Những sắc thái trái chiều ở châu Á khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Các nhà lãnh đạo châu Á đang theo dõi sát sao những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump, sau khi ông trở lại nắm quyền điều hành nước Mỹ vào ngày 20/1/2025.
Theo dõi những tâm trạng trái chiều ở các nước châu Á khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ, nhật báo Les Echos nhận xét Tokyo và Seoul lo lắng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các rào cản thương mại mới của Mỹ, trong khi đó, Đông Nam Á lại tỏ ra khá lạc quan.
Các nhà lãnh đạo châu Á đang lo lắng theo dõi những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump, sau khi ông trở lại nắm quyền điều hành nước Mỹ vào ngày 20/1/2025. Mặc dù các thủ đô lớn đã quen với cách tiếp cận của ông về những vấn đề an ninh và xu hướng phát triển đường lối đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên, họ đặc biệt lo ngại về chương trình nghị sự thương mại trước mắt của tân Tổng thống Mỹ và tác động của nó đến nền kinh tế của họ.
Tại Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô đang đặc biệt lo ngại. Tận dụng đồng yen yếu, các thương hiệu như Subaru và Mazda hiện đang cung cấp hơn 50% xe "made in Japan" cho các đại lý ở Mỹ, với mức thuế chỉ 2,5% tại Mỹ. Dự kiến tăng mức thuế này lên 10% đến 20% theo chủ trương của tân Tổng thống Donald Trump sẽ làm đảo lộn sự cân bằng của họ. Với mạng lưới sản xuất đa dạng hơn và các nhà máy tại Mỹ, Toyota, Honda và Nissan cũng đang "nín thở" theo dõi các mức thuế quan có thể ảnh hưởng đến Mexico và Canada, nơi họ cũng đã thiết lập nhiều dây chuyền lắp ráp để phục vụ thị trường Mỹ.
Không chỉ ngành công nghiệp ô tô, các tập đoàn chuyên về điện tử và hóa chất của Nhật Bản cũng lo ngại về thuế quan sẽ được áp dụng với hàng hóa Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Richard Katz nhận xét: "Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của hàng xuất khẩu Nhật Bản. Thực tế, nhiều linh kiện điện tử Nhật Bản đến Mỹ nhưng không trong các hộp mang nhãn 'made in Japan'. Trong các sản phẩm này, chúng được tích hợp nhiều linh kiện 'made in China'".
Chính phủ Nhật Bản cũng đang lo lắng cho đồng yen của họ, vốn đã mất 30% giá trị so với đồng USD kể từ năm 2022. Họ lúng túng chưa biết sẽ ứng phó như thế nào với các chính sách thương mại có thể làm tăng lạm phát và buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải hạ tốc độ giảm lãi suất. "Nguyên nhân chính của việc đồng yen mất giá là khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm ở Mỹ và Nhật Bản. Chúng có mối tương quan đến 93%", chuyên gia kinh tế Richard Katz giải thích và dự đoán sẽ tiếp tục có áp lực giảm giá mới đối với đồng yen. Nhận thức được rủi ro này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản tại cuộc họp sắp tới.
Lo ngại ở Hàn Quốc
Chìm trong khủng hoảng chính trị, Seoul còn chưa có thời gian xây dựng chính sách đối phó với những hệ lụy từ việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Chính quyền bảo thủ, với Tổng thống Yoon Suk-yeol bị bắt sau diễn biến vào ngày 3/12/2024, chỉ có thể xử lý các công việc thường nhật sau cuộc bầu cử Tổng thống sớm có thể diễn ra vào mùa xuân này. Tuy không thể tham gia đàm phán về tương lai liên minh chiến lược với Washington nhưng Chính phủ Hàn Quốc hiện tại cũng đã hứa sẽ tập trung hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại mới của Mỹ.
Các chaebol - các tập đoàn lớn - đang rất quan ngại việc tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ trong tương lai, cho dù hàng hóa đến trực tiếp từ Hàn Quốc hay được tích hợp vào các sản phẩm châu Á khác. Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) ước tính các loại thuế này có thể khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 44,8 tỷ USD mỗi năm.
Để bù đắp áp lực này, Chính phủ Hàn Quốc đã hứa sớm tăng cường chương trình hỗ trợ xuất khẩu kết hợp tài trợ công và tư. Bộ Tài chính đang nghiên cứu kế hoạch tổng thể 360.000 tỷ won (khoảng 250 tỷ USD) cho năm 2025, bao gồm tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là bán dẫn, bảo hiểm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và những hệ thống bảo vệ chống biến động tỷ giá won.
Cơ hội cho các nước Đông Nam Á
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á, vốn được hưởng lợi trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, đang đón nhận sự trở lại của ông với ít nỗi lo hơn Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhận thức được sự quan tâm có hạn của tân Tổng thống Mỹ đối với các tổ chức đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mỗi nước đang tính toán để thực hiện chiến lược song phương riêng của mình. Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore hy vọng có thể đẩy nhanh việc xích lại gần với Mỹ về ngoại giao và hợp tác quân sự.