắt đỏ.

 Quán karaoke trên đường Nguyễn Gia Trí bán bún bò, nước mía.

Quán karaoke trên đường Nguyễn Gia Trí bán bún bò, nước mía.

Tầng trệt bán bún bò, lầu trên hát karaoke

Trong giai đoạn karaoke đóng cửa dài ngày, đa số nhân viên đều bỏ về quê. Anh Hà cho biết lúc đó mình vẫn bám trụ và làm phục vụ quán bún bò 13-14 tiếng/ngày.

Còn bây giờ hầu hết nhân viên đều đã quay lại. Quán hiện có tất cả 8 người làm, chia ra theo ca để mở bán cả ngày lẫn đêm.

Nhân viên không phân biệt phục vụ bún bò hay karaoke mà cứ có việc, có khách là làm. Tuy nhiên, khi chia ca sáng tối, chủ quán cũng đã có sắp xếp phù hợp.

Những người thành thạo việc bếp núc thường làm ca sáng vì khung giờ này khách đến ăn bún bò đông hơn. Trong khi đó, ca tối phải thức đêm thường là người trẻ đã quen việc của quán karaoke.

"Có nhiều khách đi hát thấy quán có thêm hàng bún bò cũng ghé vào ủng hộ 1-2 tô. Nhiều người còn muốn gọi lên tận phòng hát nhưng chúng tôi không dám phục vụ như vậy vì sợ phòng bị ám mùi đồ ăn", anh Hà kể.

Nhân viên thạo việc bếp núc thường được phân làm ca sáng.

Nhân viên thạo việc bếp núc thường được phân làm ca sáng.

Anh Nguyễn Xuân Huy, chủ quán, cho biết gia đình anh bắt đầu tận dụng tầng trệt của karaoke để kinh doanh hàng ăn từ cuối năm 2020.

"Gia đình vợ tôi là người gốc Huế, nắm công thức nấu bún bò riêng nên sẵn mở bán luôn. Ban đầu chỉ tính làm thời gian ngắn, chờ karaoke được phép hoạt động trở lại. Ai ngờ giờ đã hơn một năm, karaoke mở lại rồi nhưng chưa được như xưa nên vẫn phải duy trì song song để cầm cự".

Đầu tháng 10/2021, anh Huy bắt đầu liên kết với các app giao hàng để bán bún online. Trung bình, mỗi ngày quán bán được 200 tô bún mang đi.

"Khu này tập trung các trường đại học lớn và cũng may là nhiều bạn sinh viên ăn thấy hợp khẩu vị, giá bình dân nên hay ghé. Quán có lượng khách quen ổn định, kinh doanh cũng tạm ổn".

 Khách hàng của quán bún bò đa số là học sinh, sinh viên.

Khách hàng của quán bún bò đa số là học sinh, sinh viên.

Quán karaoke kinh doanh cà phê, trà sữa

Từ đầu năm 2022, quán karaoke Làn Sóng Xanh (đường Lê Văn Sỹ, quận 3) bắt đầu tận dụng tầng trệt và mặt tiền để mở thêm gian hàng phục vụ các loại đồ uống như cà phê, sinh tố, trà sữa, nước ép.

Ngoài bố trí thêm bàn ghế, quán còn lắp đặt khu pha chế, dựng thêm bảng hiệu, treo biển quảng cáo để thu hút sự chú ý của người đi đường.

Anh Phạm Văn Lý, nhân viên quán karaoke, cho biết việc kết hợp kinh doanh như vậy nhằm bù lỗ tiền thuê mặt bằng, giải quyết công ăn việc làm cho nhân viên cũng như tạo không khí sôi động, nhộn nhịp về đêm.

Quán karaoke này còn có một chi nhánh nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) và hiện cũng tận dụng tầng trệt để mở quán cà phê.

 Quán karaoke trên đường Lê Văn Sỹ tận dụng tầng trệt làm nơi bán cà phê, trà sữa.

Quán karaoke trên đường Lê Văn Sỹ tận dụng tầng trệt làm nơi bán cà phê, trà sữa.

"Lượng khách đi karaoke chưa thể ổn định như trước không chỉ vì dịch bệnh mà còn bởi khó khăn chung về kinh tế, thu nhập sụt giảm. Trước đây, chúng tôi có những khách quen hầu như tuần nào cũng đến hát nhưng giờ lâu lâu mới thấy ghé một lần.

Người hát karaoke chưa nhiều nên có thêm khách ngồi uống nước, trò chuyện bên dưới cũng cảm giác vui vẻ, tích cực hơn. Về tiền mặt bằng thì chỉ bù được một phần thôi, không đáng kể".

Quán karaoke với 28 phòng hát này hiện có khoảng 15 nhân viên. Ngoài những người cũ, quán còn thuê thêm một vài nhân viên pha chế.

"Sau gần một năm đóng cửa karaoke, một số người về quê đã có công việc ổn định nên không trở lại nữa. Chúng tôi có tuyển thêm nhưng không nhiều. Hiện nhân viên vừa chạy bên quán nước, vừa phục vụ karaoke, không phân chia gì cả", anh Lý cho hay.

Huệ Lâm - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-quan-o-tphcm-tang-tret-ban-bun-bo-lau-tren-hat-karaoke-post1311708.html