Những quốc bảo truyền ngôi trong lễ đăng quang của vua Nguyễn

Trong lễ đăng quang (lễ tiến tôn hoặc lễ lên ngôi) của các vua Nguyễn, đi cùng ba nghi thức quan trọng gồm lễ trao kim sách, lễ khánh hạ và lễ dùng ấn ngọc là các bảo vật truyền quốc của vương triều.

Trong nghi lễ tiến tôn vua Gia Long - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn vào ngày 12 tháng 5, năm Gia Long thứ 5, tức ngày 28/6/1806 ở điện Thái Hòa, có nghi thức dâng sách vàng nói về việc lên ngôi của nhà vua.

 Sách vàng lễ lên ngôi vua Gia Long. Nguồn: kienthuc.

Sách vàng lễ lên ngôi vua Gia Long. Nguồn: kienthuc.

Kim sách và ấn ngọc truyền quốc

Theo bài viết Les archives des Empreurs d’Annam et l’histoireannamite (Tài liệu lưu trữ của các Hoàng đế An Nam và lịch sử An Nam) của nhà cổ tự người Pháp, Giám đốc Nha Lưu trữ Đông Dương (1917-1945) PaulBoudet, bản sách này gồm 10 tấm vàng, được kết nối với nhau bằng những vòng hình tròn… Tên của sách là: Sách vàng nhân dịp lễ lên ngôi của Hoàng đế Gia Long.

Đại Nam thực lục chép: “Mờ sáng, trống nghiêm hồi thứ ba, hữu ty đặt long đình để sách vàng ở trên thềm giữa điện, lại đặt án dâng sách vàng ở phía nam lư hương, đặt án để tờ chiếu ở gian bên tả của điện, bên hữu dưới thềm điện lại đặt một cái án nữa, đặt trước hòm sách tuyên đọc và hòm biểu mừng. Khâm thiên giám báo giờ.

Vua mang mũ cửu long, áo bào vàng, đai ngọc, ngự ở điện. Ty Bả lệnh tấu nhạc lớn. Người giữ hương đốt hương. Nhạc lớn dứt tiếng, các quan bày ban chầu lạy tiến sách văn. Quan truyền chỉ tuyên rằng: “Hoàng thượng có chiếu”. Quan tuyên chiếu đọc chiếu. Quan ban chiếu bưng đi niêm yết. Các quan dâng biểu làm lễ mừng”.

Trong lễ lên ngôi của vua Thiệu Trị vào ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu, tức ngày 11 tháng 2 năm 1841 ở điện Thái Hòa, bên cạnh kim sách, còn có sự xuất hiện của ấn ngọc truyền quốc.

Trong bài Lễ đăng quang của vua Thiệu Trị, tiếng Pháp Cérémonies qui accompagnèrent l’avènement de l’empereur Thiêu Tri, đăng trên Revue indochinoise, số ra ngày 15 tháng 8 năm 1904), tác giả A.Bouchet cho biết, lễ đăng quang diễn ra ba nghi thức quan trọng gồm lễ trao kim sách, lễ khánh hạ và lễ dùng ấn ngọc. Đi cùng với các nghi thức đó là các bảo vật truyền quốc của vương triều.

Theo tác giả, nghi thức bắt đầu bằng việc trao kim sách. Trước sự chứng kiến của bách quan đang quỳ gối, một đại thần Nội Các kính cẩn bưng hòm kim sách đặt lên hoàng án tại gian giữa. Rồi ông trở ra. Quan đọc kim sách bước đến thềm điện tại gian giữa, mặt quay về hướng bắc. Ông quỳ xuống nhận kim sách, đọc to một lượt rồi trả về vị trí cũ.

Nghi thức tiến hành xong, hai vị quan rời đi. Bắt đầu nghi thức thứ hai, lễ Khánh hạ. Hai viên quan ở Nội Các cùng tiến lên nhận hòm biểu mừng và hòm lễ mừng từ châu án đặt lên hoàng án. Nghi thức hoàn thành, hai vị quan rút lui sau khi lạy năm lạy.

Cuối cùng là nghi thức thứ ba, lễ dùng ấn ngọc. Một đại thần Bộ Lại quỳ trước mặt nhà vua tâu vua dùng ấn ngọc truyền quốc. Sau đó, hai đại thần Nội Các tiến về phía hoàng án. Một người nhận hòm ấn ngọc, người kia nhận chiếu lên ngôi vừa lấy ra từ ống kim phụng. Đến trước hoàng án, người thứ nhất đóng ấn ngọc lên chiếu lên ngôi do người thứ hai lấy ra rồi cả hai để ấn và chiếu về lại chỗ cũ.

Buổi lễ hoàn tất, một đại thần Bộ Lễ quỳ trước Hoàng thượng để tâu trình với người. Về phần mình, Bộ Lại đề nghị Nội Các đóng ấn truyền quốc lên các bản sao chiếu lên ngôi. Bản sao được gửi đi các tỉnh còn ấn truyền quốc sẽ được cất vào tráp có khóa và được một thái giám đưa về điện Cần Chánh ngay khi xong việc.

 Ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được làm bằng loại đá ngọc màu trắng gọi là bạch ngọc. Niên đại: Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Nguồn: baotanglichsu.

Ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được làm bằng loại đá ngọc màu trắng gọi là bạch ngọc. Niên đại: Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Nguồn: baotanglichsu.

Sau lễ đóng ngọc tỷ, lễ đăng quang mới hoàn tất

Trong lễ đăng quang của vua Khải Định vào ngày 18/5/1916, bên cạnh nhận ngọc tỉ truyền quốc, vị vua mới còn được trao những bảo vật quý giá khác.

Theo cuốn Vua Khải Định hình ảnh & sự kiện, tác giả Võ Hương An (con của Võ Văn Lang, Nhất đẳng Thị vệ cuối cùng của triều Nguyễn) cho biết, ngay sau khi phế truất vua Duy Tân, ngày 16/5/1916, triều đình đã làm lễ nhập cung cho vua mới. Ngày 17/5/1916, Bộ Lễ chuẩn bị một hoàng án đặt giữa điện Cần Chánh, trên đó có bốn món quốc bảo truyền ngôi gồm: Ngọc tỷ có khắc 9 chữ Đại Nam thụ thiên vĩnh mạng truyền quốc tỷ; một bộ hoàng bào; một cái hốt bằng ngọc trên có khắc hai chữ Vương mạng; một cuốn sách bằng vàng có tên là Thánh chế mạng danh kim sách.

Ngày 18/5/1916, triều đình thiết đại triều nghi tại điện Thái Hòa để chính thức làm lễ đăng quang vua Khải Định.

Sau các nghi lễ rước vua ra điện Thái Hòa, và các nghi lễ vái lạy phức tạp, một vị quan đọc Hạ biểu - một hình thức diễn văn chúc mừng của triều đình và thần dân đối với nhà vua nhân lễ đăng quang. Sau khi hạ biểu được đọc xong, các quan phụ trách lui về vị trí cũ.

Lúc đó, một viên quan thuộc Bộ Lại bước ra khỏi hàng, quỳ trên lối đi ở giữa, hướng vào điện hô lớn: “Thỉnh dụng ngọc tỉ!” (kính mời dùng ấn ngọc).

Ở trong điện, nghe tiếng xướng đó, hai viên quan Nội các trực sẵn, bước đến cái bàn có ngọc tỉ, mở trắp lấy ngọc tỉ in vào hộp son rồi đóng vào ân chiếu. Ân chiếu này là một tuyên cáo về việc lên ngôi của vua, và công bố niên hiệu mới - Khải Định - cho thần dân được rõ. Cùng lúc với việc đóng ngọc tỉ vào ân chiếu, chín phát ống lệnh nổ vang trước Kỳ đài, báo hiệu một triều đại mới bắt đầu.

Sau lễ đóng ngọc tỷ, lễ đăng quang chính thức hoàn tất. Vua bước xuống ngai, ra khỏi điện Thái Hòa, trở về điện Cần Chánh.

Ngay khi vua vừa quay lưng rời khỏi điện Thái Hòa thì một quan của Nội các đã bưng cái tráp đựng Kim sách và cái tráp đựng hạ biểu giao ngay cho các thị vệ để mang về điện vua ở.

Các quan Bộ Lại sẽ mang các bản phó ân chiếu đến đóng ngọc tỉ rồi mới gửi đi các tỉnh (mỗi tỉnh một bản) để bố cáo cho toàn dân biết một triều đại mới bắt đầu.

Trong các lễ đăng quang của vua Nguyễn, lễ đăng quang của vua Thành Thái vào ngày mồng 2 Tết năm Kỷ Sửu (1889) tại điện Thái Hòa là không có ngọc tỷ truyền quốc. Vì sao lại như vậy?

Theo tác giả Bửu Kế (sách Chuyện triều Nguyễn), lúc rời khỏi kinh thành Huế, sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (23/5/1885), vua Hàm Nghi rút khỏi kinh thành đã mang theo ngọc tỷ truyền quốc và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Vì thế, lúc tại vị, vua Đồng Khánh phải dùng một cái ấn khác.

“Ngoài ra, di chiếu cũng không có. Vua Dục Đức và vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái? Thiếu ấn ngọc, di chiếu, nhưng lại thừa một toán lính Pháp bồng súng ở bên trong cửa Ngọ Môn”, tác giả sách chua xót viết.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-quoc-bao-truyen-ngoi-trong-le-dang-quang-cua-vua-nguyen-post1530499.html